Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn hôm 11-11 - Ảnh: Quochoi.vn
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn hôm 11-11, các đại biểu Quốc hội đã đặt ra nhiều câu hỏi, trong đó có chuyện "sỏi", "sạn" trong sách giáo khoa (SGK) và trách nhiệm giải quyết của bộ trưởng trong vấn đề hết sức quan trọng này.
Bộ trưởng đã thẳng thắn giãi bày: "Chúng ta được nghe nói và biết nhiều qua các phương tiện thông tin đại chúng về sỏi và sạn. Cứ có một viên sạn thì trên mạng nói rất nhiều, nhưng trong đó là sản phẩm trí tuệ của hàng trăm nhà giáo, các nhà khoa học thì rất ít ai nói đến, liệu có công bằng?".
Đúng là dư luận cũng cần ghi nhận công lao, tâm huyết của các nhà giáo, nhà khoa học, các đơn vị làm SGK và những cái mới, cái hay của SGK, chỉ săm soi "sỏi và sạn" là thiếu công bằng. Nhưng vấn đề cử tri và đại biểu quan tâm là khi dư luận, báo chí phát hiện "sỏi và sạn" thì những người làm sách và cơ quan quản lý nhà nước cần ứng xử thế nào?
Đáng tiếc là bộ trưởng đã cung cấp thông tin chưa đầy đủ: "Thời gian qua nhận được nhiều luồng ý kiến của dư luận về chất lượng SGK, đặc biệt là sách lớp 6, hội đồng chuyên môn làm SGK đã thảo luận với tác giả và điều chỉnh trước khi sách được in và đến tay học sinh".
Trên thực tế, suốt thời gian qua, các tác giả SGK, Nhà xuất bản Giáo Dục và Bộ GD-ĐT đều giữ thái độ im lặng trước ý kiến phê bình từ báo chí, dư luận. Sách sai thì học sinh đã mua và chưa hề được sửa.
Về trách nhiệm, bộ trưởng có đề cập trách nhiệm của hội đồng thẩm định SGK. Điều đó đúng, nhưng hội đồng chỉ có thể chịu trách nhiệm theo quy định tại thông tư số 33/2017 của bộ. Trong trường hợp để "lọt lưới" SGK có nội dung tư tưởng xấu, không phù hợp với chương trình hoặc sai về khoa học thì đó là trách nhiệm của hội đồng.
Nhưng nếu đặt lên vai hội đồng toàn bộ gánh nặng trách nhiệm, e rằng hội đồng sẽ phải can thiệp quá sâu, làm mất đi sự đa dạng cần có ở SGK, khiến sách nào cũng giống sách nào. Chắc chắn đó là điều không mong muốn khi chúng ta thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK, có nhiều SGK cho mỗi môn học.
Nói cho công bằng, trách nhiệm về "sỏi và sạn" trước hết là của tác giả SGK và đơn vị làm SGK; sau đó mới đến hội đồng thẩm định; cuối cùng và có tính ràng buộc pháp lý cao nhất là bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Quy trách nhiệm không phải để thưởng phạt mà để làm rõ trách nhiệm giải quyết của mỗi vị trí và rút kinh nghiệm để hạn chế đến mức thấp nhất "sỏi và sạn" trong tương lai.
Tôi cho rằng tập thể tác giả và Nhà xuất bản Giáo Dục phải có trách nhiệm lắng nghe, giải trình trước công luận và đưa ra hướng khắc phục. Bộ GD-ĐT là cơ quan phê duyệt SGK, cho nên có trách nhiệm chỉ đạo tác giả SGK, nhà xuất bản giải trình với công luận, sửa chữa, khắc phục lỗi triệt để để bảo đảm yêu cầu giáo dục và quyền lợi của giáo viên, học sinh.
Trong trường hợp cần thiết, bộ triệu tập hội đồng thẩm định đã được giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ để lấy ý kiến tư vấn.
Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết SGK có nhiều yếu tố liên quan như người biên soạn, quy trình biên soạn, thẩm định SGK…, bộ sẽ áp dụng những biện pháp cần thiết để cải thiện chất lượng ở tất cả các khâu này.
Mong rằng sau phiên chất vấn, bộ trưởng sẽ bắt tay ngay vào những công việc cần làm, để SGK - những viên đá đầu tiên của ngành giáo dục - luôn hoàn hảo khi đến tay học sinh và thầy cô giáo, để không có chuyện "sỏi và sạn" liên tục như thời gian qua.
TTO - Dạy và học trực tuyến còn lâu dài. Do đó việc xây dựng chương trình học phù hợp, chuẩn bị tốt hạ tầng công nghệ... là những vấn đề nóng trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Nguyễn Kim Sơn ngày 11-11.
Xem thêm: mth.1472917031111202-meihn-hcart-av-nas-ios/nv.ertiout