vĐồng tin tức tài chính 365

100 năm nhầm danh tính của cậu bé bị bắt cóc

2021-11-14 03:15

Mùa hè ở Louisiana được coi là một kiểu thời tiết dành cho tù khổ sai, nếu ánh nắng mặt tời không giết chết bạn, độ ẩm ngột ngạt sẽ làm điều đó. Trong thời đại trước khi có điều hòa không khí và máy làm đá, cách duy nhất để hạ nhiệt trong mùa hè nóng như thiêu đốt là ngâm mình trong hồ nước hoặc tìm nơi trú ẩn dưới bóng cây.

Trong cái nóng không thể chịu nổi của mùa hè năm 1912, gia đình Dunbar quyết định thu xếp và đi lên phía bắc thành phố hướng tới hồ Swayze. Họ không ngờ rằng chuyến đi picnic nhỏ vui nhộn này sẽ ám ảnh gia đình họ trong nhiều thế hệ.

Swayze không thực sự là một cái hồ. Trên thực tế, nó là một đầm lầy có cá sấu, các loại bò sát lớn và nhiều bụi cây rậm rạp.

Ngày 23/8, 11 người gồm gia đình Dunbar và những người bạn cắm lều, chiên cá và ngắm cảnh. Cậu bé Bobby Dunbar, sinh năm 1908, là con đầu lòng của Leslie và Percy Dunbar, được một người chú và các anh họ cõng về phía cuối đầm để câu cá hồng. Nhưng khi bóng chiều buông, cả đám thanh niên khoác tay về trại, đã quên mất cậu bé.

Ảnh chụp cậu bé Bobby Dunbar thời điểm trước vụ mất tích. Ảnh: NYdaily news

Bobby Dunbar trước vụ mất tích. Ảnh: NYdaily news

Cả gia đình hốt hoảng kéo đi tìm, nhưng đến tối hôm đó vẫn không thấy dấu vết của Bobby. Họ bắt đầu chuyển sang tìm kiếm thi thể. Các thợ lặn xuống hồ để tìm kiếm nhưng cái xác duy nhất mà họ tìm thấy sau những nỗ lực này là của một con nai.

Chưa thấy Bobby nên những người tìm kiếm tin rằng anh ta có thể đã bị giết bởi một con vật, có thể là cá sấu. Những người tìm kiếm thậm chí còn mổ bụng một con cá sấu song vô ích. Hôm sau, thêm khoảng 500 người đàn ông đến đầm lầy tham gia tìm kiếm.

Sự căng thẳng về sự mất tích của Bobby đã khiến mẹ cậu lâm bệnh nặng. Cuộc tìm kiếm tiếp tục kéo dài trong nhiều tuần. Đội tìm kiếm đã thấy một dấu chân trần bé xíu được cho là của Bobby, dẫn đến một cây cầu đường sắt hướng ra khỏi đầm lầy và cho rằng, Bobby có thể bị bắt cóc.

Cảnh sát suy đoán rằng ai đó trong một chiếc thuyền nhỏ có thể đã đưa cậu bé qua đầu phía bắc của hồ hoặc ai đó đi bộ có thể đã đưa Bobby qua đường mòn hoặc xuống đường ray xe lửa. Nhà chức trách đã liên hệ với cảnh sát ở New Orleans cách đó khoảng 200 km để tìm kiếm.

Trong khi đó, cha cậu bé tự mình đến đây để phân phát 700 bản sao bức tranh của Bobby và nói chuyện với nhiều phóng viên. Mô tả về Bobby đã được phát tán rộng rãi: cậu bé bốn tuổi bốn tháng, mũm mĩm, mắt to tròn màu xanh lam; tóc vàng và làn da rất trắng. Bàn chân trái đã bị bỏng và có một vết sẹo ở ngón chân cái, mặc áo len xanh và đội mũ rơm, không đi giày.

