Những ngày qua, tình huống "làm IT bị sếp bắt cài win, sửa máy in, xem tủ lạnh công ty thì có nên nghỉ việc" thu hút rất nhiều lượt bình luận, chia sẻ trên mạng xã hội.
Nỗi khổ không riêng của IT
Phía dưới dòng trạng thái của một bạn: “Làm IT bị sếp bắt cài win, sửa máy in, xem tủ lạnh thì có nên nghỉ việc?”, bạn Tuyết Nhung ở TP.HCM, bình luận: “Kể cả dọn nhà vệ sinh, sửa điện, mua nhang, hoa trái cúng rằm, mùng 1… tôi cũng phải làm”.
Trong khi đó, Phạm Trang, than thở ngoài công việc chính, cô còn phải bê bình nước, mua cơm, dọn vệ sinh. Lâu lâu, sếp còn nhờ đi mua bánh kem.
Bức xúc không kém, anh Nguyễn Hoàng ở Lâm Đồng kể: “Tôi làm tài xế nhưng kiêm luôn kiểm hàng, nhận hàng, phiên dịch, hướng dẫn viên… của sếp. Làm bao nhiêu việc, vậy mà, tôi chỉ được nhận lương tài xế”.
Người lao động đưa ra tình huống mình gặp phải, nhiều người đưa ra lời khuyên bất ngờ. Ảnh chụp từ FB
Anh Hoàng còn cho biết không chỉ anh mà những nhân viên khác ở công ty cũng phải kiêm nhiệm nhiều việc khác. Nhân viên bảo trì điện cũng phải tưới cây, bê chậu, lâu lâu thay cánh quạt…
Rơi vào tình huống còn dở khóc dở cười hơn, bạn Phi Phi ngụ TP.HCM chia sẻ: “Tôi làm kế toán kiêm báo giá, bốc khối công trình. Sếp mở thêm quán thì làm luôn đầu bếp, chạy bàn, thu ngân, thậm chí shipper. Thỉnh thoảng, tôi con chở con sếp đi học, nhận hàng online giúp vợ sếp”.
Phải thích nghi, ngừng than vãn
Bạn trẻ Đồng Tuyên ngụ TP.HCM, lại không than phiền khi rơi vào tình huống sếp kêu làm thêm việc vặt. Ngược lại, Tuyên có lời khuyên cho người viết dòng trạng thái nói trên: “Việc nhỏ không làm thì sao làm được những việc khác. Sếp cần thái độ tích cực của bạn trong công việc, dù là việc gì thì cũng hoàn thành tốt, chứ không phải đụng một chút xin nghỉ việc. Cấp trên nào cũng sai người mới làm việc vặt để xem thái độ, sau đó mới tính đến chuyên môn”.
Theo Đồng Tuyên, nhân sự mới vào công ty nên tìm cách thích nghi, được nhờ chuyện lặt vặt thì cũng nên nhiệt tình. Công ty cũng như một xã hội thu nhỏ, không thích nghi được sẽ bị đào thải. Đi làm thì bớt chút sĩ diện, bớt đi cái tôi mà cố gắng, tích luỹ kinh nghiệm. Tuy nhiên, chỗ nào hạch sách, lạm dụng thì đừng cố đấm ăn xôi, cứ thoải mái nghỉ.
Anh Châu Vũ ngụ ở TP Hà Nội, cũng đang làm IT cho biết IT bây giờ toàn kiêm thêm những việc vặt như xách nước bổ cam. Anh làm IT hơn 12 năm, trải qua đủ mọi việc lớn nhỏ, có việc gì cũng xông pha.
Dù làm bất cứ ngành nghề nào, người quản lý luôn đòi hỏi người lao động nhiệt tình, năng động. Ảnh: NGỌC LÀI
“Bạn muốn thành công, phải bỏ ngay tư duy ăn sẵn. Cho đến bây giờ, sếp ở công ty cũ vẫn quý tôi, thỉnh thoảng tôi cần thì sếp cũ vẫn giúp. Tất cả đều do tôi làm việc nhiệt tình, không nề hà việc gì” – anh Vũ chia sẻ.
