Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong giai đoạn cuối năm, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.
Các số liệu mới công bố cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc đã ghi nhận các tín hiệu phục hồi tích cực trong tháng 10. Doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, và nhanh hơn dự đoán của gới chuyên gia, qua đó xoa dịu những lo ngại về sự giảm tốc.
Ông Fu Linghui, người phát ngôn Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, cho biết: "Nhìn chung, nền kinh tế Trung Quốc trong tháng 10 khá ổn định và tiếp tục phục hồi một cách bền vững. Tuy nhiên, môi trường quốc tế vẫn diễn biến phức tạp, gay gắt với nhiều yếu tố gây bất ổn. Trong nước, các vấn đề cơ cấu, chu kỳ vẫn còn tồn tại và sẽ cần phải nỗ lực hơn nữa để duy trì sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế ổn định".
Việc thị trường bất động sản - vốn đóng góp tới 25% GDP của Trung Quốc vẫn đang trong tình trạng ảm đạm đã khiến hoạt động đầu tư trong tháng 10 chậm lại đáng kể. Bên cạnh đó, lạm phát gia tăng cũng đang gây sức ép lên nền kinh tế Trung Quốc.
Ông Fu Linghui cho biết thêm: "Việc giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài tăng, nguồn cung năng lượng và nguyên liệu trong nước bị thắt chặt đã buộc các nhà sản xuất công nghiệp phải tăng giá sản phẩm. Tất cả những điều này dường như cho thấy dấu hiệu của tình trạng lạm phát đình trệ trong ngắn hạn".
Các chuyên gia cảnh báo, nếu dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo theo các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, chuỗi cung ứng và hoạt động tiêu dùng tại Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn hơn trong thời gian tới.
Công nhân làm việc trong một nhà máy ở Bắc Kinh. Ảnh: Shutterstock
Bà Iris Pang, chuyên gia kinh tế trưởng công ty dịch vụ tài chính ING nói: "Số ca lây nhiễm COVID-19 tăng cao sẽ ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế Trung Quốc. Việc các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt được áp dụng sẽ khiến mọi người hạn chế đi lại hơn. Điều này có thể kéo dài tới tận kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng 2 năm sau".
Khảo sát của Bloomberg cho thấy, dịch bệnh và các biện pháp thắt chặt kiểm soát thị trường bất động sản sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục chậm lại, chỉ đạt 3,5% trong quý IV năm nay. Điều này có thể khiến giới chức Trung Quốc cân nhắc thúc đẩy chi tiêu tài khóa trong giai đoạn cuối năm để ổn định xu hướng suy yếu trong đầu tư và hỗ trợ nền kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.73350633251111202-01-gnaht-gnort-cuc-hcit-ioh-cuhp-couq-gnurt-et-hnik/et-hnik/nv.vtv