Làm thế nào để xin Facebook của sếp?
Một số người liệt kê ra các câu hỏi họ từng gặp như sau:
"Làm sao để lấy lại được cây kim đã rơi xuống biển?"
"Nếu như khoá quần của tôi bị tuột, cậu sẽ nhắc nhở thế nào để không ảnh hưởng đến những người khác?"
Trong đó có một thanh niên đã chia sẻ trải nghiệm đi phỏng vấn của mình. Anh ứng tuyển vị trí Nhân viên kinh doanh của một công ty nọ và vào được vòng phỏng vấn cuối cùng.
Sếp tuyển dụng đưa ra cho 3 ứng viên một câu hỏi có vẻ không liên quan chút nào đến công việc họ ứng tuyển: "Nếu như phải xin được Facebook của tôi trong vòng 1 phút ngay tại đây, các anh chị sẽ làm thế nào?"
Một bạn nữ trả lời: "Sau khi được nhận vào làm, do tính chất công việc nên chắc chắn chúng ta sẽ có lúc phải liên lạc với nhau, anh có thể cho em xin Facebook của anh để chúng ta có thể tiện trao đổi công việc không?".
Người thứ hai là một bạn nam, anh bạn này bỗng nảy ra ý tưởng, vừa cười vừa nói với sếp: " Anh kết bạn Facebook với em, em sẽ chuyển tiền cho anh".
Cuối cùng là một bạn nam đeo kính, sau khi suy nghĩ khoảng 10 giây đã trả lời như sau: "Em có quen một chuyên viên tuyển dụng cao cấp nổi tiếng trong ngành, trong tay có rất nhiều mối quan hệ tiềm năng. Nếu được, anh có thể kết bạn Facebook với em, em sẽ gửi cho anh danh thiếp của người đó, có thể anh sẽ cần đến".
Kết quả, bạn nam đeo kính đã được nhận vào làm. Nguyên nhân là do cậu bạn này biết cách đặt mình vào vị trí của người khác để suy luận, nắm được tâm lý của sếp. Đây cũng chính là tố chất vô cùng quan trọng của một nhân viên kinh doanh.
Có thể thấy, khi phỏng vấn các ứng viên, nhà tuyển dụng thường rất chú trọng các yếu tố khác ngoài trình độ học vấn. Ví dụ như năng lực biểu đạt, phản ứng nhanh trước vấn đề, tư duy logic, tính chủ động, khả năng thuyết phục,... Trong đó có rất nhiều yếu tố có liên quan đến EQ.
Thực tế cũng cho thấy, nhiều người khi còn đi học có thành tích rất bình thường, nhưng sau khi ra ngoài đi làm lại trở thành lãnh đạo, đây chính là do họ có EQ cao.
Không thể phủ nhận rằng trong công việc, EQ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp của một người.
Cách rèn luyện EQ trong môi trường công việc
Một nghiên cứu cho rằng: EQ sẽ tăng lên theo độ tuổi và những kiến thức, kinh nghiệm mà bạn có được, ngoài ra nó cũng có thể được nâng cao nhờ việc học tập, rèn luyện không ngừng nghỉ. Sau đây là 2 cách giúp bạn rèn luyện, nâng cao EQ của mình khi đi làm:
Hình minh họa. Ảnh: Yahoo
1. Học cách "quản lý cấp trên"
Giao Địch, giám đốc điều hành trang mạng Guokr từng kể một câu chuyện: năm 2006, anh phụ trách phòng sản phẩm của Yahoo, khi đó đội của anh vừa hoàn thành việc cho ra mắt sản phẩm mới, mọi người làm việc vô cùng năng suất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, Giao Địch vốn có cách quản lý khô khan, anh không hề nghĩ tới việc khen ngợi hay cổ vũ các nhân viên của mình. Khi đó, trong đội của anh có một giám đốc sản phẩm đã gửi cho anh một email rất dài, mở đầu như sau:
"Giao Địch, dự án lần này đã hoàn thành rất tốt, mọi người đều đã rất vất vả, ta nên cổ vũ họ.
Có lẽ anh đã quá bận nên không nghĩ tới chuyện này. Tôi đã giúp anh viết sẵn một email, nếu như anh thấy phù hợp, chỉ cần chỉnh sửa một chút là có thể gửi cho mọi người ngay.
Anh cổ vũ mọi người như vậy nhất định mọi người sẽ có động lực làm việc hơn."
Giao Địch đọc xong vô cùng cảm động, không ngờ anh lại có một cấp dưới tuyệt vời như vậy.
"Quản lý cấp trên" có lẽ là điều không tưởng đối với rất nhiều người khi đi làm, chúng ta thường nghĩ rằng cấp dưới thì không nên quản việc của cấp trên.
Nhưng trên thực tế, học được cách "quản lý cấp trên" sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn, bất luận là phát triển bản thân hay xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với cấp trên, khiến cho công việc thuận lợi hơn.
Bà Rosanne, trợ lý của Jack Welch - giám đốc điều hành công ty General Electric - từng đem kinh nghiệm "quản lý cấp trên" của mình để viết ra một cuốn sách, nó có tên "Quản trị cấp trên: cách để tạo dựng mối quan hệ hiệu quả với cấp trên".
Hình minh họa. Ảnh: BizLibrary
Trong sách có nói khi "quản lý cấp trên", bạn cần phải làm tốt 2 điều sau:
Thứ nhất là phát huy sở trường của bản thân, làm tốt nhiệm vụ mà cấp trên giao phó.
Chỉ có như vậy, khi thực hiện nhiệm vụ, chúng ta mới có thể đưa ra được những thông tin và tiến độ công việc mà cấp trên cần để báo cáo cho họ, giúp các sếp đưa ra quyết định chính xác nhất.
Thứ hai là biết đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ, kịp thời đóng góp ý kiến, nhưng không được qua mặt sếp. Nếu chỉ làm tốt những công việc mà sếp giao, hiệu quả nhiều nhất chỉ có thể là 1+1 = 2.
Chỉ có biết cách đứng trên góc độ của sếp để nhìn nhận vấn đề, thậm chí đứng cao hơn cả vị trí của sếp để quan sát, chúng ta mới có thể đạt được hiệu quả 1+1 > 2
2. Nâng cao khả năng đàm phán
Trong cuốn "Đắc nhân tâm" có một câu chuyện như sau:
Dale Carnegie từng thuê một phòng lớn của một quán ăn để làm phòng dạy học, anh sẽ sử dụng phòng 20 buổi tối/ quý.
Một lần nọ, khi bắt đầu một quý mới, chủ quán ăn thông báo rằng ông ấy sẽ tăng tiền thuê lên gấp 3 lần.
Khi anh nhận được tin này cũng là lúc vé đã được bán hết
Hơn nữa, tất cả các thông báo về lịch học đều đã được công bố, nếu như hủy ngay lập tức chắc chắn sẽ gây ra tổn thất rất lớn.
Tuy nhiên, Carnegie không giống như người bình thường, gặp chuyện như vậy hẳn sẽ nổi giận đùng đùng tới cãi nhau với chủ quán ăn, mà anh nói với chủ quán ăn như sau:
"Nhận được thông báo của anh, tôi có chút ngỡ ngàng. Tuy nhiên tôi không trách anh chút nào. Là một chủ tiệm ăn, trách nhiệm của anh chính là tìm cách gia tăng lợi nhuận của cửa hàng. Như vậy đi, chúng ta lấy một tờ giấy ra viết thế này nhé: những mặt lợi và mặt hại đối với cửa tiệm của anh khi tăng giá thuê".
Hình minh họa. Ảnh: StockSnap
Carnegie vẽ một đường thẳng dọc ở giữa tờ giấy, chia tờ giấy làm hai cột, bên trái viết "mặt lợi", bên phải viết "mặt hại".
Bên cột "mặt lợi", anh viết "cho thuê phòng khách lớn".
Anh nói: "Nếu như phòng khách trống, vậy thì có thể cho thuê để tổ chức vũ hội hay các hội nghị, như vậy sẽ rất có lợi. Bởi lẽ, những hoạt động này sẽ mang đến rất nhiều lợi nhuận cho anh, hơn hẳn so với cho thuê để làm phòng học.
Nếu như tôi sử dụng phòng khách của anh 20 buổi tối/quý, điều này có nghĩa rằng anh sẽ mất đi những cơ hội làm ăn vô cùng có lợi khác".
Carnegie tiếp tục nói: "Vậy bây giờ tôi sẽ phân tích những mặt hại. Tôi không thể chi trả mức tiền thuê mà ông yêu cầu, tôi chỉ có thể tìm nơi khác để mở lớp học.
Như vậy, không những ông chẳng kiếm được một đồng nào từ tôi mà còn mất đi một cơ hội quảng bá tốt. Các khóa học của tôi có thể thu hút rất nhiều học viên có trình độ học vấn cao tới quán ăn của anh. Nếu như anh bỏ ra 5000 USD mua bài quảng cáo trên báo, chưa chắc anh đã đạt được hiệu quả như vậy".
Ngày hôm sau, Carnegie nhận được một bức thư của chủ tiệm ăn, thông báo rằng tiền thuê chỉ tăng 50% thay vì 300%.
Khả năng đàm phán chính là khả năng làm cho kết quả đàm phán đạt tới mục tiêu đã dự kiến trước đó. Trong công việc, một người ưu tú sẽ phát huy được khả năng đàm phán, thương lượng, khiến cho phương án của anh ta được cấp trên và đồng nghiệp đón nhận và ủng hộ.
Chỉ có hiểu được nhu cầu của người khác, tăng cường khả năng quan sát, nắm được các kỹ năng đàm phán cần thiết, chúng ta mới có thể ứng phó được các trường hợp khác nhau một cách linh hoạt.
Trong công việc, điều cần nhất không phải là nỗ lực mà đó là biết nỗ lực một cách khôn ngoan nhất, chọn cho mình một phương pháp làm việc hiệu quả nhất.
Qua bài viết, hy vọng tất cả chúng ta đều có thể tìm cho mình một phương hướng phù hợp, giúp chúng ta làm việc ngày một hiệu quả và thành công.
Lưu Ly
Nhịp sống kinh tế