Người dân đạp xe trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TP.HCM) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Vụ việc này cho thấy người dân cần thay đổi suy nghĩ Luật giao thông chỉ áp dụng cho người đi xe máy, ôtô.
Ít phạt đi bộ, khó xử lý xe đạp
Theo quy định của Luật giao thông đường bộ, người tham gia giao thông bao gồm: người điều khiển, người sử dụng phương tiện giao thông, người dẫn dắt súc vật tham gia giao thông đường bộ và người đi bộ trên đường. Thế nhưng, không ít người đi xe đạp, đi bộ lại tỏ ra khá "vô tư" khi đi đường.
Tuyến đường Phạm Văn Đồng được ví là con đường nội đô đẹp nhất TP.HCM. Vào sáng sớm, người dân không lạ gì cảnh nhiều người đi xe đạp "vô tư" đi vào làn ôtô, vượt đèn đỏ, chạy thành đoàn trong làn ôtô bất chấp nguy hiểm...
Nhiều người đi xe đạp vào đường cấm khi thấy CSGT liền dừng lại khiêng xe từ làn ôtô băng qua dải phân cách để vào làn bên trong. Thậm chí có người còn vác xe bỏ chạy hoặc chạy ngược chiều gây mất trật tự an toàn giao thông.
Bên cạnh ý thức chấp hành Luật giao thông kém, có một phần nguyên nhân do mức phạt vi phạm còn thấp và dễ đối phó khi bị CSGT phát hiện.
"Xe máy chạy vào đường cấm khi thấy chốt thì không thể trốn đi đâu được. Riêng xe đạp thì trọng lượng quá nhẹ, một tay là nhấc bổng qua làn xe đúng quy định để đối phó, khiến công tác xử lý gặp khó khăn" - một cán bộ CSGT lý giải.
Theo quy định tại nghị định 100, lỗi phổ biến của người đi xe đạp là vượt đèn đỏ có mức phạt 100.000 - 200.000 đồng; đi ngược chiều, đi vào đường cấm mức phạt 200.000 - 300.000 đồng. Với các lỗi và mức phạt này, CSGT thường phạt hành chính không lập biên bản nên người đi xe đạp vi phạm được đóng phạt và nhận biên lai tại chỗ.
Theo đội tuần tra dẫn đoàn thuộc Phòng CSGT Công an TP.HCM - đơn vị tuần tra kiểm soát tuyến Phạm Văn Đồng, từ ngày 15-12-2020 đến 7-11-2021 có tổng cộng 486 trường hợp đi xe đạp vi phạm, trong đó 26 trường hợp đi vào đường cấm, 451 trường hợp vượt đèn đỏ...
Ngay cả trong thời gian giãn cách xã hội để phòng dịch COVID-19 theo chỉ thị 16 cũng có 5 trường hợp vi phạm.
Trong khi đó, đối với người đi bộ dễ thấy nhất là tình trạng đi không đúng phần đường quy định, leo qua dải phân cách, đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn... Nhiều tuyến đường như Phạm Văn Đồng, Nơ Trang Long, quốc lộ 1... có cầu vượt dành cho người đi bộ nhưng nhiều người vẫn tùy tiện leo qua dải phân cách, đi băng ngang dưới lòng đường.
Thậm chí tuyến quốc lộ 1 vẫn có tình trạng người bán nước giải khát len lỏi giữa các làn xe tải để bán nước uống cho tài xế. Theo nghị định 100, mức phạt cho người đi bộ vi phạm tối đa là 200.000 đồng. Thông thường người đi bộ phạm lỗi ít bị xử lý và cũng ít được ghi nhận trong số liệu xử lý vi phạm của lực lượng chức năng, trừ khi phạm lỗi dẫn đến tai nạn nghiêm trọng được thụ lý.
Tăng xử phạt, tuyên truyền tạo thói quen chấp hành
Quy định xử phạt người đi xe đạp, đi bộ phạm lỗi đã có từ hàng chục năm trước, từ nghị định 146 năm 2007, nghị định 34 năm 2010... và hiện hành là nghị định 100. Luật sư Nguyễn Huy Việt (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định dù mức phạt hành chính cho hai đối tượng vi phạm này là thấp nhưng phù hợp với mức độ nguy hiểm của hành vi và điều kiện chung của xã hội.
