“Trạm Y tế (TYT) phường 5, quận 3, TP.HCM trước đây có bảy người. Hiện một nữ bác sĩ đã chính thức nghỉ việc, một nữ hộ sinh cũng chuẩn bị nghỉ. Như vậy, nhân sự của trạm sắp tới chỉ còn năm người” - bà Vũ Thị Mai Liên, Trạm trưởng TYT phường 5, chia sẻ.
Công việc ngập mặt, đồng lương èo uột
“Lý do nghỉ việc nói chung do áp lực công việc quá lớn, ít có thời gian gần gũi con cái và chăm lo gia đình…” - bà Liên nói.
TYT phường 5, quận 3 phải đảm trách 19 chương trình mục tiêu quốc gia như sức khỏe sinh sản, sức khỏe trẻ em, lao, tâm thần, da liễu, HIV, người cao tuổi, khám nghĩa vụ quân sự, vệ sinh môi trường, sốt rét, nha học đường, tiêm chủng mở rộng, truyền thông sức khỏe, bệnh không lây, khám bảo hiểm y tế… “Chưa hết, trong hai năm qua dịch COVID-19 bùng phát, công việc tăng lên gấp đôi, gấp ba: Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, theo dõi và điều trị ca bệnh COVID-19 trên địa bàn, nhập dữ liệu ca bệnh… là những công việc mà TYT phải đảm trách hằng ngày” - bà Liên nói thêm.
Nhân viên Trạm Y tế xã Trung Chánh (huyện Hóc Môn, TP.HCM) lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân trên địa bàn. Ảnh: TRẦN NGỌC
Lo sợ có thêm nhân viên trạm y tế phường xin nghỉ Hiện hai nhân viên của các TYT phường thuộc quận Bình Tân (TP.HCM) đã xin nghỉ việc và bốn người đang xin. Nhân lực các TYT đã thiếu, giờ càng thiếu hơn. Quận Bình Tân được Sở Y tế TP.HCM bổ sung 10 TYT lưu động. Nhân lực TYT lưu động gồm bác sĩ và điều dưỡng của các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM và lực lượng quân y. Công việc chính của TYT lưu động là hỗ trợ địa phương quản lý và điều trị F0 trên địa bàn. BS TRƯƠNG ĐÌNH NHẪN, |
Nhân sự của TYT phường 5, quận 3 đa phần là nữ và đã có gia đình, chỉ một nam duy nhất. “Là mẹ mà suốt 3-4 tháng không gần gũi con do tập trung lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, không nấu được bữa cơm cho chồng do dành thời gian quản lý và chăm sóc ca bệnh COVID-19. Chưa hết, nhiều việc có tên cũng như không tên liên quan hoạt động phòng chống dịch COVID-19 cứ đeo đuổi hằng ngày khiến nhân viên y tế của trạm không có ngày nghỉ. Do không phải ai cũng chịu được áp lực công việc quá lớn nên chuyện nhân viên các TYT nói chung xin nghỉ là điều khó tránh” - bà Liên trải lòng.
Công việc nhiều, thế nhưng lương tháng mỗi nhân viên y tế của trạm chỉ 6-7 triệu đồng. “Số tiền đó sao đủ trang trải cho ăn uống, quần áo, xăng xe, thuốc thang, lễ nghĩa… Nói gì thì nói, cũng phải đồng cảm khi nhân viên của các TYT nghỉ việc. Cho dù việc này không ai muốn xảy ra” - bà Liên bày tỏ.
Sợ hãi vì bị dọa đánh, đập phá
Theo bà Nguyễn Thị Sang, Trạm trưởng TYT xã Trung Chánh (huyện Hóc Môn, TP.HCM), trước đây trạm có tám nhân viên. Sau đó có một bác sĩ nghỉ hưu. “Đầu tháng 12-2021, một nam dược sĩ cao đẳng của trạm chính thức xin nghỉ việc. Như vậy, nhân sự của TYT xã Trung Chánh chỉ còn sáu người” - bà Sang cho biết.
Cũng như các TYT khác, công việc hằng ngày của TYT xã Trung Chánh là đảm trách 19 chương trình mục tiêu quốc gia, tham gia phòng chống dịch COVID-19, quản lý và điều trị F0… “Công việc bù đầu bù cổ, nhiều tháng liền không thể về thăm nhà do chống dịch COVID-19, lương thấp… là lý do khiến không ít nhân viên của các TYT xin nghỉ việc. Tôi là trưởng TYT nhưng lương mỗi tháng 6,7 triệu đồng, lương của nhân viên còn ít hơn nên khó đảm bảo cuộc sống” - bà Sang chia sẻ.
Hiện nhiều người trên địa bàn xã Trung Chánh đã đi làm lại. Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lường. Do vậy, khi có người mắc bệnh COVID-19 thì những người làm chung, sống trên địa bàn xã Trung Chánh tới TYT xét nghiệm nhanh. “Nhân lực ít, người đến xét nghiệm đông nên không tránh khỏi tình trạng chờ đợi. Có người tới sau muốn được lấy mẫu trước nhưng không được đáp ứng liền lớn tiếng và dọa đánh nhân viên y tế. Thậm chí có người đòi san bằng TYT… Trong hoàn cảnh này, thử hỏi nhân viên y tế nào không sợ” - bà Sang nói.
