Homebase, công ty khởi nghiệp proptech có trụ sở tại TP HCM chuyên hỗ trợ người mua nhà vừa công bố huy động được 30 triệu USD, bao gồm vốn chủ sở hữu và nợ, tỷ lệ không được tiết lộ.
Công ty có mô hình kinh doanh tương tự như Divvy Homes và ZeroDown ở Mỹ. Trên thực tế, đồng sáng lập Divvy Homes và cựu CEO Brian Ma, giám đốc vận hành Zerodown, Troy Steckenrider III là những nhà đầu tư vào Homebase.
Những nhà đầu tư tham gia vào vòng này còn có Y Combinator, Partech Partners, Goodwater Capital, Ace & Company, Emies Advisors và Found Basic. Ngoài ra còn có các nhà đầu tư khác bao gồm Giám đốc điều hành Y Combinator, Michael Seibel, các nhà quản lý và giám đốc tại các công ty như SoFi, Opendoor, Republic, Microsoft, Instacart, Abu Dhabi Investment Authority, Binance…
Các nhà đầu tư hiện tại của Homebase gồm có Brian Ma, Steckenrider, VinaCapital Ventures và Darius Cheung, người sáng lập và CEO của 99.co, một trong những cổng thông tin bất động sản lớn nhất Singapore và Indonesia.
Homebase đóng vai trò là nhà đồng đầu tư, mua bất động sản với những khách hàng đặt cọc trước 20%. Sau đó, khách hàng trả một số tiền cố định cho Homebase mỗi tháng, hoặc có thể quyết định mua lại toàn bộ lượng cổ phần của công ty nắm giữ. Hoặc khách hàng cũng có thể lựa chọn từ bỏ thỏa thuận và rút tiền về.
Khách hàng có toàn quyền sử dụng nhà nên có thể ở, hoặc cho thuê. Các hợp đồng có thời hạn từ 1 – 10 năm. Philip An – Đồng sáng lập của Homebase cho biết, những người mua nhà thường chọn hợp đồng có thời hạn 10 năm. Trong khi đó, các nhà đầu tư thường chọn thời hạn khoảng 3 năm.
Homebase sẽ sử dụng nguồn vốn mới để tiếp tục phát triển công nghệ của mình, thiết lập mối quan hệ đối tác với các nhà phát triển bất động sản và tuyển dụng nhân sự. Công ty cho biết họ đã tăng gấp đôi số lượng nhân sự của mình trong năm qua.
Về công nghệ, đồng sáng lập và COO của Homebase nói với TechCrunch: "Chúng tôi đang tìm cách cải thiện trải nghiệm khách hàng và lấy khách hàng làm trung tâm. Hiện nay ở Việt Nam, việc mua bất động sản thực sự là một vấn đề. Giống như có 100 bước vậy. Chúng tôi đang nghĩ cách tạo ra trải nghiệm mua nhà hoặc đầu tư one – stop – shop, nơi bạn có thể thực hiện mọi thứ bằng trải nghiệm số".
An cho biết là công ty cũng đang suy nghĩ về việc phát triển các công cụ định giá tài sản để giúp chủ nhà và các nhà đầu tư đánh giá giá trị tài sản của họ.
Ông An cho biết cơ sở khách hàng của Homebase được phân chia theo tỷ lệ 50/50 giữa những người muốn mua nhà và các nhà đầu tư, bao gồm cả người mua nước ngoài không thể đến Việt Nam vì đại dịch và dựa vào Homebase để thực hiện các giao dịch.
"Về mặt văn hoá, khái niệm sở hữu nhà là khá quan trọng. Về khía cạnh kinh tế, bất động sản là một trong những loại hình đầu tư phổ biến nhất".
"Dù mọi người đầu tư nhiều hơn vào tiền điện tử và cổ phiếu, đặc biệt trong thời gian diễn ra COVID-19, nhưng tôi muốn nói rằng, bất động sản vẫn chiếm một phần thực sự lớn trong những gì mọi người đang đổ tiền vào. Nếu bạn nhìn vào lịch sử giao dịch của thị trường bất động sản Việt Nam, nó thật sự tốt".
Homebase trích nghiên cứu từ công ty tư vấn bất động sản CBRE cho thấy mức tăng giá bất động sản đất nền trung bình từ 3% - 17% so với cùng kỳ năm ngoái, ngay cả khi COVID-19 khiến hoạt động kinh tế của Việt Nam gặp nhiều trở ngại trong quý 3. Đây là một tin tốt cho những người sở hữu bất động sản, nhưng cũng đồng nghĩa với việc người mua gặp khó khi những khoản chế chấp mua nhà ngày càng tăng.
Homebase làm việc với các đại lý và nhà phát triển như một dịch vụ giá trị gia tăng giúp họ chốt được nhiều giao dịch hơn.
"Đối với nhiều đại lý, một trong những trở ngại lớn nhất đối với họ là khách hàng không thể đủ điều kiện thế chấp ngay vì những rào cản. Sau COVID-19, tôi có thể nói rằng các ngân hàng thậm chí còn khắt khe hơn về các tiêu chí. Đôi khi họ yêu cầu trả trước tới 40 – 50%".
An cho biết việc Homebase mua bất động sản thay cho khách hàng làm cho quy trình hiệu quả hơn, do đó, các đại lý đôi khi cung cấp chiết khấu cho người mua nếu sử dụng dịch vụ của công ty khởi nghiệp.
Homebase cho biết tiếp tục tập trung vào thị trường Việt Nam trong vài tháng tới bằng cách mở rộng ra nhiều thành phố (công ty hiện tại chỉ hoạt động tại TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng). Startup cũng đang khám khá các thị trường Đông Nam Á khác như Thái Lan, Philippines.
Hứa Vân
Nhịp sống kinh tế
Xem thêm: nhc.6702230151111202-dsu-ueirt-03-nov-gnod-yuh-auv-esabemoh-nas-gnod-tab-putrats/nv.zibefac