Người Việt khắp nơi trên thế giới mong muốn được đón tết ở quê nhà như khi chưa có COVID-19 - Ảnh: T.T.D.
Bây giờ nếu có ai hỏi tôi bao giờ về, kế hoạch của tôi đã không còn liên quan gì tới tết. Tôi đang ngóng tin ngày Việt Nam mở cửa để gia đình nhỏ của tôi có thể quay về, dẫu đó là tháng 12 hay tháng 6, ngày chúng tôi về cả nhà sẽ cùng nhau ăn tết. Tôi nghĩ bây giờ có hàng triệu người cùng chung một suy nghĩ tết không phải là ngày gia đình sum họp, ngày gia đình sum họp chính là tết.
Chị Lưu Dịu Khuê
Tết Tân Sửu không về được, người ở xa đất nước mong ước có vắc xin thì trong năm đã có.
Nhưng biến chủng Delta khiến mọi thứ đột ngột thay đổi, cuộc sống chật vật hơn, đường về nhà thêm nhiều trắc trở vì "lộ phí" tăng cao, vì các quy trình, thủ tục phát sinh trong việc phòng dịch trong khi quỹ thời gian lại có hạn.
Ngổn ngang trăm mối
Với Trần Non Nước, nghiên cứu sinh năm 3 ngành sinh học tân tiến, Viện Khoa học kỹ thuật Daegu-Gyeongbuk ở thành phố Daegu (Hàn Quốc), năm nay anh đã xác định sẽ không về nhà dịp tết nữa mà để lùi lại kế hoạch đó tới hè năm sau.
Ngoài lý do học tập thì khi tìm hiểu giá vé máy bay, Nước "hết hồn" khi giá vé bay về Việt Nam hiện tại khoảng 2,1 triệu won (khoảng 42 triệu đồng), mức này cao hơn nhiều lần so với bình thường hằng năm giá vé khứ hồi cũng chỉ tầm 9 - 10 triệu đồng.
"Du học sinh Ấn Độ và Bangladesh cùng trường hiện cũng không muốn về vì giá máy bay đắt gấp 4 lần giá bình thường" - Nước chia sẻ thêm.
Anh Nguyễn Nghĩa (nghiên cứu sinh tại Trường Leibniz Universität Hannover - ĐH Hanover, Đức) cũng chia sẻ rằng hơn bảy năm xa nhà, chỉ với hai cái tết bên gia đình.
Ngày anh lại xách balô lên, mẹ anh chỉ cười tiễn rồi hẹn tết về thăm nhà - đó là giữa năm 2019. Rồi dịch bùng phát, châu Âu thành điểm nóng. "Ngày ngày nhìn số ca nhiễm, số người chết thì lần đầu tiên trong đời mình nghĩ liệu có còn cơ hội gặp lại mẹ, gặp lại gia đình nữa không.
Trong suốt mùa dịch, du học sinh bên này phải vật lộn không chỉ vì dịch bệnh mà còn vì miếng cơm manh áo khi nhiều nơi phải đóng cửa vài tháng trời vì dịch. Thậm chí khi người thân qua đời, nhiều người cũng chỉ có thể nuốt nước mắt tiễn đưa từ xa.
Đại sứ quán Việt Nam cũng tổ chức nhiều chuyến bay hồi hương nhưng không phải ai đăng ký cũng được và không phải ai cũng có khả năng chi trả cho chuyến bay và phí cách ly" - anh Nghĩa bùi ngùi.
Anh Nghĩa nói rằng cuối năm 2020 đầu 2021, số ca nhiễm ở châu Âu giảm, vắc xin lần lượt ra đời, cuộc sống dần trở lại "bình thường", mỗi lần gọi về mình lại động viên mẹ, hy vọng về ăn tết này.
Nhưng giờ lại phải một lần nữa thất hẹn khi số ca nhiễm ở châu Âu lại có chiều hướng gia tăng trong mùa đông. Các chuyến bay thương mại vẫn chưa được mở lại khi Việt Nam vẫn đang oằn mình chống dịch. Việc trở về thăm gia đình lúc này bỗng trở nên quá xa xỉ.
Vợ chồng nghiên cứu sinh Lưu Dịu Khuê bên con gái đầu lòng vừa đầy tuổi nhưng vẫn chưa thể về thăm ông bà nội, ngoại - Ảnh: ANH TUẤN
Đành vậy, chỉ mong mọi người mạnh khỏe, mong Việt Nam sớm kiểm soát được dịch cho một cái tết thật an toàn và yên vui.
Anh Nguyễn Nghĩa
"Đường về nhà xa quá"
Tết Nguyên đán tới đây sẽ là cái tết thứ 5 xa nhà của Lưu Dịu Khuê, cô nghiên cứu sinh ngành kỹ thuật y sinh tại ĐH Minnesota và hiện cũng đã định cư tại Mỹ. Còn ba tháng nữa là tết, Khuê hy vọng được quay về Việt Nam đoàn tụ cùng gia đình nhưng nhìn vào tình hình thực tế, Khuê bảo "đường về nhà vẫn còn quá xa xôi".
"Các đường bay thương mại vẫn chưa mở, hai tấm vé tôi mua từ năm ngoái, năm nay đã kịp ăn "thôi nôi" của con gái mà vé vẫn còn "đắp chiếu", các chuyến bay charter (chuyến bay tổ chức riêng, không nằm trong kế hoạch lịch trình của các hãng hàng không) thì hiếm hoi và đắt đỏ.
