Nếu bạn đã biết về chuyến phiêu lưu của bộ não Albert Einstein - sau khi ông ấy mất , thì đây là một câu chuyện tương tự về hộp sọ của René Descartes. Danh tiếng của cả hai nhà bác học đại tài đều đã khiến thi hài của họ trở thành mục tiêu cho những kẻ trộm mộ.
Và trong trường hợp hộp sọ của Descartes, những chứng tích lộn xộn và chồng chéo về số phận của nó đã khiến chúng ta không còn biết đâu là hộp sọ thật của ông ấy: Mẫu vật đang được trưng bày nguyên vẹn và trang trọng tại Bảo tàng Musée de l'Homme tại Paris, hay những mảnh vỡ răng cưa đang nằm rải rác trong các bộ sưu tập kỳ trân dị bảo khắp thế giới?
Trong trường hợp bạn đã quên René Descartes, ông chính là nhà toán học người Pháp sống ở thế kỷ 17, người đã khai sinh ra hình học giải tích, phát minh ra trục tọa độ Ox, Oy để mô tả hình học bằng đại số, người đầu tiên sử dụng ký hiệu x2 để viết số bình phương - những kiến thức bạn đã rất quen thuộc từ thời phổ thông.
Ngoài ra với câu nói nổi tiếng "Tôi tư duy, nên tôi tồn tại", Descartes cũng được coi là ông tổ của nền triết học hiện đại. Ông đồng thời cũng là một trong những nhân vật quan trọng đóng góp vào Cách mạng Khoa học và là người ảnh hưởng lớn nhất đến nhà vật lý Issac Newton ngay từ khi còn trẻ.
Câu chuyện về hộp sọ Descartes dĩ nhiên chỉ bắt đầu sau khi ông chết. Năm 1649, khi Descartes đã trở thành một nhà toán học, khoa học và cả triết học nổi tiếng nhất Châu Âu, Nữ hoàng Christina của Thụy Điển đã mời ông đến triều đình của mình để tổ chức một học viện khoa học mới.
Tại đây, Descartes đã có các buổi thuyết trình trước triều đình Thụy Điển và cả các bài giảng riêng dành cho Nữ hoàng. Thật không may vào đầu tháng 2 năm 1950, Descartes đột nhiên mắc bệnh và mất khoảng 10 ngày sau đó.
Cái chết của ông hiện vẫn còn để lại nhiều tranh cãi. Theodor Ebert, một nhà triết học người Đức cho rằng Descartes đã chết vì bị đầu độc bởi những nhà truyền đạo Công giáo Thụy Điển, những người thấy bất đồng với quan điểm tôn giáo mà ông đã trình bày trước hoàng gia.
Tuy nhiên theo các tài liệu chính thống, Descartes đã chết đơn giản vì mắc bệnh viêm phổi. Sau khi mất, thi hài của ông được chôn cất tại Stockholm, trong một nghĩa trang nhỏ dành cho người Công giáo nhưng chủ yếu chỉ có mộ của những đứa trẻ mồ côi.
Điều gì xảy ra tiếp theo tùy thuộc vào câu chuyện mà bạn tin tưởng, nhưng có một điều mà các nhà sử học đồng ý là hộp sọ của Descartes đã không hề yên giấc. Theo các tài liệu được chấp nhận rộng rãi nhất, mộ phần của ông ở Stockholm đã bị đào lên vào năm 1666 sau một cuộc vận động của những người đồng hương muốn đưa thi hài ông về Pháp.
Hài cốt của Descartes sau đó được cải táng trong nhà thờ Saint-Geneviève-du-Mont ở Paris, nhưng cũng chỉ yên nghỉ được hơn 200 năm trước khi một lần nữa bị đào lên vào thế kỷ 19, trong giai đoạn ngắn mà nước Pháp rơi vào cuộc hỗn loạn chính trị.
Người ta đã di dời hài cốt của Descartes để đảm bảo nó được an toàn. Nhưng trước khi được cải táng trở lại vào năm 1818, chiếc quan tài của ông được mở ra và những người đầu tiên nhìn vào đó đã bất ngờ thấy hộp sọ của Descartes biến mất.
