Sáng 30/10, Dư Văn Thanh, 38 tuổi, lấy một dao gấp giấu trong người khi đến TAND huyện Lục Ngạn làm việc với vai trò bị đơn trong vụ tranh chấp khoản nợ 200 triệu đồng. Người kiện là bố vợ, vợ Thanh được triệu tập tư cách người liên quan.
Sau hơn một giờ làm việc, các bên không thể hòa giải nên tòa án lập biên bản. Bố vợ và vợ Thanh ký, còn anh ta bỏ ra ngoài. Quay lại sau 5 phút, Thanh rút dao đâm vợ tử vong tại chỗ, bố vợ bị thương nặng. Thẩm phán vào can ngăn cũng bị gây thương tích.
Anh ta ra đầu thú ngay lập tức, khai kết hôn năm 2007, có 2 con và đến năm 2016, vợ đi xuất khẩu lao động. Vợ ban đầu gửi lương về cho chồng nhưng sau đó thấy "bị tiêu hết" đã chuyển sang gửi bố.
Thanh khai mỗi lần cần tiền phải sang gặp bố vợ, ký giấy nhận nợ nhiều lần, tổng cộng 150 triệu đồng. Người vợ khi về nước xảy ra mâu thuẫn với chồng nên ly thân, đang làm thủ tục ra tòa.
Lúc này, bố vợ kiện con rể ra tòa, yêu cầu trả 150 triệu đồng đã nhận kèm khoảng 50 triệu đồng tiền lãi. Thanh không đồng ý, cho rằng khoản tiền này đã dùng nuôi con. Anh ta khai mâu thuẫn tiền bạc, cuộc sống vợ chồng không như ý là nguyên nhân gây ra tội ác.
Việc đoạt mạng vợ trong khoảng thời gian chuẩn bị ly hôn cũng thường xuyên xảy ra gần đây. Nguyễn Khắc Vương, 40 tuổi, ở Hải Dương, sống cùng các con trong thời gian chuẩn bị ly hôn; còn vợ về nhà bố mẹ đẻ sinh sống.
Tối 9/11, Vương cho con dao vào cốp xe, phóng tới nhà bố vợ để nói chuyện nhưng mâu thuẫn không thể hóa giải. Anh ta cãi vã rồi rút dao đâm vợ nhiều nhát. Bố mẹ nạn nhân thấy vậy can ngăn cũng bị con rể chém liên hoàn.
Vương sau đó bỏ đi lang thang rồi đầu thú lúc 1h sáng hôm sau. 3 nạn nhân đều được đưa đi điều trị. Người vợ do vết thương nặng phải chuyển lên Bệnh viện Việt Đức cấp cứu ngay trong đêm, hai hôm sau mới qua cơn nguy kịch.
Tiến sĩ Lưu Hoài Bảo, Giảng viên Khoa Pháp luật Hình sự, Đại học Luật Hà Nội đánh giá, đàn ông với "gene chiến binh" rất dễ có hành vi bạo lực. Những mâu thuẫn sâu xa, chất chồng khiến họ có tâm lý tiêu cực, giống như "thùng xăng, chỉ cần tia lửa nhỏ cũng thành đám cháy không kiểm soát".
"Tia lửa" có thể là vấn đề kinh tế; công việc không thuận lợi; lỗi của người vợ như ngoại tình, lời nói không chuẩn mực cùng xúc tác bên ngoài như bạn bè khích bác, sử dụng rượu bia...
Việc ly hôn cũng dễ khiến cả đàn ông, phụ nữ lâm vào khủng hoảng bởi đa số thường có xu hướng muốn xây dựng gia đình yên ấm, làm gốc cho cuộc sống. Khi cái gốc ấy mất đi, họ "dễ thấy mình là kẻ thất bại".
Trong trường hợp của Thanh, tiến sĩ Bảo cho rằng người này có quá trình hình thành tâm lý tiêu cực từ nhiều yếu tố như đời sống vợ chồng không hạnh phúc, kinh tế kém cùng thái độ coi thường pháp luật. Các nút thắt không được gỡ mà "ngày càng rối nên hậu quả giết người là điều dễ hiểu".
Theo ông Bảo, Thanh hoặc bất kỳ ai không may gặp cảnh ly hôn cần "vượt qua tâm lý tiêu cực" bởi ngoài vợ, mỗi người còn phải có trách nhiệm với bố mẹ, con cái và chính bản thân mình. Dù vợ có lỗi nhưng nếu chồng sử dụng bạo lực sẽ giống như "đổ dầu vào lửa, làm trầm trọng hơn tình trạng của mình".
Phía phụ nữ, cũng cần biết mình ở hoàn cảnh nào để tự đảm bảo an toàn. "Phải hiểu ly hôn là xong, không ở với nhau nữa nên không cần thiết tranh nhau hơn thua từng câu nói với chồng. Quyền lợi cứ để tòa giải quyết", ông Bảo nói.
Chị em có thể nhờ người thân của mình giúp tháo gỡ bớt mâu thuẫn với chồng nhằm tránh nguy hiểm. Lưu ý, người thân này phải có "thái độ tích cực, thông cảm được cho cả mình và chồng", ngược lại sẽ chỉ tăng thêm tranh chấp không đáng có.
Khi xảy ra những mẫu thuẫn, phụ nữ cần cẩn thận, nhất là trong trường hợp lấy người chồng có "tiềm năng gây án" như rượu chè, ma túy, côn đồ... Nếu bị đe dọa hoặc đánh đập, họ phải báo công an hoặc chính quyền để được bảo đảm an toàn.
Song Minh
Xem thêm: lmth.8335834-noh-yl-pas-gnohc-ov-ihk-hnit-nac-mad-tahn-gnuhn/ten.sserpxenv