Cô Nguyễn Thị Ái Vân và học trò - Ảnh: NVCC
Bên cạnh dạy kiến thức môn học, tôi dạy học sinh phải biết và dám hành động, khi hành động thì cần tỉ mỉ, chu đáo, hoàn thành từng việc nhỏ bằng một tình yêu lớn, hiểu rõ nhiệm vụ của mình và tập trung làm tốt nhất những nhiệm vụ được giao.
Cô Nguyễn Thị Ái Vân
Đó là khẳng định của ThS Nguyễn Thị Ái Vân - tổ trưởng tổ ngữ văn, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM - về vai trò của người thầy trong thời đại mới.
* Theo cô, giáo viên gặp những thuận lợi, khó khăn gì khi dạy kiến thức, kỹ năng, bồi dưỡng tâm hồn cho học sinh?
- Trong nhà trường, bộ môn nào cũng quan trọng để giúp học sinh hoàn thiện kiến thức phổ thông và hình thành những phẩm chất tốt đẹp. Đặc trưng của môn ngữ văn rất dễ tác động tới được suy nghĩ bên trong, con người nội tâm của học sinh. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, của không gian mở, giáo viên hiện nay thuận lợi hơn rất nhiều trong việc tiếp cận tài liệu, sách vở, thiết bị, đồ dùng dạy học...
Tương tự, học sinh cũng có nhiều cách, nhiều con đường để tìm kiếm và lĩnh hội kiến thức. Đây vừa là thuận lợi, vừa là khó khăn cho giáo viên trong dạy kiến thức, kỹ năng, bồi dưỡng tâm hồn cho học sinh. Khi học sinh có nhiều nguồn thông tin để tìm hiểu, tiếp cận, vai trò của người thầy không thể chỉ là người truyền kiến thức mà phải trở thành người dẫn dắt, định hướng, truyền động lực, cảm hứng cho học sinh.
Muốn vậy, người giáo viên phải dành trọn trái tim mình cho nghề, tâm huyết và mong muốn mình trở thành nhà giáo có tầm ảnh hưởng lâu dài lên cuộc đời mỗi học sinh, chứ không chỉ đơn thuần là người đưa đò một đoạn đường.
* Nhà giáo hiện nay gặp áp lực về việc phải đổi mới quá nhiều hay không?
- Do yêu cầu của thời đại, người giáo viên phải nhanh chóng cập nhật về công nghệ dạy học, đổi mới, sáng tạo để bắt kịp sự thay đổi về nhiều phương diện từ phương pháp, chương trình đến sách giáo khoa... Sự thay đổi sẽ có áp lực, vất vả, tốn nhiều thời gian, công sức.
Nhưng nhìn ở khía cạnh tích cực, áp lực đó chính là động lực để nhà giáo thay đổi, thích nghi, trau dồi chính mình, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ dạy học trong thời đại 4.0. Tuy nhiên, thay đổi quá nhiều, quá nhanh gây ra sự căng thẳng, mệt mỏi không đáng có. Thay đổi phải là cái sau tốt hơn cái trước. Thay đổi quá nhiều, liên tục khi chưa kịp thích nghi, phát triển thì không tốt. Thay đổi nhưng vẫn phải giữ được phần cốt lõi tốt đẹp.
* Cô nhìn nhận thế nào về vai trò của giáo viên phổ thông trong việc xây dựng nguồn nhân lực?
- Vai trò của giáo viên phổ thông là đặt nền móng chung cho việc đảm bảo những điều cơ bản về kiến thức, kỹ năng, tâm hồn, tính cách... của học sinh để sau khi tốt nghiệp THPT các em được đào tạo nghề, học các lĩnh vực chuyên sâu có chuyên môn khác nhau rồi tham gia thị trường lao động.
Giáo viên phổ thông chính là những người xây nền móng vững chắc cho chất lượng nguồn nhân lực của xã hội. Vì chính họ, thông qua những môn học cụ thể từ tiểu học, THCS, THPT đã tham gia sâu vào quá trình định hướng học sinh sẽ trở thành con người như thế nào trong tương lai, giúp học sinh hình thành nhân cách, nuôi dưỡng trí tuệ, lòng dũng cảm và hiểu rõ những điều cần phụng sự...
* Những mong muốn mà cô muốn nhắn gửi đến phụ huynh, học sinh?
- Mong muốn lớn nhất của người giáo viên là tạo ra được những thế hệ học sinh đủ tài, đủ đức, đủ sức, đủ chí... để gánh vác trách nhiệm xã hội, xây dựng non sông. Nhưng điều này không chỉ phụ thuộc vào giáo viên chúng tôi mà là sự cộng hưởng giáo dục, đầu tư tâm sức của gia đình, xã hội và chính các em học sinh nữa.
Vì thế, tôi mong muốn học sinh phải rèn khả năng tự học, biết vận dụng linh hoạt kiến thức vào cuộc sống. Tuổi trẻ khát khao phát triển tiềm năng cá nhân, khẳng định suy nghĩ, cảm xúc, trải nghiệm của riêng mình là chính đáng nhưng các em cũng cần xác định được cho mình lẽ sống hướng thiện, tốt đẹp, có ích, phù hợp thực tiễn xã hội...
Tôi cũng mong phụ huynh đừng đặt nặng điểm số và danh hiệu cho con em mình mà hãy cùng chia sẻ quan điểm dạy con với giáo viên, nhà trường để bồi dưỡng nên những con người đáp ứng yêu cầu xã hội hiện đại, đồng thời phát huy tốt năng lực, khả năng của con cái mình.
TTO - Có một người thầy, nhiều năm nay luôn rong ruổi khắp các bản làng ở vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam), tìm hiểu cuộc sống người dân để làm nhịp cầu kết nối yêu thương, kêu gọi kinh phí xây trường lớp, dựng nhà cho dân nghèo.
Xem thêm: mth.58962657051111202-yaht-iougn-ort-iav-pac-gnan/nv.ertiout