Toàn bộ thị trấn Opelousas, quê hương của Bobby đều nuôi hy vọng rằng cậu vẫn còn sống và cùng đóng góp 5.000 USD vào "phần thưởng" 6.000 USD cho bất kỳ người nào hoặc những người tìm ra cậu bé, số tiền tương đương 160.000 USD ngày nay.

Tuy nhiên, sau hơn 8 tháng không có dấu hiệu của Bobby, số tiền thưởng chưa sử dụng đã được trả lại cho những người dân thị trấn đã quyên góp nó.

Ngày 13/4/1913, chính quyền đã giữ một người đàn ông nghi liên quan đến vụ án. Đó là thợ sửa xe có tên là William Walters ở gần Columbia, Mississippi. Anh ta đã đi du lịch với một cậu bé phù hợp với mô tả của Bobby Dunbar: cùng độ tuổi, tóc vàng, mắt xanh. Nhà chức trách quyết định bắt Walters và trao trả cậu bé về cho gia đình Dunbar.

Khi bị bắt, Walters khai rằng cậu bé là con hoang của anh trai mình và một người hầu. Bồi thẩm đoàn cho rằng Walter chỉ nói dối để trốn tội, kiên quyết tuyên phạt anh ta tù chung thân vì tội Bắt cóc trẻ em.

Nhưng rồi một người bất ngờ bước vào câu chuyện: Julia Anderson. Cô chính là người hầu gái mà Walters đề cập, xác nhận câu chuyện của Walters. Theo cô, cậu bé kia thực sự tên Bruc, là con trai cô.

Julia mù chữ, từ nơi khác đến, không người thân thích, không luật sư và bị dư luận quy chụp "người phụ nữ có đạo đức lỏng lẻo". Do đó, những lời tuyên bố của cô không được chấp nhận. Toà tuyên quyền giám hộ cậu bé thuộc về gia đình Dunbar, còn Julia đau khổ tay không trở về Mississippi.

Bà Leslie Dunbar chụp ảnh cùng cậu bé được cho là con trai bà Bobby, sau khi được tìm thấy vào năm 1913. Ảnh: NYdaily news

Bà Leslie Dunbar chụp ảnh cùng cậu bé được cho là con trai bà Bobby, sau khi được tìm thấy vào năm 1913. Ảnh: NYdaily news

Tin tức về sự trở lại của Bobby lan truyền khắp thị trấn, nhưng chính ông bà Dunbar cũng không chắc chắn 100% rằng cậu bé là Bobby của họ. Khi thực hiện nhận dạng, họ đã cố phớt lờ một số chi tiết. Ví dụ, đứa trẻ không có vết sẹo trên bàn chân. Nhưng đã nhiều tháng trôi qua kể từ lần cuối gặp con, và họ hợp lý hóa rằng vết sẹo có thể đã mờ đi.

Sự trở lại của Bobby đã được tổ chức thành một buổi diễu hành khổng lồ, đi qua thị trấn và vào quảng trường trên chiếc xe cứu hỏa phủ đầy hoa, trong sự chào đón của dàn kèn đồng và lời chúc phúc của toàn thể cư dân.

Cậu bé, có lẽ còn quá nhỏ cho tất cả những chuyện giật gân quanh mình, khi đó sợ hãi và từ chối cả hai người được cho là mẹ của mình: Julia và Leslie. Trong ngôi nhà đồ sộ của gia đình Dunbar, cậu bé được mua cho một con ngựa pony và một chiếc xe đạp nhưng liên tục quấy khóc.

Cậu bé lớn lên và sống với cái tên Bobby Dunbar, kết hôn năm 1935 và có bốn người con. Ông qua đời vào năm 1966 vì bệnh tim, luôn tin rằng mình là Bobby Dunbar, nhưng câu chuyện này không kết thúc ở đó.

Năm 1999, cháu nội của ông, Margaret bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về lịch sử gia đình. Margaret luôn bị thu hút đặc biệt bởi truyền thuyết gia đình về vụ bắt cóc của ông nội cô và đã yêu cầu bà cô kể lại câu chuyện nhiều lần trong thời thơ ấu của cô.