Tuy nhiên, theo ông Việt, pháp luật không hề xem nhẹ vi phạm từ hai đối tượng này.
Bằng chứng là Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017, có hiệu lực từ 1-1-2018) đã mở rộng chủ thể chịu trách nhiệm hình sự về tội "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" (điều 260) đối với cả người đi bộ, nếu vi phạm gây hậu quả thì có thể bị phạt mức cao nhất đến 15 năm tù.
"Cơ quan chức năng cần tuyên truyền sâu rộng thêm để người đi bộ, đi xe đạp hiểu rõ chế tài, nhận thức rõ hành vi vi phạm của mình có thể dẫn đến hậu quả ra sao... để họ chấp hành" - luật sư Huy Việt góp ý.
Phân tích thêm về nguyên nhân người đi xe đạp, đi bộ vi phạm giao thông, ông Nguyễn Ngọc Tường - nguyên phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM - cho rằng đối với người đi xe máy, ôtô dẫu sao cũng trải qua thi cử, sát hạch để lấy bằng nên có hiểu biết quy định và ý thức chấp hành hơn người đi xe đạp, đi bộ (dù vậy, việc xử phạt lỗi giao thông từ người đi ôtô, xe máy vẫn nhiều hơn).
Thêm vào đó, có lẽ tâm lý người đi xe đạp, đi bộ nghĩ rằng họ ít vi phạm giao thông, CSGT cũng ít phạt, phạt số tiền cũng thấp nên khá "vô tư" trong việc đi lại.
Thực tế cho thấy có nhiều vụ tai nạn từ người đi bộ băng qua đường không đúng nơi quy định dẫn đến chết người. Ban An toàn giao thông TP.HCM đã từng thực hiện chuyên đề về xử lý người đi xe đạp vi phạm giao thông.
"Để nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông của người đi xe đạp, người đi bộ, các cơ quan chức năng cần triển khai tuyên truyền nhiều hơn. Bên cạnh đó, thông qua công tác kiểm tra, xử lý nghiêm và thường xuyên các vi phạm để giáo dục ý thức chấp hành Luật giao thông đối với người đi bộ, đi xe đạp" - ông Nguyễn Ngọc Tường nói.
Một số tai nạn do đi bộ không đúng quy định
Khoảng 4h sáng 25-10-2021, xe khách lưu thông trên đường Lê Đại Hành hướng từ đường Âu Cơ về đường Ba Tháng Hai, đến giao lộ Ba Tháng Hai - Lê Đại Hành (P.15, Q.11, TP.HCM) thì xảy ra va chạm với một người đàn ông đi bộ qua đường. Cú va chạm khiến nạn nhân ngã xuống đường bị bánh xe khách cán tử vong.
Trước đó, khoảng 8h30 ngày 20-1-2021, xe buýt tuyến số 150 đang chạy trên đường Nguyễn Đình Chiểu hướng từ đường Đinh Tiên Hoàng đi đường Hai Bà Trưng (Q.1). Khi còn cách giao lộ Nguyễn Đình Chiểu - Mạc Đĩnh Chi (P.Đa Kao, Q.1) khoảng 50m thì va chạm với một phụ nữ khoảng 55 tuổi đang đi bộ qua đường. Sau cú va chạm, người phụ nữ bị xe buýt cán tử vong tại chỗ cách trạm dừng xe buýt khoảng 5m.
Chiều 11-9-2020, xe khách lưu thông trên đường Phạm Văn Đồng hướng từ Thủ Đức về sân bay Tân Sơn Nhất, khi vừa qua khỏi cầu Rạch Lăng (P.11, Q.Bình Thạnh) thì bất ngờ có người phụ nữ trung niên đi bộ băng qua đường. Tình huống bất ngờ, tài xế không kịp xử lý, tông người phụ nữ văng xa nhiều mét, nạn nhân tử vong tại chỗ.
TTO - Nhiều trường hợp xe đạp chạy vào đường cấm trên đường Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức, TP.HCM, khi thấy CSGT đã vác xe bỏ chạy khiến công tác xử lý của CSGT gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, mức phạt còn thấp nên nhiều người vi phạm vẫn xem nhẹ.
Xem thêm: mth.23253142251111202-coud-gnuc-oas-id-ihgn-gnud-ob-id-pad-ex-id/nv.ertiout