Tôi biết Chính phủ cũng đã tạo điều kiện hết mức, giảm thời gian cách ly xuống còn 7 ngày thay vì 14 - 21 ngày. Nhưng đối với những người còn kẹt công việc chỉ có thể quay về một thời gian ngắn như tôi, việc mất 7 ngày cách ly ở một tỉnh thành xa xôi thay vì bên gia đình vẫn còn là yêu cầu khó khăn" - Khuê nói.
Khuê từng sống qua những ngày nước Mỹ là tâm dịch toàn cầu và chưa có vắc xin, số ca nhiễm, ca tử vong như Việt Nam vừa trải qua. Khi dịch bùng phát tại TP.HCM, Khuê cho biết những gia đình quanh tôi đã không còn trọn vẹn.
"Vì thế, tôi thành tâm mong mỏi tất cả mọi người được "dồi dào sức khỏe" như lời chúc mọi người hay dành cho nhau vào dịp tết, bởi tôi biết mọi người mong mỏi được gặp lại nhau và bởi vì tôi vô cùng mong mỏi được gặp lại mọi người" - Khuê chia sẻ.
Vợ chồng kỹ sư Nguyễn Viết Dũng và chị Nguyễn Thị Hà cùng hai con đi chơi - Ảnh: NVCC
Tôi sẽ về "ngay và luôn" nếu...
Chữ nếu mà anh Nguyễn Phi Thoàn - CEO Công ty JV Solutions tại Kawasaki-shi, Kanagawa, Nhật Bản - nhắc đến là: nếu không phải cách ly 7 ngày. Anh Thoàn nói bản thân anh đã ở Nhật được 10 năm, mỗi năm cũng có ít nhất vài lần về thăm nhà hay đi công tác Việt Nam nhưng cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc về Việt Nam lại khó như lúc này.
"Nếu Việt Nam áp dụng hộ chiếu vắc xin cho người tiêm đủ 2 mũi mà không cách ly thì nhất định tôi sẽ về Việt Nam một chuyến "ngay và luôn" để được ở bên gia đình sau gần 2 năm xa cách, bây giờ điều mong mỏi nhất chỉ đơn giản là vậy" - anh Thoàn tâm sự.
"Cảm giác bây giờ là muốn được về với gia đình, với những người thân sau một thời gian dài chỉ có thể nhìn thấy mọi người qua điện thoại. Điều may mắn nhất là người thân và bạn bè đều được bình an, nhưng thật sự mong muốn hơn tất thảy lúc này là có được những cái ôm, những bữa ăn cơm bên cha mẹ" - anh Thoàn nói thêm.
Với các du học sinh nhận học bổng như Nước, mỗi năm chỉ được 14 ngày phép, trong khi thông tin đến lúc này là về nước vẫn phải cách ly ít nhất 7 ngày với người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin. "Như vậy tôi chỉ còn 7 ngày (chưa tính thời gian di chuyển khác) để đón Tết Nguyên đán ở Việt Nam, khá là gấp rút" - Nước nói.
Cuối cùng, là người nghiên cứu sinh học, lại từng sống ở khu vực không quá xa với thành phố tâm dịch Daegu trước đây, Nước rất hiểu những rủi ro lây nhiễm vẫn có thể xảy ra trong quá trình đi lại, ngay cả khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Cũng có tâm lý ngần ngại với khoảng thời gian cách ly 7 ngày sau nhập cảnh như Nước là vợ chồng kỹ sư Nguyễn Viết Dũng và Nguyễn Thị Hà tại Nhật, tết này là cái tết thứ 11 trong 14 năm sống và làm việc tại Nhật của họ.
"Ai cũng muốn về nhưng về là phải cách ly cả tuần thì chúng tôi không thể về được. Ngày phép nhiều lắm cũng chỉ được 10 ngày thôi" - chị Hà chia sẻ. Chị Hà thông tin lúc này dịch bệnh ở Nhật cũng tạm ổn, mọi sinh hoạt đang trở lại bình thường nên có lẽ cả nhà sẽ đi du lịch đây đó cho thay đổi không khí.
Hành khách Việt Nam mặc đồ bảo hộ trên chuyến bay từ Mỹ quá cảnh Nhật về Việt Nam (tháng 10-2021) Ảnh: THU TRẦN
Thời gian, giá vé nằm ngoài tầm tay
Trương Minh, sinh viên Trường ĐH Arteveldehogeschool, TP Ghent, Bỉ, cũng thấy "đường về nhà" chưa bao giờ gian nan và thử thách như năm nay. Cho đến thời điểm hiện tại, mọi chuyến bay thương mại từ châu Âu về Việt Nam vẫn tạm dừng và mơ ước được về nhà dịp tết trở thành xa xỉ với các du học sinh.
Mặc dù Chính phủ vẫn tổ chức nhiều chuyến bay giải cứu cho công dân có nguyện vọng về nước, nhưng chi phí bay tăng cao từ 5 - 10 lần, chưa kể phí cách ly tập trung sau nhập cảnh, khoản phí này vượt quá khả năng của một du học sinh.
Nói chung, muốn về phải có thời gian và kinh phí nhỉnh hơn trước, nhưng thời gian lại bị cách ly ngốn mất, gié vé máy bay quá cao...
TTO - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết từ ngày 15-11 sẽ triển khai bán vé tàu Tết Nhâm Dần 2022 theo các phương thức mua trực tiếp tại ga, mua trực tuyến hoặc qua tổng đài bán vé.
Xem thêm: mth.63634437041111202-ahn-euq-o-tet-nod-gnom/nv.ertiout