Tại buổi họp báo giới thiệu Cotton Day Vietnam 2021 - Diễn đàn đặc biệt về bông bền vững do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) tổ chức chiều 15-11, bà Trang Lê, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thiết kế thời trang Đông Nam Á, kể câu chuyện thú vị về việc bà tình cờ phát hiện và kết nối được một nguồn cung sản phẩm lụa với doanh nghiệp (DN) dệt may. "Năm 2020, trên đường đến dự mội hội thảo ở Nhà máy Dệt Bảo Minh thuộc Công ty CP Dệt Bảo Minh (tỉnh Nam Định) cùng lãnh đạo VITAS, chúng tôi vô tình biết đến làng lụa Nha Xá (tỉnh Hà Nam) đã tồn tại 700 năm. Sau này, tôi còn biết rằng làng lụa này hiện cung cấp 70% sản phẩm cho thương hiệu lụa Vạn Phúc. Khi đến thăm Nhà máy Dệt Bảo Minh, chúng tôi càng ngạc nhiên khi nhà máy được đầu tư đến 2.000 tỉ đồng, có thể coi là hiện đại nhất Đông Nam Á. Tuy vậy, rất lạ là cả Nhà máy Dệt Bảo Minh lẫn làng lụa Nha Xá đều không được giới thời trang biết đến. Từ lần đó, chúng tôi đã hỗ trợ và kết nối để nhà máy và làng lụa nói trên kết hợp rồi cho ra đời một sản phẩm lụa pha với cotton rất đẹp và chất lượng cao" - bà Trang Lê kể.
Sản xuất hàng dệt may tại Tổng Công ty CP May Việt Tiến .Ảnh: TẤN THẠNH
Từ câu chuyện trên, "bà trùm" thời trang Trang Lê đặt vấn đề tại sao trong khi lụa chất lượng tốt trong nước có không bán được còn nhà thiết kế phải tìm mua lụa ở nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc? "Chúng tôi đã tổ chức hội thảo với các nhà thiết kế và các nhà sản xuất vải nguyên liệu và ghi nhận ý kiến từ 2 phía. Các nhà thiết kế của Việt Nam nói giá lụa trong nước cao, còn nhà sản xuất vải nói số lượng đơn đặt hàng quá ít khiến họ không thể sản xuất với giá thành thấp. Thực tế, mỗi đơn hàng của nhà sản xuất Trung Quốc lên đến hàng triệu mét, còn đơn hàng của nhà sản xuất Việt Nam chỉ vài ngàn mét" - bà Trang chỉ ra và nhấn mạnh đây là thời điểm mà các bên cần bắt tay nhau để cùng nhau phát triển, bắt đầu từ sản xuất, cung ứng nguyên liệu.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS, chỉ rõ đại dịch đã làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Những đơn hàng veston, sơ-mi nam - nữ, đầm đều ghi nhận sự sụt giảm; còn nhu cầu về sản phẩm thời trang trong nhà, thể thao và các sản phẩm dệt kim... lại tăng cao. Sự thay đổi này đặt ra bài toán cho các nhà sản xuất, nhà thiết kế làm sao để bắt kịp xu hướng của người tiêu dùng và đòi hỏi của thị trường toàn cầu. Bên cạnh đó, việc lựa chọn nguyên liệu đầu vào cũng là yếu tố quan trọng khi hiện nay bông là lựa chọn số 1 cho ngành công nghiệp kéo sợi Việt Nam.
Tự tin đặt mục tiêu ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu 43,5 tỉ USD trong năm 2022 dựa trên cơ sở đánh giá xu hướng tiêu dùng toàn cầu, lãnh đạo VITAS cho rằng giải pháp chiến lược cho DN trong thời gian tới là liên kết chuỗi tạo sự bền vững, phát triển ổn định; nắm được sự thay đổi của thị hiếu, xu thế của các nhãn hàng mục tiêu và phát huy lợi thế của một đất nước sản xuất dệt may có trách nhiệm với nhãn hàng; bảo đảm chất lượng, thời gian giao hàng... Đặc biệt, tuân thủ đòi hỏi, đánh giá của nhãn hàng về trách nhiệm xã hội, về phát triển bền vững, tác động môi trường... "Ngành dệt may Việt Nam đang tập trung đầu tư vào lĩnh vực phần cung thiếu hụt để tận dụng được lợi ích, tạo ra được lợi thế từ nguyên liệu Việt Nam, từ vải Việt Nam" - ông Giang nói.
Xem thêm: mth.70263901251111202-gnuv-urt-ed-gnouh-neyuhc-yam-ted-hnagn/et-hnik/nv.moc.dln