Jöns Jakob Berzelius, một trong những nhà hóa học tiên phong người Thụy Điển đã có mặt và xác nhận khoảnh khắc đó, khi hộp sọ của Descartes không còn trong quan tài nữa. Trở về nhà ở Stockholm vào năm 1821, Berzelius sau đó mới biết được rằng hộp sọ được cho là của Descartes đã bị một ông trùm sòng bạc mua lại trong cuộc đấu giá.
Berzelius thuyết phục người này bán lại chiếc hộp sọ cho ông để trả nó về Pháp. Theo như mô tả của Berzelius, chiếc hộp sọ này đích thị là của Descartes bởi ai đó đã viết lên trên trán của nó một dòng chữ Thụy Điển: "Hộp sọ của Descartes, lấy được bởi J. Fr. Planström, năm 1666, vào thời điểm thi hài được trao trả cho Pháp".
Nhưng tại sao chiếc hộp sọ lại có mặt ở đây? Một thủ thư tại Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Pháp đã sưu tầm những chứng tích và ghép lại được câu chuyện hoàn chỉnh giải thích cho điều đó.
Mắt xích đầu tiên trong chuỗi sự kiện là câu hỏi: J. Fr. Planström là ai mà có thể tuyên bố lấy cắp hộp sọ của Descartes? Hóa ra, đây chính là một trong những người lính canh được giao nhiệm vụ trông chừng hài cốt của Descartes vào năm 1666, trước khi nó được trao trả lại cho người Pháp.
Người ta không biết tại sao Planström lại đánh cắp hộp sọ của Descartes, nhưng người lính canh này sau đó đã chết với một núi các khoản nợ chưa được thanh toán. Một trong những chủ nợ của người này là một ông chủ hãng bia ở Stockholm, người sau đó đã lấy chiếc hộp sọ như một khoản đền bù.
Rồi ông chủ hãng bia cũng mất, chiếc hộp sọ của Descartes được truyền lại cho con trai ông ta. Rồi sau đó, nó tiếp tục qua tay của hàng loạt các nhà sưu tầm cổ vật và dị bảo, những người không chỉ giám định chiếc hộp sợ mà còn viết tên của họ, đôi khi cả các câu thơ lên trên đó.
Cuối cùng, chiếc hộp sọ được cho là của Descartes đã hạ cánh trong bộ sưu tập của nhà khoa học và nhà thám hiểm Anders Sparrman. Năm 1820, Sparrman qua đời và các bảo vật ông sưu tầm được đem ra đấu giá. Đây là lúc mà ông chủ sòng bạc ở Thụy Điển mua lại được chiếc hộp sọ, sau đó, Berzelius đến gặp ông ấy và xin mua lại nó.
Thương vụ này cuối cùng đã thành công và chiếc hộp sọ Descartes được Berzelius trao trả về Pháp theo đúng lời hứa. Bây giờ, nó đang được Bảo tàng Musée de l'Homme ở Paris trưng bày trong một hộp kính với chủ đề loài người. Bởi vậy cho tới nay, người ta tin rằng hộp sọ của Descartes cuối cùng cũng đã được yên nghỉ.
Nghi vấn được đặt ra bởi Per Karsten, giám đốc Bảo tàng Lịch sử tại Đại học Lund, Thụy Điển. Năm 2020, Karsten và nhà khảo cổ học Andreas Manhag là đồng nghiệp của ông đã xuất bản một công trình điều tra về nguồn gốc của hộp sọ Descartes, dựa trên một bằng chứng rằng Bảo tàng Lịch sử tại Đại học Lund cũng đang lưu trữ một mảnh sọ được cho là của Descartes nhưng không khớp với chiếc hộp sọ ở Paris.
Karsten và Manhag cho rằng chiếc hộp sọ ở Bảo tàng Musée de l'Homme thực chất là hộp sọ giả của Descartes, chính bởi những cái tên được viết trên đó. Trong số 6 cái tên khắc trên hộp sọ thì có tới 4 cái tên không xác thực.
