Kinh tế là từ Hán Việt, rút gọn của "kinh bang tế thế", có nghĩa "trị nước giúp đời", chỉ công việc của vua, quan trọng cai trị đất nước: chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần của dân. Nhưng từ kinh tế này được dùng để chỉ kinh tế học kiểu thị trường của phương Tây.
Với nhiều người kinh tế là khái niệm mơ hồ và xa xôi. Tuy nhiên hiểu biết về kinh tế giúp bạn cải thiện cuộc sống, tiêu dùng tốt hơn, khôn ngoan hơn. Tại sao lại có lạm phát? Tại sao một số người lại quá giàu, số khác quá nghèo? Những câu hỏi kinh tế này liên quan đến xã hội, hành vi con người, đời sống của bạn.
Nhờ hiểu biết kinh tế mà bạn có khả năng kiếm tiền, làm giàu. Ví dụ giá xăng tăng, người dân sẽ chuyển sang dùng xe đạp điện, để tiết kiệm nhiên liệu. Những người nhanh nhạy với tình hình sẽ nhập xe đạp điện về bán. Hay khi Chính phủ ra quy định dùng mũ bảo hiểm, những người này sẽ mua và bán mũ bảo hiểm ngay từ lúc quy định đó chưa được ban hành.
CafeBiz xin giới thiệu chuỗi bài "Kinh tế học vui" để giúp bạn thấy kinh tế học không khô khan như bạn nghĩ.
Khi càng làm nhiều một việc gì đó, bạn càng làm tốt hơn
Đường cong học tập và đường cong kinh nghiệm thể hiện sự suy giảm trong chi phí trung bình và chi phí cận biên khi sản lượng tích lũy tăng. Đường cong học tập thể hiện cách chi phí biến đổi trung bình (đơn vị) thay đổi thông qua kinh nghiệm. Đường cong kinh nghiệm xét đến cả chi phí cố định và mô tả sự thay đổi trong tổng chi phí trung bình. Cả hai đều được trình bày trong mối liên hệ với sản lượng tích lũy.
Chúng là sự thể hiện bằng hình ảnh cụ thể cho câu hỏi, làm thế nào mà các công nhân dây chuyền, các giám sát và ban quản lý cấp cao có thể học tập để làm việc tốt hơn. Đường cong học tập phụ thuộc vào năng lực và sự cống hiến của tổ chức trong việc trở nên tiến bộ hơn với mỗi đợt ra sản phẩm mới.
Chúng là những công cụ thực tiễn thể hiện một nguyên lý xưa cũ nhưng rất quan trọng: Càng làm nhiều một việc gì đó, bạn càng làm việc đó tốt hơn.
Nhà điều hành có hai công việc chính – làm ra những thứ mới và tốt hơn (hàng hóa và dịch vụ được cải thiện) và làm ra những thứ công ty đã sản xuất với tốc độ cao hơn, giá rẻ hơn và chất lượng tốt hơn. Đường cong học tập là sự trợ giúp vô giá cho nhiệm vụ thứ hai. Trong vài ngành công nghiệp như sản xuất máy bay, đường cong học tập giống như một con đường cao tốc – chúng kết nối hai điểm theo một cách có thể dự đoán được và cực kỳ hữu dụng trong công tác dự báo và chiến lược. Trong những lĩnh vực khác, chúng kém ổn định hơn nhiều.
Đường cong học tập là thành phần quan trọng của một loại đường đua chiến lược khép kín tồn tại trong nhiều thị trường. Đường đua này hoạt động như sau:
- Khi sản lượng tăng, chi phí đơn vị giảm.
- Khi chi phí đơn vị giảm, các công ty có thể giảm giá mà không làm ảnh hưởng đến khả tăng tạo ra lợi nhuận hay dòng tiền.
- Khi giá giảm, nhu cầu của người tiêu dùng tăng và thị phần tăng.
- Khi thị phần tăng, lợi nhuận sinh ra được đầu tư vào marketing và công nghệ để tiếp tục giảm chi phí.