Cô cháu gái này tiếp tục cuộc tìm kiếm của mình một cách ám ảnh, nghiên cứu tại các thư viện, kho lưu trữ và tòa án của thị trấn nhỏ trên khắp miền nam. Cuối cùng, ý tưởng xét nghiệm ADN của ông nội cô nảy ra.

Trước khi bắt đầu cuộc điều tra này, Margaret yêu cầu cha cô lấy mẫu ADN không biết bao nhiêu lần nhưng ông luôn thẳng thừng đáp "không bao giờ". Đối với cha cô, câu chuyện về Bobby chỉ nên dừng lại khi ông mồ yên mả đẹp.

Tuy nhiên, sau 4 năm điều tra, đào bới và nghiên cứu, cuối cùng ông cũng sẵn sàng đối mặt với sự thật về cha mình. Năm 2003, Margaret đã gửi một mẫu AND của cha cô đến phòng thí nghiệm.

Mẫu được so sánh với Alonzo, em trai của Bobby Dunbar. Một tháng trôi qua, người trợ lý phòng thí nghiệm chuyển kết quả cho Margaret qua điện thoại tin tức sẽ làm tan vỡ nền tảng của cả một gia đình: Kết quả không trùng khớp. Ông của cô không phải là Bobby Dunbar, người đã mất tích trong đầm lầy năm 1912. Thực tế, ông chính là Bruce, con trai mất tích của người hầu gái Julia Anderson.

Trong khi Margaret choáng váng, những người còn lại trong gia đình đều kinh ngạc, tức giận và ném tâm trạng tiêu cực này về cô.

Margaret Dunbar cho xem một số bức ảnh mà cô đã trưng bày trong buổi gặp gỡ hậu duệ của  bà Julia  Anderson tại North Carolina năm 2004. Ảnh: AP

Margaret Dunbar cho xem một số bức ảnh mà cô đã trưng bày trong buổi gặp gỡ hậu duệ của bà Julia Anderson tại North Carolina năm 2004. Ảnh: AP

Cho đến ngày nay, Margaret vẫn chưa thể chuộc lỗi trong mắt gia đình cô. Sau khi tin tức được tung các phương tiện truyền thông, những người thân của cô cảm thấy cô đã không tôn trọng lịch sử và di sản của gia đình.

Tuy nhiên, bất kể kết quả như thế nào, những người nhà Dunbar vẫn coi Margaret và gia đình cô là những người thuần tuý của dòng họ Dunbar. Về phần các hậu duệ của Julia Anderson, họ vẫn coi gia đình Dunbar như bạn bè.

Trong khi danh tính của Bobby Dunbar- Bruce Anderson cuối cùng đã được xác nhận, vẫn còn câu hỏi quan trọng nhất: Chuyện gì đã xảy ra với Bobby Dunbar thật? Một số người tiếp tục tin rằng cậu bé đã bị cá sấu hoặc gấu ăn thịt. Một số tự hỏi liệu rốt cuộc Bobby có thực sự bị bắt cóc hay không.

Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1932, cậu bé bị nhầm danh tính, Bruce Anderson, tiết lộ rằng nhìn thấy có một cậu bé khác đã rơi xuống xe và chết, được Walters chôn cất.

Có giả thuyết được đưa ra bởi công tố tại phiên tòa xét xử Walters rằng hắn có thể đã bắt cóc cả Anderson và Dunbar, nhưng đáng buồn, trên đường chạy trốn, chỉ có Bruce sống sót. Người duy nhất có thể xác nhận câu chuyện là Walters, song đã chết năm 1930.

Hải Thư (Theo Mediam, NYdaily news, Dailyworld, Buzzfeed)

Xem thêm: lmth.5784834-coc-tab-ib-eb-uac-auc-hnit-hnad-mahn-man-001/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“100 năm nhầm danh tính của cậu bé bị bắt cóc”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools