Honda hồi đầu tháng dự báo lợi nhuận ròng giảm 16% về 555 tỷ yen (4,86 tỷ USD) trong năm tài chính tính đến hết tháng 3/2022, trái ngược hoàn toàn so với nhận định tăng trước đó. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh tình trạng thiếu chip toàn cầu khiến sản xuất ôtô sụt giảm.
Tuy nhiên, xe máy lại tìm được sức sống mới, đặc biệt tại các thị trường đang phát triển. Mảng xe máy ghi nhận 148,1 tỷ yen lợi nhuận hoạt động nửa đầu tài khóa này, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Xe máy phân khối nhỏ nhìn chung không sử dụng linh kiện bán dẫn, nên gần như miễn nhiễm với tình trạng thiếu chip. Doanh số bán xe năm tài chính này cũng được dự báo tăng 16% lên 17,5 triệu chiếc.
Honda từ lâu đã là cái tên dẫn đầu trong mảng xe máy. Năm ngoái, hãng đóng góp 34% doanh số toàn cầu. Xe máy chiếm 15% doanh thu nửa đầu năm, thấp hơn nhiều so với 63% của xe hơi. Tuy nhiên, xét về lợi nhuận hoạt động, xe máy đóng góp tới 34% - nhiều hơn xe hơi (27%).
Việc này kéo dài từ năm 2018. Xe máy hiện là mảng kinh doanh lời lãi thứ nhì của Honda, sau dịch vụ tài chính.
Khi so sánh với các đối thủ, khả năng kiếm tiền của Honda càng rõ rệt. Hãng ghi nhận biên lợi nhuận hợp nhất trong tài khóa 2020 là 12,6%. Trong khi đó, Yamaha Motor chỉ là 2%, Suzuki Motor là 1,2% và Kawasaki Heavy Industries là 3,5%. Đối thủ gần nhất của hãng - Hero MotoCorp (Ấn Độ) cũng chỉ đạt 9,9%
Nếu tính theo lợi nhuận trên mỗi sản phẩm, Honda cũng bỏ xa với 21.880 yen. Suzuki là 1.680 yen và Hero là 7.410 yen.
Honda có thế mạnh với các dòng xe tay ga và loại xe biểu tượng Super Cub. Các mẫu xe động cơ nhỏ đóng góp 90% trên tổng số 15,13 triệu chiếc được bán trên toàn cầu tài khóa trước. Các thị trường cạnh tranh nhất của Honda là Đông Nam Á và Ấn Độ.
Sản phẩm làm cho những thị trường mới nổi đều được phát triển tại Nhật Bản. Sau đó, chúng sẽ được đưa đến các nước để điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu địa phương. Ví dụ, tại Thái Lan năm 2018, Honda mở các đại lý bán xe tích hợp quán café để thu hút người trẻ.
"Nhu cầu xe máy ở mỗi nước lại khác nhau, tùy vào mức thu nhập, quãng đường đi làm và yêu cầu giải trí", Nobuhide Nagata – Giám đốc Chiến lược Xe máy tại Honda cho biết, "Vì Honda có thị phần dẫn đầu và nhiều đại lý, chúng tôi có thể dễ dàng thu thập ý kiến khách hàng".
Xe máy đạt biên lợi nhuận cao nhờ tinh giản phát triển và sản xuất. Từ năm 2012, Honda đã rất tích cực tạo ra các linh kiện dùng chung cho xe máy được bán tại Đông Nam Á. Hiện tại, khoảng 90% xe tay ga dùng cùng loại động cơ và 50% dùng chung bộ khung.
Năm 2019, hãng hợp nhất mảng phát triển xe máy tại các chi nhánh về trụ sở. Năm 2008, việc sản xuất tại Nhật Bản cũng được gom về nhà máy ở tỉnh Kumamoto. Hệ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) của hãng đạt 14,8% tài khóa 2020, cao hơn 1% so với một thập kỷ trước.
Dù vậy, nhiều người vẫn tỏ ra lo ngại cho mảng xe máy của Honda. Dù công ty chiếm thị phần toàn cầu lớn, các đối thủ Ấn Độ đang tung ra nhiều mẫu xe giá phải chăng, khoảng 80.000 rupee (1.075 USD). Các loại xe máy này được bán tại Ấn Độ và châu Phi. Thị phần của Hero cũng đã tăng 3% trong 10 năm qua, lên 13%. Bajaj Auto (Ấn Độ) cũng tăng từ 2% lên 8%.
Bên cạnh đó, Honda cho biết việc chuyển hướng khỏi nhiên liệu xăng cũng là một vấn đề. Hãng cam kết ngừng bán ôtô chạy xăng từ năm 2040, thay thế hoàn toàn bằng xe điện.
Tuy nhiên, tham vọng này không áp dụng với xe máy. Theo thông cáo báo chí, công ty này sẽ "nỗ lực đạt mức trung hòa carbon cho tất cả sản phẩm" năm 2050. Honda hiện chỉ có 4 mẫu xe máy chạy điện.
Trong khi đó, Yamaha sẽ sản xuất 90% là xe máy điện năm 2050. Kawasaki tháng trước tuyên bố điện khí hóa toàn bộ dòng sản phẩm cho đến năm 2035. Nhiều startup khác tại Mỹ và châu Á cũng đang phát triển xe máy điện. Đây sẽ là mối đe dọa với Honda.
"Xe máy phân khối nhỏ sẽ đối mặt với áp lực điện khí hóa ngày càng tăng", Seiji Sugiura tại Viện nghiên cứu Tokai Tokyo cho biết, "Việc Honda phân bổ đầu tư như thế nào cho xe máy trong khi phải vực dậy mảng ôtô sẽ là một thách thức".
Honda đang theo đuổi các chiến lược mới sau khi ông Toshihiro Mibe nhậm chức Giám đốc hồi tháng 4. Hai trong các chiến lược đó là điện khí hóa xe và tham gia mảng tên lửa. Cả hai đều cần vốn đầu tư khổng lồ. Xe điện thường mất khoảng 50 tỷ yen để phát triển – gấp đôi xe chạy xăng. Tên lửa nhỏ cũng cần hàng chục tỷ yen.
Hà Thu (theo Nikkei Asia)