- Và khi chi phí đơn vị giảm… và cứ thế…
Một phần quan trọng trong vòng tròn khép kín này là phần đầu tiên, giảm chi phí đơn vị khi sản lượng tích lũy tăng. Đây chính là hiệu ứng đường cong học tập. Nó giải thích cho mẫu hình cạnh tranh trong những ngành công nghiệp đa dạng như đầu máy video, xe máy, máy bay, tên lửa và ô tô.
Càng đơn giản càng dễ thành công
Ngành công nghiệp đầu máy video (VCR) là một ví dụ điển hình khác minh hoạt cho một thị trường được dẫn dắt bởi đường cong học tập. Mặc dù công nghệ cơ bản của đầu máy video do một công ty Mỹ, Ampex, đi tiên phong trong những năm 1950 và tiếp tục giữ vị trí là tiêu chuẩn của ngành trong những năm 1980, nhưng không công ty Mỹ nào có khả năng sản xuất và thương mại hóa đầu máy video cho thị trường hàng tiêu dùng.
Ngược lại, JVC (Victor Corp. of Japan – tập đoàn Victor tại Nhật Bản, trớ trêu thay, ban đầu là một chi nhánh của tập đoàn Victor tại Mỹ), chi nhánh của Matsushita, hãng điện tử tiêu dùng lớn nhất Nhật Bản, đã thành lập một đội đặc nhiệm nhằm thiết kế một hệ thống video tại gia (video home system – VHS). Nhà điều hành dự án này, người có trong tay một đội gồm toàn chuyên gia trong các lĩnh vực marketing, sản xuất và thiết kế, được yêu cầu không đặt ra câu hỏi cái gì khả thi về mặt công nghệ – đây thường là mục tiêu chính của các kỹ sư thiết kế– mà thay vào đó phải "xác định những điều người tiêu dùng muốn ở một đầu máy video tại nhà, rồi sau đó phát triển công nghệ để đáp ứng những yêu cầu đó."
Trọng tâm được đặt vào "khả năng có thể sản xuất" – khả năng sản xuất đầu máy video với sự giảm chi phí ổn định và đáng kể, được dẫn dắt bởi đường cong học tập, thay vì tạo ra sự xuất sắc về công nghệ (mà có thể khó hoặc không thể sản xuất hàng loạt). Kết quả là công nghệ VHS cuối cùng đã ra đời, vượt qua cái mà một số chuyên gia gọi là một công nghệ vượt trội, hệ thống.
Betamax của Sony và được JVC cấp phép cho 7 công ty khác của Nhật Bản vào năm 1977. Nó đã đạt được một sự tổng hòa trong thiết kế "ăn khớp với nhu cầu của thị trường đại trà" –một điều kiện cần để tạo ra chính thị trường đại trà đó.
Đến năm 1978, nhu cầu VCR trên toàn thế giới đã vượt quá con số 1 triệu đơn vị. Trong những năm từ 1978 đến 1981, cứ mỗi năm, nhu cầu này lại tăng lên gấp đôi. Tại thời kỳ đỉnh cao của nó vào năm 1986, 35 triệu đầu máy video đã được sản xuất với 88% là của các công ty Nhật Bản. Giá đơn vị giảm nhanh chóng và các công ty chiếm thị phần lớn nhất vẫn có thể tăng thêm thị phần bằng cách giảm giá mạnh. Đây là một cuộc đua thị phần kinh điển được dẫn dắt bởi những khoản cắt giảm chi phí theo đường cong học tập và sản xuất hàng loạt.
Tại sao một sản phẩm vượt trội về mặt công nghệ – Betamax – lại thua một sản phẩm ít phức tạp hơn – VHS – trong cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành lấy trái tim và túi tiền của người tiêu dùng? Điều này lúc nào cũng xảy ra.
Chìa khóa chính là khả năng sản xuất số lượng lớn một sản phẩm với chất lượng chấp nhận được ở mức giá thấp thông qua những khoản cắt giảm chi phí được dẫn dắt bởi đường cong học tập. Đây là một tóm tắt ngắn gọn và chính xác những gì xảy ra trong nhiều ngành công nghiệp, kể cả ô tô và xe máy.
Đường cong học tập không chỉ là một phương pháp tốt để quản lý và dự đoán cơ cấu chi phí của một công ty mà còn rất hữu dụng trong việc ước lượng chi phí đơn vị của đối thủ cạnh tranh.
Thảo Nguyên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị