TPHCM - Cuối cùng, phiên giao dịch chứng khoán cuối tuần ngày 12.11 diễn biến của VN-Index đã giải mã phần nào thị trường. Nhịp đi của chỉ số đầy rung lắc “rung cây nhát khỉ” khiến không ít nhà đầu tư lo lắng phải “nhả hàng”.
2 tuần giao dịch rung lắc nhiều, tăng điểm ít
Diễn biến của chỉ số chứng khoán VN-Index 2 tuần qua với 10 phiên giao dịch cơ bản theo một kiểu. Đó chính là giằng co, rung lắc, thậm chí có phiên rung lắc mạnh với biên độ dao động trên 20 điểm, và chốt tuần đồ thị của chỉ số phiên tăng phiên giảm đan xen.
Tuy nhiên kết mỗi tuần, chỉ số đều “có lãi” với điểm số dương. Cụ thể, tuần giao dịch từ ngày 1-5.11 VN-Index tăng 12,24 điểm tương ứng mức tăng xấp xỉ 0,85%. Còn tuần giao dịch từ ngày 8-12.11 vừa kết thúc, VN-Index có thêm 16,86 điểm tương ứng mức tăng xấp xỉ 1,16%.
Tính chung 2 tuần, VN-Index tăng đúng 2%. Như vậy mỗi tuần tăng bình quân 1%.
Với tình trạng của VN-Index đã vượt đỉnh cũ lịch sử 1.420 điểm, hầu hết dự báo cho rằng sẽ rất khó xảy ra diễn biến tăng dốc liên tiếp được nữa. Nếu tăng với độ dốc lớn thì sẽ khó bền vững, có thể dẫn đến rủi ro nhiều hơn cho nhà đầu tư lao theo bầy đàn hoặc mua đuổi trong những phiên tăng của thị trường.
Phiên tăng phiên giảm đan xen, tiến chậm mà chắc. Theo nhận định của Công ty chứng khoán Phú Hưng, các phiên rung lắc giảm điểm mang tính kỹ thuật sẽ giúp cho thị trường tăng bền vững hơn trong xu hướng tăng hiện tại.
Hoảng hốt chỉ tổ “để vàng rơi”
Trên thực tế, trong 10 phiên giao dịch 2 tuần qua, hầu như phiên nào VN-Index cũng rung lắc dù không nhiều thì ít. Khi ngưỡng điểm VN-Index đã cao, các phiên rung lắc có nguyên nhân từ hành động xả hàng chốt lời của nhóm nhà đầu tư này rất có thể dẫn đến làn sóng chốt lời rộng rãi của nhà đầu tư nói chung.
Chưa có phiên nào xảy ra tình trạng bán tháo, nhưng không phải là không xảy ra những thời điểm ồ ạt xả hàng, dẫn đến những phiên thanh khoản cao lịch sử trên sàn HoSE.
Điển hình phiên giảm hơn 8 điểm của VN-Index ngày 3.11, thanh khoản trên HoSE đạt hơn 43.200 tỉ đồng. Hay phiên ngày 11.11, VN-Index rung lắc với biên độ hơn 20 điểm và cuối phiên chìm vào sắc đỏ, thanh khoản đạt hơn 38.130 tỉ đồng.
Dòng tiền mạnh, thậm chí rất mạnh, từ hầu hết là nhà đầu tư cá nhân trong nước, đã cứu thị trường chứng khoán trong 2 tuần qua không bị rơi vào giảm sâu và bán tháo.
Tuy nhiên, trước các nhịp rung lắc mạnh, ngưỡng margin (vay giao dịch thế chấp) tại nhiều công ty chứng khoán trở nên căng thẳng.
Thậm chí có công ty, ngay trước giờ giao dịch đã gửi tin nhắn thông báo ngừng giải ngân cho vay. Tình trạng căng margin khiến không ít nhà đầu tư phải bán bớt cổ phiếu tại những thời điểm rung lắc để giải tỏa áp lực margin, bên cạnh đó cũng vì có phần hốt hoảng trước sự mất giá của nhiều nhóm cổ phiếu tại những phiên trên.
Thậm chí có những nhóm cổ phiếu, từ cuối tháng 10 tới nay đã mất hơn 10% giá, trong đó có không ít mã mất hơn 15%. Đây cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất kích hoạt việc bán giảm tỉ trọng để cân đối margin hoặc cắt lỗ, từ đó dẫn đến tình huống “cầm vàng để vàng rơi” khi chỉ số VN-Index đi vào khúc quanh của các phiên rung lắc mạnh liên tục, nhưng cái kết có hậu là tăng điểm trở lại.
Xem thêm: odl.244379-ior-gnav-ed-ut-uad-ahn-ti-gnohk-neihk-xedni-nv-hnauq-cuhk-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.gnodoal