Ba năm qua, giá hạt tiêu nguyên liệu tại khu vực Tây Nguyên, nơi tập trung phần lớn sản lượng tiêu của Việt Nam, đã tăng trên 2 lần. Sau một thời gian giảm giá, các chuyên gia nhận định giá tiêu đang bước vào chu kỳ hồi phục về giá, do nhu cầu thế giới tăng cao, nguồn cung thiếu hụt.
"Nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu tăng do các nước mở cửa sau giãn cách do COVID-19. Thư hai là nhu cầu tăng trong dịp cuối năm như Noel, Tết dương lịch, Tết âm lịch", Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam Hồ Nam Hải cho biết.
"Giá tiêu tăng mạnh ở hầu như toàn bộ các thị trường lớn trên thế giới trong năm 2021, chủ yếu do lo ngại về sản lượng tại Việt Nam. Nước ta hiện vẫn đang là nước sản xuất tiêu lớn nhất trên thế giới, nên khi dự báo sản lượng năm nay có thể bị sụt giảm tới 8%, nguồn cung hạt tiêu xuất khẩu bị thắt chặt lại, sẽ là động lực cho đà tăng mạnh này", Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) Dương Đức Quang cho hay.
Sau một thời gian giảm giá, các chuyên gia nhận định giá tiêu đang bước vào chu kỳ hồi phục về giá. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Hiện hạt tiêu Việt Nam có mặt tại 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), khối lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam chiếm 60% lượng hạt tiêu xuất khẩu trên thế giới với nhiều sản phẩm phong phú như: tiêu đen, tiêu xanh, tiêu trắng… Tuy nhiên 80% sản phẩm tiêu xuất khẩu vẫn ở dạng thô. Chính vì vậy, theo hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, thời gian tới mục tiêu của ngành là nâng tỷ lệ sản phẩm đã qua chế biến lên cao hơn, giảm tỷ lệ xuất khẩu tiêu thô, nhưng việc này không dễ.
Chưa tìm được thị trường, doanh nghiệp không mặn mà làm tiêu chế biến
Mỗi năm, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk thu về khoảng 25 triệu USD từ xuất khẩu hạt tiêu nguyên liệu cho các công ty gia vị lớn. Dù việc xuất khẩu thô giá trị không cao, nhưng đầu tư một dàn máy xay hạt tiêu theo đúng chuẩn họ mất vài chục triệu USD. Đặc biệt việc bán các sản phẩm tiêu xay cũng không dễ.
Hiện các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam khó bước chân vào các chuỗi thực phẩm lớn của thế giới, để có thể cung ứng sản phẩm tiêu xay
"Khi bán hàng chúng tôi gặp nhiều trở ngại do chưa kết nối được với đơn vị mua hàng. Ví dụ mình phải đàm phán được với một đơn vị tiêu thụ, công ty gia vị hay thực phẩm nào, họ phải đảm bảo bao tiêu sản phẩm", Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk Lê Đức Huy chia sẻ.
Thị trường xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là châu Mỹ, châu Âu, Ấn Độ... Tuy nhiên để đưa các sản phẩm tiêu xay vào thị trường này là chưa nhiều. Một nguyên nhân được kể đến là tiêu của Việt Nam hiện vẫn chưa đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn khắt khe của thị trường khó tính. Hiện diện tích trồng tiêu bền vững mới đạt khoảng 10%
"Phải thực hiện quy trình sản xuất hồ tiêu bền vững, nhưng muốn vậy doanh nghiệp cần đầu tư cho người nông dân, từ sản xuất cho tới thu hoạch", Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam Hồ Nam Hải nhận định.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng thị trường tại Thái Lan, Trung Quốc cho sản phẩm tiêu chế biến. Mục tiêu trong năm sau tỷ lệ sản phẩm tiêu qua chế biến là 30% trong cơ cấu xuất khẩu của ngành.
Các doanh nghiệp cho rằng, muốn làm tiêu chế biến, phải đảm bảo nhiều tiêu chuẩn, từ vùng nguyên liệu canh tác tiêu phải an toàn, đến hệ thống nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, như vậy sản phẩm mới có thể vào được thị trường lớn đòi hỏi chất lượng cao. Hiện diện tích trồng tiêu trên cả nước khoảng 140.000 ha và mục tiêu đến năm 2025, ngành tiêu phấn đấu sẽ có khoảng 30% diện tích trồng tiêu an toàn, tạo tiền đề để phát triển ngành tiêu chế biến sau này.
Doanh nghiệp đầu tư diện tích tiêu an toàn, bền vững
Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu Quế hồi Việt Nam đang lên kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu trồng tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ khoảng 10.000 ha trong 5 năm tới. Theo họ, doanh nghiệp phải kiểm soát được nguyên liệu đầu vào, sau đó mới tính đến việc xuất khẩu sản phẩm chế biến.
"Doanh nghiệp cần xây chuỗi giá trị và hợp tác trực tiếp với người nông dân. Người nông dân là người trồng và trực tiếp canh tác cũng như chăm sóc cây tiêu. Nếu doanh nghiệp hiểu được kỹ thuật và đào tạo, hỗ trợ trong việc phát triển theo mô hình chuỗi giá trị và hướng đến sản xuất sạch", Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu Quế hồi Việt Nam Nguyễn Thị Huyền cho hay.
Ba năm qua, giá hạt tiêu nguyên liệu tại khu vực Tây Nguyên, nơi tập trung phần lớn sản lượng tiêu của Việt Nam, đã tăng trên 2 lần. (Ảnh minh họa - Ảnh: VGP)
Nhiều năm qua, Công ty cổ phần Phúc Sinh vẫn là một trong những đơn vị xuất khẩu tiêu nhiều nhất cả nước, đa phần xuất thô. Tuy nhiên, doanh nghiệp này khẳng định đã đến lúc chuyển hướng toàn bộ sản phẩm thô qua chế biến để xuất khẩu. Hiện doanh nghiệp có 3 vùng nguyên liệu lớn, liên kết với 6.000 nông trại, vùng nguyên liệu tiêu bền vững tiếp tục được mở rộng với tốc độ 15 - 20% mỗi năm.
"Tập trung vào phát triển chiều sâu, hướng tới những nước trả tiền cho sản phẩm đẹp, chất lượng cao. Chúng tôi hướng đến lợi nhuận chứ không hướng đến số lượng", Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh Phan Minh Thông chia sẻ.
Việc phát triển vùng tiêu nguyên liệu bền vững, đảm bảo kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp với người nông dân. Đây là cách ngành tiêu đang làm để tái cơ cấu lại ngành theo hướng bền vững, đi sâu vào chế biến, thay vì mở rộng sản lượng như trước kia.
Vượt qua những khó khăn do dịch COVID-19, ngành tiêu đang phấn đấu trở lại mốc 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2021. Theo Bộ Công Thương, năm 2021 hạt tiêu của Việt Nam đánh dấu sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu sản phẩm xuất khẩu. Đáng nói, hạt tiêu đen xay và hạt tiêu trắng xay tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
VTV.vn - Sau 3 năm "chạm đáy" giá tiêu trong nước bất ngờ tăng mạnh. Trong vòng 3 tuần sau Tết, giá hồ tiêu tăng nóng 40%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.88881755031111202-hnagn-uac-oc-iat-ioh-oc-hnam-gnat-ueit-aig/et-hnik/nv.vtv