Điểm số các thí sinh sau phần thi Tăng tốc - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21 (Olympia 21) diễn ra tại điểm cầu trường quay S14 - Đài Truyền hình Việt Nam và 4 điểm cầu tại Hà Nội, Nghệ An và Quảng Ninh. Chương trình được phát sóng trực tiếp trên VTV3.
Cuộc thi chung kết năm nay là màn so tài của 4 chàng trai, trong đó hai bạn cùng "chung mái nhà" là các trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội: Nguyễn Việt Thái (THPT chuyên Ngoại ngữ - ĐH Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội), Nguyễn Thiện Hải An (THPT chuyên Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) và Nguyễn Đình Duy Anh (THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) và Nguyễn Hoàng Khánh (THPT Bạch Đằng, Quảng Ninh).
Vì diễn biến dịch COVID-19 phức tạp tại điểm cầu trường Đại học Khoa học tự nhiên, đến phút cuối, điểm cầu này đã được chuyển về sân Đài Truyền hình Việt Nam.
Giải thưởng vẫn như năm trước, giải nhất là 40.000 USD, giải nhì 100 triệu đồng, giải ba 50 triệu đồng. Lần đầu tiên trận đấu quan trọng nhất buộc phải dời lại đến gần 2 tháng vì dịch COVID-19, còn các "nhà leo núi" phải ôn tập online. MC Diệp Chi lần cuối dẫn dắt chương trình sau nhiều năm gắn bó.
Sôi động chung kết Đường lên đỉnh Olympia đang tìm nhà vô địch năm thứ 21 - Video: DOÃN HÒA - PHẠM TUẤN - HÀ QUÂN
Hoàng Khánh xuất sắc bứt phá
Các thí sinh trải qua các phần thi: Khởi động, Vượt chướng ngại vật, Tăng tốc và Về đích.
Ở phần thi Khởi động, Việt Thái và Hoàng Khánh cùng xuất sắc đạt 80 điểm, tiếp theo là Hải An được 70 điểm và Duy Anh 50 điểm.
Ban đầu Hải An được 60 điểm và Duy Anh 40 điểm nhưng sau ý kiến của cố vấn thì mỗi em được chấp nhận thêm một câu trả lời đúng, được cộng thêm mỗi người 10 điểm.
Phần thi Vượt chướng ngại vật, Việt Thái gây hồi hộp mạnh khi nhấn chuông ngay sau câu trả lời đầu tiên. Việt Thái chọn kết quả là Giáo dục trực tuyến nhưng rất tiếc câu trả lời của bạn đã sai.
Ngay sau đó, Hoàng Khánh tìm ra từ khóa "Miễn dịch cộng đồng" và câu trả lời của bạn chính xác, trở thành người xuất sắc nhất trong phần thi này và cũng là người hiện đang giành được số điểm lớn nhất với 150 điểm.
Trong khi đó Duy Anh lại bị ban tổ chức lấy lại 10 điểm, còn 50 điểm, vì câu trả lời "Mẹ tròn con vuông" không được chấp nhận, câu trả lời đúng là "tròn, vuông".
Kết quả sau phần thi Vượt chướng ngại vật, Hoàng Khánh về nhất với 150 điểm, Việt Thái về nhì với 90 điểm, tiếp theo là Hải An 80 điểm, Duy Anh 50 điểm.
Kết quả sau phần thi Vượt chướng ngại vật, Hoàng Khánh về nhất với 150 điểm - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Trong phần Tăng tốc, cả 4 thí sinh đều trả lời đúng 3/4 câu hỏi nhưng Hoàng Khánh trả lời nhanh nhất nên ghi điểm bứt phá với 250 điểm, bỏ xa hai người tiếp theo là Hải An và Việt Thái đều được 160 điểm, Duy Anh 100 điểm.
Ở câu hỏi đầu tiên tìm thông điệp trong bức hình bàn phím, Hoàng Khánh là người duy nhất đưa ra câu trả lời "Bà Rịa Vũng Tàu", bạn thành thực rằng bạn chỉ tìm được B và bạn ấn bừa. Nhưng câu trả lời đúng là "Bình thường mới". Không ai ghi được điểm trong câu trả lời đầu tiên.
Ở câu hỏi thứ hai, cả 4 bạn đều có chung câu trả lời đúng là "Tiếng Việt", nhưng Việt Thái trả lời nhanh nhất nên được 40 điểm, Hải An thêm 30 điểm, Hoàng Khánh ghi 20 điểm, Duy Anh thêm 10 điểm.
Câu hỏi tăng tốc thứ 3 và thứ 4, tiếp tục cả 3 bạn đều có câu trả lời đúng nhưng Hoàng Khánh nhanh nhất.
Cuộc so tài của những người nuôi dưỡng ước mơ
Cả 4 thí sinh hôm nay đều là những nhà leo núi xuất sắc.
Với Việt Thái, cuộc thi tháng 3 quý 2, em đã giành điểm tuyệt đối 160 điểm, kỷ lục của chương trình năm nay ở phần Tăng tốc.
Trước trận chung kết, em chia sẻ với Tuổi Trẻ Online em sẽ thi đấu hết mình nhưng quan trọng hơn là "tận hưởng từng khoảnh khắc của mình với Olympia trong trận chung kết này theo cách rất riêng".
Còn Hải An giành vé vào chung kết sau chiến thắng nghẹt thở ở cuộc thi quý 3 khi chỉ hơn người về nhì đúng 5 điểm. Dù là học sinh chuyên tự nhiên, Hải An chứng tỏ được thế mạnh với những mảng kiến thức xã hội và thể hiện được bản lĩnh trong những thời khắc quyết định
Hải An cũng đang là thí sinh đạt được tổng số điểm cao nhất trong chương trình năm thứ 21 với 410 điểm.
Đại diện của Trường Phan năm nay là Nguyễn Đình Duy Anh. Duy Anh chọn cách khóa trang Facebook cá nhân sau khi vào chung kết.
Khung cảnh sôi động tại trường quay ngoài trời Đài Tuyền hình Việt Nam - Ảnh: HÀ QUÂN
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, Duy Anh nói bạn gần như không lo lắng vì đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng từ vòng quý. Bạn bước vào cuộc thi với quyết tâm thi đấu hết mình, để có thể trở thành quán quân thứ hai của Trường Phan và tỉnh Nghệ An.
Nguyễn Hoàng Khánh, học sinh Trường THPT Bạch Đằng (Quảng Ninh), giành giải nhất quý 1 với tổng số điểm 375 để vào chung kết. Khánh tạo ấn tượng với tốc độ đọc cực nhanh khi lập kỷ lục vượt qua tất cả 17 câu hỏi ở phần thi Khởi động chỉ trong vòng 60 giây.
Đây là lần thứ 4 tỉnh Quảng Ninh có thí sinh vào đến trận đấu cuối cùng. Trong 3 lần trước, Quảng Ninh giành đến chức vô địch 2 lần vào các năm 2012 và 2018.
Không khí sôi động tại điểm cầu Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA
Chia sẻ trước cuộc thi, Nguyễn Thiện Hải An cho biết bạn đã chuẩn bị cho cuộc thi Olympia từ năm lớp 8, đó là một hành trình khá dài và đáng nhớ. Nhưng hành trình dài hơn mà em đặt ra cho mình chính là hành trình trở thành một nhà khoa học, nhà phát minh.
Nguyễn Hoàng Khánh lại chọn cách giới thiệu về niềm tự hào về bề dày lịch sử hiển hách chống giặc ngoại xâm của quê hương Quảng Ninh với dòng Bạch Đằng Giang nơi đã 3 lần chiến thắng giặc Nguyên để bảo vệ độc lập của đất nước thế kỷ XIII.
Quê hương Quảng Ninh đã thể hiện sự ủng hộ hết mình với Hoàng Khánh khi tổ chức cả một cuộc đua thuyền trên dòng Bạch Đằng trước đền Trần Hưng Đạo và gửi cả món quà là vòng nguyệt quế tới trường quay cho Hoàng Khánh trước thềm cuộc thi.
Yêu thích và tự hào về con số 3 - 3 lần chiến thắng quân Nguyên trên sông Bạch Đằng - Hoàng Khánh chia sẻ em mong muốn sẽ giành vòng nguyệt quế hôm nay để 3 lần giành vòng nguyệt quế.
Việt Thái thì mang đến một câu chuyện xúc động về lời hứa sẽ đứng ở trường quay của VTV thi Olympia mang về vòng nguyệt quế cho bà ngoại của mình từ khi em còn nhỏ. Bạn trẻ chuyên ngữ ngày đã ấp ủ và chuẩn bị cho cuộc thi Olympic từ… 5 tuổi. Bà ngoại không còn, nhưng Việt Thái muốn trở thành người chiến thắng để thực hiện lời hứa với bà.
4 nhà leo núi sáng nay - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Không khí sôi động tại điểm trường THPT chuyên Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội - Ảnh: PHẠM TUẤN
‘Nóng’ điểm cầu Quảng Ninh cổ vũ cho thí sinh Nguyễn Hoàng Khánh - Ảnh: TIẾN THẮNG
"Tiếp sức" nhà leo núi
* Từ 7h sáng 14-11, thầy trò và các thế hệ học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, TP Vinh, Nghệ An đã có mặt tại trường để cổ vũ cho thí sinh Nguyễn Đình Duy Anh. Không khí điểm cầu rất sôi động từ những màn văn nghệ "cây nhà lá vườn".
Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên năm nay quy mô điểm cầu được rút gọn, chỉ tổ chức tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.
Đây là lần đầu tiên MC Khánh Vy - cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu trở lại trường Phan trên cương vị là MC chính thức của Chương trình Đường lên đỉnh Olympia.
Cô Cao Thị Lan Thanh - hiệu phó Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, cho biết cầu truyền hình năm nay tổ chức với quy mô nhỏ, chỉ 100 người tham dự. Tất cả các khách mời và các cổ động viên đều được xét nghiệm COVID-19 và kiểm tra các điều kiện về phòng chống dịch bệnh.
* Từ 7h sáng 14-11, sân trường THPT chuyên Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội sôi động khác thường, bởi hàng trăm học sinh, cán bộ, giáo viên nhà trường đã có mặt từ sớm để cổ vũ, "tiếp sức" cho Nguyễn Việt Thái.
Được mệnh danh là thần đồng, bắt đầu biết đọc từ khi mới hơn 2 tuổi, lên tiểu học, Việt Thái còn tự đứng ra tổ chức các cuộc thi mô phỏng Đường lên đỉnh Olympia để tranh tài với các bạn đồng trang lứa. Việt Thái trở thành niềm tự hào của trường chuyên Ngoại ngữ khi mang được cầu truyền hình về trường sau hơn 17 năm chờ đợi.
"Hơn 17 năm mới có một học sinh tiếp theo của nhà trường tham dự vào trận chung kết Olympia, tôi thực sự rất xúc động, các bạn học sinh cũng rất háo hức. Để đảm bảo phòng dịch, chúng tôi chỉ cho phép khoảng 200 học sinh tới trường để cỗ vũ cho Việt Thái. Đồng thời, nhà trường cũng yêu cầu 100% học sinh, cán bộ giáo viên phải test RT-PCR âm tính, thì mới được tham dự", cô Lại Thị Phương Thảo - phó hiệu trưởng THPT chuyên Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết.
* Cô Nguyễn Thị Thanh Quyên, chủ nhiệm lớp Hóa 1, trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học quốc gia Hà Nội) - chia sẻ: "Hải An chuẩn bị cuộc thi này như một lẽ tự nhiên, Hải An vào trường thi ung dung tự tại, bình tĩnh, tự tin như chất tự nhiên khi ở trường.
Trước ngày thi, chúng mình không áp lực cho Hải An, và tin tưởng tuyệt đối vào con. Trong 3 năm qua, mình đồng hành với Hải An rất tự nhiên, mất ngủ cùng con 3 năm nay vì Hải An luôn trong trạng thái tham dự các cuộc thi trong và ngoài nước".
Bạn Nguyễn Trần Minh Anh (17 tuổi, học cùng lớp Hải An), chia sẻ cảm xúc của em rất háo hức. Theo Minh Anh, Hải An là người hòa đồng, học giỏi những không gây áp lực cho người khác mà biến cái giỏi đó trở thành động lực cho các bạn khác. Dịch COVID-19 cũng chính là cơ hội để cả lớp, cả trường gắn kết hơn. "Đối với em, Hải An không có điểm yếu nào. Nếu có chắc chỉ là chút nhạy cảm và cầu toàn", Minh Anh nói.
* Tại điểm cầu khu di tích đền Trần Hưng Đạo và miếu Vua Bà thuộc thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh, gần 500 đại biểu là giáo viên, học sinh của Trường THPT Bạch Đằng đã đến từ sớm để cổ vũ cho thí sinh Nguyễn Hoàng Khánh.
Các diễn viên, ca sĩ chuyên nghiệp và học sinh Trường THPT Bạch Đằng biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc tái hiện truyền thống hiếu học và lịch sử hào hùng của vùng đất, con người Quảng Yên nhằm cổ vũ cho Khánh.
Khánh là thí sinh duy nhất trong 4 thí sinh tham dự cuộc thi năm nay không phải là học sinh trường chuyên. Em chứng tỏ sở trường đọc rất nhanh, thường một trang sách chỉ mất 7-8 giây để đọc, khiến nhiều người phải trầm trồ.
TTO - Chỉ còn 2 tuần nữa, trận chung kết 'lịch sử' của chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21 dự kiến sẽ diễn ra.
Xem thêm: mth.25423838041111202-uad-nad-gnad-meid-052-hnahk-gnaoh-aipmylo-hnid-nel-gnoud-tek-gnuhc/nv.ertiout