"Hoàn toàn không thể có chuyện những người này từng sở hữu hộp sọ của Descartes", Karsten và Manhag cho biết. Ví dụ, một trong những cái tên mà bộ đôi có thể giám định được là Olof Celsius, một giám mục Thụy Điển sống ở thế kỷ 18. Trong số tất cả các tài liệu nói về vị giám mục này, không có bất kỳ hồ sơ nào cho thấy Celsius từng sở hữu hộp sọ của Descartes.
Thay vào đó, Karsten và Manhag lại tìm thấy một manh mối khác. Vợ của Celsius là Andreetta Katarina từng được cho thừa kế một mảnh hộp sọ người vào năm 1780. Trên mảnh sọ này có khắc dòng chữ "Cartesi – döskalla 1691. Số 6", có nghĩa đây là hộp sọ của Descartes, năm 1691 và là mảnh số 6.
Nó được đặt trong một chiếc ly kỳ lạ, làm hoàn toàn bằng gỗ và bên trên nắp có khắc một hình đầu lâu người trang trí. "Đây chính là chiếc bình đựng Mr. Descartes", Karsten nói. Katarina sau đó đã tặng mảnh sọ lại cho Đại học Lund. Tại đây, nó được coi là một hiện vật khoa học và được đánh ký hiệu là LUHM 508.
Theo Karsten và Manhag, dòng chữ trên mảnh sọ LUHM 508 có độ tin cậy hơn các dòng chữ trên hộp sọ hoàn chỉnh được cho là của Descartes ở Paris. Đó là bởi năm 1691 không được đề cập trong bất kỳ tài liệu nào liên quan đến Descartes.
Nếu ai đó muốn giả mạo hộp sọ của nhà triết học, "có lẽ tốt hơn họ nên chọn năm mất, năm khai quật mộ hoặc một dấu mốc nào đó tương tự", Manhag nói. Và đây có thể chính là những gì mà kẻ giả mạo chiếc hộp sọ Descartes ở Paris đã làm.
Thậm chí, kẻ giả mạo này còn mò được ra thông tin Olof Celsius, bằng cách nào đó, có liên quan đến hộp sọ nên đã khắc tên ông ấy lên đó như một chủ sở hữu. Nhưng hắn không biết vợ của Celsius mới là chủ sở hữu mảnh sọ có thật của Descartes và đã tặng nó cho Đại học Lund dưới tư cách cá nhân chứ Celsius không liên quan gì đến nó.
"Chúng tôi biết hộp sọ ở Paris là đồ giả, và mọi bằng chứng đến nay đều nói rằng mảnh sọ chúng tôi đang nắm giữ là thật, mảnh sọ mà Andreetta Celsius đã tặng cho trường đại học của chúng tôi", Karsten nói.
Về con số năm 1691, theo Manhag và Karsten, đó chính là năm mà chiếc hộp sọ của Descartes bị cho nổ tung thành nhiều mảnh, sau đó Andreetta đã sở hữu mảnh số 6 của nó, nghĩa là vẫn còn rất nhiều mảnh sọ của Descartes khác nữa.
Điều này phù hợp với một số ghi chép lịch sử của Thụy Điển mà Manhag và Karsten sưu tầm được, trong đó mô tả nhiều mảnh hộp sọ được cho là của Descartes đã được mua và bán trong các bộ sưu tập tư nhân vào thế kỷ 18. Điều quan trọng là các tài liệu này ghi rằng hộp sọ của Descartes tồn tại ở dạng mảnh chứ nó không hề nguyên vẹn như một chiếc đầu lâu hoàn chỉnh.
Dựa trên các tài liệu ghi lại được, Karsten và Manhag đồng ý rằng rất có thể người lính canh tên là Planström đã lấy hộp sọ của Descartes khi ông đang canh giữ hài cốt nhà khoa học vào năm 1666.
