Nhiều di tích của Thừa Thiên Huế xuống cấp nghiêm trọng, thiếu nguồn lực trùng tu, rất cần huy động nguồn lực toàn xã hội để gìn giữ giá trị văn hóa, lịch sử. Trong ảnh: Ngọ Môn với hệ thống giàn giáo sắt định hình bảo vệ quanh lầu Ngũ Phụng - Ảnh: TRẦN DƯƠNG
Giải trình về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết có ý kiến chưa đồng ý thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy Thừa Thiên Huế là địa phương có di tích lịch sử quốc gia, có di sản văn hóa thế giới, song nhiều cơ sở xuống cấp nghiêm trọng, thiếu nguồn lực trùng tu, rất cần huy động nguồn lực toàn xã hội để gìn giữ giá trị văn hóa, lịch sử.
Hiện có nhiều tổ chức, cá nhân và một số địa phương mong muốn được chung tay bảo tồn một số di tích. Việc thành lập quỹ nhằm bảo đảm minh bạch, tập trung trong tiếp nhận tài trợ cho bảo tồn các di sản. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ nguyên đề xuất.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tổng kết thí điểm, báo cáo Quốc hội vào cuối năm 2026. Căn cứ vào hoạt động của quỹ sẽ đề xuất hướng áp dụng trong giai đoạn tiếp theo, bảo đảm tuân thủ quy định.
Tuổi Trẻ Online tổng hợp một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành vừa được Quốc hội thông qua:
Một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành vừa được Quốc hội thông qua - Đồ họa: TTO
Các tỉnh, thành được sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ cho quỹ
Theo nghị quyết vừa được thông qua, Quỹ bảo tồn di sản Huế được lập để bổ sung nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập và giao Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý.
Quỹ được tiếp nhận từ nguồn các tỉnh, thành hỗ trợ, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu khác.
Không sử dụng ngân sách của tỉnh Thừa Thiên Huế để hỗ trợ quỹ. Nguồn thu của quỹ chỉ dùng để đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ.
Các tỉnh, thành được sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ cho quỹ. Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và quy chế hoạt động của quỹ.
TTO - Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế đề xuất các cơ chế đặc thù để phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, đưa địa phương trở thành đầu tàu kéo các tỉnh xung quanh.