Tài khoản Nguyễn Thành Trung đưa ý kiến: “Tôi làm trưởng phòng kinh doanh mà máy photo bị kẹt giấy vẫn phải tự sửa, thay bình nước ở văn phòng… Đồng nghiệp nhờ công việc ngoài chuyên môn, tôi vẫn giúp. Nếu việc vặt không làm được thì cứ từ chối, đừng kêu ca”.
Anh Huy Hoàng đang sống và làm việc tại Nhật Bản cũng góp ý: “Tôi sang Nhật làm việc với bằng kỹ sư. Lúc công ty hết việc, giám đốc vẫn kêu về nhà phụ ông ấy làm vườn. Hiện tại, tôi cày cuốc, lái máy cày chuyên nghiệp như nông dân. Những suy nghĩ nhỏ nhen khiến bạn mệt mỏi”.
Chỉ nên nghỉ việc nếu rơi vào 2 trường hợp sau Trao đổi với PLO về tình huống trên, ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, cho biết: "Trong tình huống “làm IT bị sếp bảo cài win, sửa máy in, xem tủ lạnh”, tôi nghĩ người lao động cần phân biệt những việc đó là chủ doanh nghiệp điều chuyển hẳn hay chỉ nhờ làm đột xuất. Nếu người lao động cảm thấy đây không phải công việc thường xuyên và bản thân có khả năng hỗ trợ thì nên giúp đỡ cấp trên. Ngược lại, bạn làm IT mà điều chuyển sang phụ trách lĩnh vực khác, trái ngành trái nghề thì cần nghĩ đến chuyện xin việc nơi khác. Ở góc độ chuyên gia về nhân lực, tôi thấy việc hỗ trợ cấp trên những việc vặt khác với việc chuyên môn là bình thường, không nên ca thán. Với những công ty, doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ sử dụng nhân công rất hạn chế, tranh thủ một người làm nhiều việc. Xét về mặt pháp luật, họ không làm sai, không trái hợp đồng lao động, đó chỉ là những việc vặt người ta nhờ bằng quan hệ tình cảm. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, xoay xở để vượt qua dịch COVID-19. Họ không thể sử dụng quá nhiều nhân công. Việc tận dụng nhân công có sẵn làm những việc đột xuất thì hoàn toàn có thể thông cảm. Người lao động nên chia sẻ. Hiện nay, nhiều lao động trẻ tuổi rất yếu trong quan hệ lao động. Các bạn thường hay kể khổ, trách móc cấp quản lý. Trong công việc, nhiều việc hôm nay bạn làm không có tiền nhưng vô tình hình thành kỹ năng để mai này làm ra đồng tiền. Ở nước ngoài, người lao động chọn làm hết việc chứ không làm hết giờ, không so bì với người khác. Ở nước ta, người lao động thích việc nhàn nhã, làm ít hơn người khác thì cảm thấy vui, thiệt thòi một chút là bực bội. Thực ra, suy nghĩ này chỉ khiến người lao động yếu dần về kỹ năng, kiến thức, cách ứng xử, thiếu lòng tin đối với mọi người xung quanh. Tôi nghĩ với người lao động, nếu thấy chuyện không gây thiệt thòi lớn, có thể hỗ trợ, tích lũy thêm kinh nghiệm thì nên vui vẻ làm, trừ hai trường hợp sau: Một là trường hợp bị điều chuyển hẳn sang việc trái chuyên môn mà không có lý do như đã nêu trên. Hai là sếp có những yêu cầu đột xuất mà yêu cầu đó vi phạm pháp luật. Với những trường hợp này, người lao động cần kiên quyết từ chối".
|