Hình ảnh thải carbon được phát tại hội nghị COP26 ở Glasgow (Vương quốc Anh) - Ảnh: REUTERS
"Vẫn còn vô vàn thứ phải làm trong những năm tới, nhưng thỏa thuận hôm nay là một bước tiến lớn và quan trọng. Chúng ta lần đầu tiên có một thỏa thuận quốc tế về việc giảm sử dụng than và một lộ trình hạn chế ấm lên toàn cầu ở mức 1,5oC" - Hãng tin Reuters dẫn lời Thủ tướng Anh Boris Johnson nói.
Nhiều điểm mới
Trước khi diễn ra, COP26 đã được kỳ vọng là "hy vọng tốt nhất và cuối cùng" để cứu hành tinh. Theo các chính trị gia và một số nhà hoạt động, kết quả đạt được bất chấp nhiều bất đồng cho thấy sự đồng thuận của tất cả các nước và gửi đi thông điệp mạnh mẽ về việc cần phải đẩy mạnh hành động.
Tại hội nghị, 197 quốc gia khẳng định ưu tiên hàng đầu là hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5oC so với mức thời kỳ tiền công nghiệp - mục tiêu đã được đề ra trong Thỏa thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu. Vượt qua ngưỡng này, theo cảnh báo của các nhà khoa học, sẽ gây ra nguy cơ về các đợt nóng chết người, những cơn bão hung tợn, khô hạn và phá vỡ hệ sinh thái. Nhiệt độ Trái đất hiện đã tăng thêm 1,1oC.
Đây cũng là lần đầu tiên một thỏa thuận COP chỉ đích danh nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính làm tăng nhiệt độ Trái đất. Tranh cãi gay gắt nhất trong những giờ cuối của hội nghị là việc Ấn Độ, với sự ủng hộ của Trung Quốc và các nước đang phát triển phụ thuộc vào than, phản đối "xóa bỏ" sử dụng than, sau đó đã được điều chỉnh thành "giảm dần".
Thỏa thuận đã vạch ra được các bước cụ thể, từ việc cắt giảm một nửa lượng khí thải carbon vào năm 2030, giảm thải khí methane và lập ra bộ quy định mới buộc các nước có trách nhiệm hơn dù vẫn không có hình phạt nào nếu các nước không tuân thủ, theo báo New York Times.
Tài chính cũng là một trong những vấn đề nổi cộm của COP26, và gây tranh cãi nhất là việc các nước nghèo đòi các nước giàu sẽ "bồi thường" những tổn thất do các hiện tượng thời tiết cực đoan, hỗ trợ các nước ứng phó với những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Nhiều nước như Ấn Độ, Indonesia tuyên bố họ sẵn sàng hạn chế sử dụng than nếu được hỗ trợ tài chính.
Một trong những điểm đột phá của Thỏa thuận Glasgow so với Thỏa thuận Paris 2015 là thỏa thuận lần này cho phép các nước mua tín chỉ carbon từ các nước khác, mở ra tiềm năng tạo ra nguồn quỹ hàng ngàn tỉ USD để bảo vệ rừng, phát triển năng lượng sạch và các dự án chống biến đổi khí hậu.
Con tàu đã di chuyển và mọi quốc gia cần phải lên tàu. Nếu thế giới muốn đẩy lùi khủng hoảng khí hậu, không nước nào có thể ở ngoài cuộc.
Ông Ani Dasgupta, lãnh đạo Viện Tài nguyên thế giới
Khó khăn phía trước
Thỏa thuận khí hậu Glasgow cũng kêu gọi các nước trở lại vào năm sau để giải quyết vấn đề còn bỏ ngỏ là chia sẻ gánh nặng cắt giảm khí thải giữa các nước và đưa ra các cam kết mạnh mẽ hơn cho năm 2030.
Nhà hoạt động môi trường nổi tiếng Greta Thunberg và nhiều nhà hoạt động khác cho rằng thỏa thuận thiếu hành động thực tế. "COP26 đã kết thúc. Đây là tóm tắt: blah blah blah. Nhưng công việc thật sự vẫn tiếp diễn bên ngoài các phòng họp này và chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ những công việc này" - cô gái người Thụy Điển nói. Trước đó, Thunberg và các nhà hoạt động khác khẳng định các nhà lãnh đạo thế giới đã thất bại khi chuyển từ lời nói thành hành động.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đánh giá cao việc thỏa thuận kêu gọi các nước giàu tăng gấp đôi cam kết hỗ trợ 100 tỉ USD cho các nước nghèo như đã hứa cách đây một thập niên.
Nhận định về thỏa thuận, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho rằng thảm họa khí hậu đang đến gần và Trái đất đang trong tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc.
"Kết quả COP26 là một sự nhượng bộ, phản ánh các lợi ích, mâu thuẫn và ý chí chính trị trên thế giới ngày nay. Đây là một bước quan trọng nhưng chưa đủ" - ông Guterres viết trên mạng xã hội Twitter, cho rằng thế giới cần bật chế độ khẩn cấp trong cuộc chiến khí hậu.
"Họ đã thay đổi ngôn từ nhưng tín hiệu từ COP này không đổi, rằng thời đại của than đang chấm dứt" - bà Jennifer Morgan, lãnh đạo nhóm Greenpeace, nhận định.
Còn Mohamed Adow - giám đốc Tổ chức Power Shift Africa ở châu Phi - chỉ trích việc các nước nghèo hy sinh trong thỏa thuận vì sự ích kỷ của các nước giàu. "Đây là kết quả từ một COP tổ chức ở thế giới giàu có và bao gồm các ưu tiên của thế giới giàu có đó" - ông nói.
Ông Alok Sharma, chủ tịch COP26, gọi Thỏa thuận Glasgow là "chiến thắng mong manh". Ông cho rằng: "Chúng ta đã giữ cho (mục tiêu) 1,5oC tồn tại. Tuy nhiên, nhịp đập của nó rất yếu và nó sẽ chỉ tồn tại nếu chúng ta giữ lời hứa, nhanh chóng chuyển các cam kết thành hành động".
Các kết quả khác tại COP26
* Trung Quốc - Mỹ, hai quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới, ra tuyên bố chung về việc cắt giảm khí thải trong thập niên này, trong đó Bắc Kinh lần đầu tiên hứa xây dựng kế hoạch giảm khí methane - một loại khí gây hiệu ứng nhà kính.
* Phá rừng: lãnh đạo của hơn 100 nước cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030.
* Methane: hơn 100 nước nhất trí giảm 30% khí thải nguy hiểm này vào cuối thập niên.
* Ấn Độ, nước tiêu thụ than hàng đầu thế giới, gia nhập câu lạc bộ "zero carbon" với mục tiêu chấm dứt phát thải vào năm 2070.
TTO - Hiệp ước khí hậu Glasgow đạt được tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), bế mạc ngày 13-11 tại Glasgow, Scotland.
Xem thêm: mth.60785047051111202-naht-gnud-us-maig-nauht-aoht-tad-62poc/nv.ertiout