Động cơ mà ông ta làm việc đó là vì đang rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Hắn muốn lấy trộm hộp sọ của Descartes và bán nó cho những nhà sưu tầm kỳ trân dị bảo ở Châu Âu thời kỳ đó.
Vào cuối thế kỷ 16 ở châu Âu, khi chủ nghĩa nhân văn và sự quan tâm đến việc nghiên cứu thế giới tự nhiên nở rộ, một phong trào được gọi là Wunderkammer — dịch ra từ tiếng Đức có nghĩa là "căn phòng của sự kỳ diệu" - bắt đầu xuất hiện trong giới hoàng tộc.
Những thành viên hoàng gia theo đó thường xây dựng cho mình một căn phòng sưu tầm các dụng cụ khoa học, bảng tính, các công cụ toán và mọi thứ mà họ cho là quý giá, thể thiện trí tuệ cũng như sự giác ngộ.
Các căn phòng Wunderkammer này thể hiện sức mạnh của hoàng gia, cho thấy quyền lực của người sở hữu trước thế giới tự nhiên và cả tri thức loài người. Wunderkammer cũng củng cố vị trí cai trị của người sở hữu nó.
Dần dần, cái gì được hoàng gia ưa chuộng thì sẽ lan xuống tầng lớp quý tộc. "Đến thế kỷ 18, mọi người giàu có đều muốn sở hữu thứ gì đó để khoe trong thư viện nhà họ", Karsten nói.
Các bộ sưu tập Wunderkammer bắt đầu được mở rộng ra cả các vật phẩm kỳ dị như hài cốt, xác ướp, và đặc biệt là sọ người, bởi quan niệm thẩm mỹ và niềm tin từ lâu rằng chiếc sọ lưu giữ không chỉ danh tính mà cả linh hồn của người đó.
Chiếc hộp sọ của Descartes đã bị Planström đánh cắp trong một bối cảnh như vậy. Và chúng ta biết hắn sẽ bán nó cho những quý tộc thích sưu tầm. "Chuyện buôn bán hài cốt người nổi tiếng, việc mở nắp quan tài họ và lấy trộm xương rất phổ biến trong thời kỳ đó", Karsten nói.
Bây giờ, giả sử bạn là Planström và đang muốn bán chiếc hộp sọ Descartes mà hắn trộm được với giá cao nhất. Để tối đa hóa lợi nhuận thời đó, những kẻ trộm mộ thường sử dụng một kỹ thuật được gọi là "nổ sọ".
Chúng sẽ lật ngược đầu lâu, bỏ vào đó một ít đậu Hà Lan khô, cũng có thể thay thế bằng hạt kê hoặc một nắm gạo. Sau đó chỉ cần chế thêm một chút nước và chờ đợi. Khi tinh bột hấp thụ nước và nở ra, các mô sợi giàu collagen giữ xương sọ lại với nhau sẽ yếu đi.
Cuối cùng, hộp sọ sẽ nứt một cách gọn gàng dọc theo các vết rạn của nó. Bây giờ, thay vì chỉ có một mặt hàng để chào bán, chúng sẽ có từ sáu đến tám miếng xương lớn để cung cấp cho những người mua tiềm năng.
Đúng là phi đạo đức và ghê rợn, nhưng thực tế kỹ thuật nổ sọ này là một cách khôn ngoan để những kẻ trộm mộ tối đa hóa lợi nhuận từ vật phẩm mà chúng tìm được. Theo một logic hiển nhiên, đây cũng có thể chính là điều mà Planström đã làm với hộp sọ Descartes khi hắn trộm được bảo vật.
Trước nghiên cứu cáo buộc của Đại học Lund ở Thụy Điển, Bảo tàng Musée de l'Homme nơi lưu giữ hộp sọ ở Paris đã không lên tiếng bình luận.
Tuy nhiên, Philippe Charlier, một bác sĩ và nhà nhân chủng học nổi tiếng, người được The New York Times mệnh danh là "giám sát viên pháp y nổi tiếng nhất của Pháp", đã thực hiện các khảo sát trên mẫu vật hộp sọ ở Paris và kết luận: Descartes đã về nhà.