Chưa hết, trực tối luôn là nỗi ám ảnh của nhân viên TYT xã Trung Chánh, nhất là nữ. Không ít lần các ông say xỉn bị tai nạn vào TYT sơ cứu, băng bó. Do không làm chủ bản thân, có ông lớn tiếng gây chuyện, hù đánh nhân viên y tế và dọa phá đồ đạc của trạm. Nếu có chuyện không may xảy ra trong ca trực thì không ai có mặt để bảo vệ nhân viên y tế cả.
“Vậy nên có cơ hội tìm được công việc tốt hơn, ít áp lực và thu nhập cao thì nhân viên các TYT sẵn sàng nghỉ việc. Điều này không thể trách họ được”- bà Sang nói thêm.
Choàng gánh thêm việc
BS Nguyễn Thái, Giám đốc Trung tâm Y tế quận 3, cho biết tình trạng nhân viên ở các TYT phường trên địa bàn quận xin nghỉ việc đã xảy ra.
“Mỗi lần nhận đơn xin nghỉ việc của nhân viên y tế ở các trạm, tôi nặng trĩu trong lòng. Biết bao người đã gắn bó với TYT lâu năm, đã cùng đồng nghiệp tham gia phòng chống dịch COVID-19 bất kể ngày giờ, bất kể gian nan, thậm chí bị nhiễm bệnh… Tuy nhiên, vì lý do nào đó, không ít nhân viên ở các TYT xin nghỉ việc. Chúng tôi cố gắng vận động, thuyết phục và có người ở lại. Cũng không ít lần, chúng tôi đau đáu phải ký quyết định nghỉ việc vì có người nhất quyết thôi làm” - BS Thái cho biết thêm.
“Hai nhân viên của các TYT trên địa bàn huyện Hóc Môn đã nghỉ việc, một nhân viên khác cũng sẽ nghỉ cuối tháng 12-2021” - BS Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn, nói.
Nhân viên tại các TYT bình thường đã thiếu, giờ có người nghỉ việc thì nhân lực càng thiếu hơn. “Khối lượng công việc ở TYT không giảm, buộc những nhân viên còn lại phải choàng gánh công việc của người đã nghỉ. Điều này khiến nhân viên y tế đã vất vả càng vất vả, áp lực hơn” - BS Trường bày tỏ.
Nhanh chóng có giải pháp đồng bộ nâng cao năng lực y tế cơ sở Kết cấu tổ chức của y tế Việt Nam rất tốt, rất ưu việt với một hệ thống y tế từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã để việc chăm sóc sức khỏe cho người dân len lỏi đến từng ngõ ngách với nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu, tiêm chủng mở rộng, chống suy dinh dưỡng… Tuy nhiên, trong thời gian dài, chúng ta thường chỉ tập trung phát triển y tế trung ương và tuyến tỉnh; còn tuyến huyện, xã chưa được đầu tư đúng mức, đặc biệt TYT xã gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, qua đợt dịch COVID-19 lần thứ tư này cho thấy rất rõ vai trò quan trọng của y tế cơ sở. Do đó, việc đầu tư cho y tế cơ sở là việc cấp bách nên làm mà không thể chờ đợi. Cụ thể, về chế độ chính sách, thiết nghĩ cần có chế độ đặc thù cho lực lượng nhân viên y tế cơ sở, dĩ nhiên sự ưu tiên đó nằm trong khuôn khổ cho phép, công bằng chứ không phải đòi hỏi quá mức. Chẳng hạn như có thêm khoản phụ cấp; hỗ trợ kinh phí trong trường hợp thi chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, thạc sĩ; hỗ trợ học phí cho con em; hỗ trợ bảo hiểm y tế cho phụ mẫu… Về góc độ chuyên môn, chúng ta phải tạo điều kiện cho cán bộ y tế phường, xã được học tập nhiều hơn. Bên cạnh những đợt tập huấn, tôi cho rằng nên luân chuyển nhân viên y tế từ trung ương, tỉnh, huyện về TYT xã, phường và ngược lại trong một khoảng thời gian cụ thể như sáu tháng hoặc một năm, tùy theo tình hình địa phương và ngược lại. Bởi y khoa là một ngành khoa học thực hành, kinh nghiệm ở người bác sĩ là rất quan trọng để quyết định việc chẩn đoán, điều trị. Do đó cần phải tạo điều kiện cho nhân viên y tế xã lên tuyến trên để trau dồi kinh nghiệm cá nhân, sau đó quay về phục vụ cho địa phương. Trên thực tế, việc chăm sóc y tế ở xã là cần kinh nghiệm nhất bởi ở TYT thường thiếu phương tiện chẩn đoán; nhân viên y tế có kinh nghiệm lâm sàng càng nhiều thì mới giảm thiểu tối đa sai sót trong chẩn đoán bệnh, nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở, phục vụ người dân tốt hơn. Đại biểu Quốc hội NGUYỄN TRI THỨC, LÊ THOA ghi |