Câu chuyện "nguy cơ thiếu điện" một lần nữa được "hâm nóng" khi hàng loạt các quốc gia ở Châu Á phải "vật lộn" với cuộc khủng hoảng năng lượng. Để "tránh vết xe đổ", ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) - cho rằng, cần thực hiện chuyển dịch năng lượng, thông qua việc thực hiện triệt để các định hướng lớn.
Có đủ than cho phát điện
Ông Hoàng Tiến Dũng cho rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới xuất phát từ 5 yếu tố chính. Đó là nhu cầu năng lượng thế giới phục hồi mạnh thời kỳ hậu dịch COVID-19, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Sự phụ thuộc ngày càng tăng của châu Âu vào nguồn năng lượng khí tự nhiên; đồng thời tác động cung cầu năng lượng khiến giá khí đốt và giá than tăng kỷ lục, khiến giá điện tăng mạnh; các quốc gia Bắc bán cầu đang bước vào mùa đông với những biểu hiện thời tiết cực đoan.
Cuối cùng là tiến trình chuyển dịch năng lượng ở khí tự nhiên là các bước đệm giữa chuyển đổi than sang nguồn năng lượng phát thải thấp cũng gây sức ép lên cung cầu năng lượng.
Theo ông Dũng, Việt Nam đang là nước nhập khẩu ròng năng lượng, với mức nhập khẩu đáng kể dầu, than hiện nay; và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong tương lai gần.
Tác động lớn nhất từ cuộc khủng hoảng năng lượng lần này đối với ngành năng lượng Việt Nam có thể nhận thấy, đó là giá các loại năng lượng nhập khẩu sẽ tăng theo giá năng lượng thế giới. Các loại năng lượng sản xuất trong nước - nhưng được định giá theo giá năng lượng thế giới cũng sẽ có mức tăng với các mức độ khác nhau.
"Năng lượng là yếu tố đầu vào quan trọng trong quá trình sản xuất điện và mọi hoạt động của nền kinh tế. Do đó, sẽ khiến chi phí sản xuất điện và chi phí sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đáng kể. Yếu tố này sẽ có tác động đến quá trình hồi phục kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới" - ông Hoàng Tiến Dũng nhận định.
Ông Hoàng Tiến Dũng nhận định rằng, hiện Việt Nam vẫn đảm bảo được nguồn cung trong ngắn hạn và chưa đối mặt với những vấn đề phức tạp nhờ các hợp đồng nhập khẩu nguyên nhiên liệu dài hạn.
Tuy vậy, việc đảm bảo nhiên liệu cho các nhà máy điện than và khí trong nước trong thời gian tới cần sự điều hành thống nhất để đảm bảo cung ứng nguồn nhiên liệu than, khí giữa các tập đoàn năng lượng trong nước.
Bên cạnh đó, việc thúc đẩy phát triển các hạ tầng cơ sở nhập khẩu năng lượng trong thời gian tới cũng cần được đảm bảo tiến độ để duy trì khả năng nhập khẩu năng lượng sơ cấp cho các nhà máy điện.
Và phát huy công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo, tăng cường tích nước thủy điện sẽ góp phần giảm nhẹ sức ép lên nhiệm vụ đảm bảo nhiên liệu cho các nhà máy điện, ông Dũng cho hay.
Không để rơi vào tình trạng khủng hoảng năng lượng
Trả lời câu hỏi cần hành động gì để "tránh vết xe đổ" khủng hoảng năng lượng trên thế giới, ông Dũng cho rằng, chúng ta cần tiếp tục thực hiện chuyển dịch năng lượng, thông qua việc thực hiện triệt để các định hướng lớn của Đảng và Nhà nước đối với việc phát triển hài hòa giữa năng lượng mới và năng lượng truyền thống.
Đầu tiên, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng để giảm nhu cầu năng lượng. Việc phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo cần tiếp tục thực hiện với một lộ trình khả thi phù hợp với chi phí đầu tư công nghệ năng lượng tái tạo và giá bán điện.
Ngoài ra, nhiệm vụ phát triển cơ sở hạ tầng nhập khẩu điện và các dạng năng lượng sơ cấp cũng cần được thúc đẩy. Các yếu tố này cần thực hiện đồng bộ để đảm bảo quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam diễn ra hiệu quả và ngăn ngừa được các tác động tiêu cực.
Theo lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, việc phát triển triệt để các nguồn điện năng lượng tái tạo là một xu thế tất yếu, nhưng cũng cần cân nhắc đến các vấn đề về đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện, đa dạng hóa các loại hình nguồn điện và đảm bảo giá điện ở mức chấp nhận được, có khả năng chi trả.
Điều này đảm bảo lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước trong hoạt động sản xuất và kinh doanh. Phương án phát triển và huy động các nguồn điện này cần được thực hiện với các giải pháp đồng bộ.
Xem thêm: odl.052479-gnor-nal-gnoul-gnan-gnaoh-gnuhk-ihk-neid-tahp-ohc-naht-ud/et-hnik/nv.gnodoal