Charlier bác bỏ nghiên cứu của Karsten và Manhag và cho rằng các lập luận của họ không có giá trị. Về mặt lý thuyết, ông và các đồng nghiệp ở Pháp có thể thực hiện một xét nghiệm DNA đơn giản để kết thúc cuộc tranh cãi. Tuy nhiên, họ đã không làm.
Charlier giải thích rằng trích xuất DNA từ xương luôn là một quá trình xâm lấn, gây phá hủy hiện vật và Bảo tàng Musée de l'Homme đã chọn không làm điều đó. "Họ sợ mẫu vật bị hư hại chứ không phải vì sợ kết quả xét nghiệm", Charlier nói.
Và ngay cả việc chiết xuất DNA từ hộp sọ Paris được cho phép thực hiện đi chăng nữa, có thể chúng ta cũng sẽ không có gì để đối chiếu. Descartes không có hậu duệ còn sống, và bộ xương của ông được chôn lại trong một nghĩa trang ở Paris vào năm 1818 đã tiếp xúc với nước, độ ẩm và chất gây ô nhiễm qua nhiều thế kỷ. Các yếu tố này nhiều khả năng đã làm suy giảm chất liệu di truyền có trong đó và các phân tích hiện tại không thể tìm ra được mẫu DNA của Descartes sau hơn 200 năm.
Bởi vậy, để khẳng định kết quả, nhóm của Charlier đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra không xâm lấn đối với hộp sọ của Descartes ở Paris. Các bài kiểm tra đó bao gồm một "phân tích giải phẫu thần kinh" năm 2017, sử dụng phương pháp quét CT để mô hình hóa các yếu tố trong cấu trúc não của Descartes.
Charlier cho biết qua nhiều năm, "cuộc kiểm tra nhân chủng học và pháp y của chúng tôi xác nhận việc đánh giá giới tính, tuổi khi chết, [và] nguồn gốc địa lý" của hộp sọ Paris đều trùng khớp với Descartes. Charlier cho biết ông cũng đã làm một phép tái tạo khuôn mặt dựa trên hộp sọ, và nó khá giống với chân dung của Descartes trong các bức vẽ ông ấy thời còn sống.
Trở lại Đại học Lund tại Thụy Điển, Karsten vẫn tin rằng bảo tàng của ông có một di vật quý giá của Descartes vĩ đại để lại.
"Mr. Descartes đã ở Lund từ năm 1780. Ông ấy là một biểu tượng tuyệt vời về lý trí, triết học và lịch sử của nhân loại — sự xuất hiện của tư duy khoa học phương Tây đã bắt đầu từ người đàn ông này — và chúng tôi có hộp sọ của ông ấy", Karsten tuyên bố.
Manhag thì có vẻ thận trọng hơn — ít nhất là về tính xác thực của mảnh sọ tại Lund. Ông nói: "Tôi chắc chắn rằng hộp sọ ở Paris là đồ giả. Nhưng tôi cũng không dám chắc mảnh sọ ở Lund là thật, có điều theo tôi, tính tới thời điểm này thì vẫn chưa có bất cứ bằng chứng nào cho thấy nó cũng là đồ giả".
Nhưng nếu mảnh sọ số 6 của Descartes ở Thụy Điển là thật, các mảnh sọ còn lại của ông ấy đang ở đâu? Đó rõ ràng là một câu hỏi lớn hơn đối với Bảo tàng Lịch sử tại Đại học Lund. Nếu họ muốn tìm ra các bằng chứng xác đáng khẳng định cho niềm tin của mình, họ phải tìm được các mảnh sọ khác nữa của Descartes.
Rất có thể, chúng vẫn đang nằm rải rác đâu đó trong các căn phòng Wunderkammer, những bộ sưu tập kỳ trân dị bảo của giới quý tộc Châu Âu mà đối với phần lớn chúng ta không hề biết đến sự tồn tại của chúng.
Tham khảo Atlasobscura
Thanh Long
Pháp luật và bạn đọc