Xử lý mối quan hệ với Trung Quốc - đối tác và cũng là đối thủ lớn nhất về kinh tế của Mỹ là một trong những thách thức của Tổng thống Joe Biden. Vì thế, khi lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tham gia họp thượng đỉnh trực tuyến sáng nay, các vấn đề như chuỗi cung ứng, trợ giá, thuế nhập khẩu, thị trường bất động sản Trung Quốc và tình trạng thiếu năng lượng toàn cầu có thể sẽ được đề cập.
"Mọi người không nên kỳ vọng cuộc họp này thu hẹp được hết những bất đồng nền tảng giữa Mỹ và Trung Quốc, hay thay đổi được quỹ đạo của sự đối đầu", Alex Capri – nhà nghiên cứu tại Hinrich Foundation cho biết trên CNN, "Câu hỏi là liệu rằng trong kịch bản tốt nhất, hai lãnh đạo có thể thử và đưa ra một chính sách mới để ‘cùng tồn tại theo hướng cạnh tranh’ hay không".
Theo CNN, dưới đây là những vấn đề về kinh tế mà ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình có thể bàn tới.
Thương mại và thuế nhập khẩu
Hàng chục tổ chức doanh nghiệp Mỹ đang gây sức ép lên chính quyền Biden về việc cân nhắc gỡ bỏ thuế nhập khẩu với Trung Quốc để giúp hạ lạm phát. Cuối tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết trên CBS rằng động thái này "đang được cân nhắc".
Tuy nhiên, điều này có thể không xảy ra. Dù chính quyền Biden gần đây đã đạt thỏa thuận với Liên minh châu Âu về việc giảm các lệnh trừng phạt dưới thời Trump lên nhôm, thép, họ vẫn chỉ trích hoạt động thương mại và trợ cấp công ty nội của Trung Quốc.
Mỹ và Trung Quốc đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đầu năm ngoái. Trong một bài phát biểu tháng trước, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai nói rằng Trung Quốc cần tuân thủ đúng cam kết trong thỏa thuận này. Bà khẳng định Bắc Kinh vẫn chưa thực hiện đầy đủ. Tai cũng ám chỉ Mỹ có thể mạnh tay hơn với Trung Quốc.
"Chúng tôi vẫn lo ngại các hoạt động thương mại mang tính phi thị trường và tập trung quyền lực của Trung Quốc, không phù hợp với thỏa thuận giai đoạn 1", bà nói, "Chúng tôi có thể nâng mức độ lo ngại về Bắc Kinh".
Một quan chức cấp cao Mỹ cuối tuần trước cho biết các vấn đề về chuỗi cung ứng và thuế nhập khẩu không có trong chương trình nghị sự của ông Biden. Tuy nhiên, ông Tập có thể nêu ra vấn đề này.
Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc
Hôm 14/11, bà Yellen cũng cho biết giới chức Mỹ đang theo dõi diễn biến ngành bất động sản của Trung Quốc và cảnh báo hậu quả tiềm tàng trên toàn cầu nếu kinh tế Trung Quốc "giảm tốc nhanh hơn dự kiến". GDP Trung Quốc quý trước ghi nhận mức tăng thấp nhất một năm.
Các thị trường tài chính náo loạn hồi tháng 9 sau khi hãng bất động sản Trung Quốc Evergrande cảnh báo có thể vỡ khối nợ khổng lồ. Sự sợ hãi lan ra khắp ngành bất động sản – vốn đóng góp 30% GDP Trung Quốc.
Evergrande gần đây nỗ lực trả lãi và tránh sụp đổ. Tuy nhiên, các khoản thanh toán lớn vẫn sẽ liên tục đáo hạn trong năm tới. Nhiều hãng địa ốc khác của Trung Quốc cũng gặp rắc rối tương tự do nhu cầu mua nhà giảm sút.
"Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đang lạm dụng đòn bẩy tài chính. Đây là vấn đề Trung Quốc đang cố gắng giải quyết", bà Yellen nói. Trong một báo cáo gần đây, Fed cảnh báo "căng thẳng tài chính tại Trung Quốc có thể tác động đến các thị trường tài chính toàn cầu và ảnh hưởng tiêu cực đến Mỹ".
Năng lượng và khí hậu
Mỹ và Trung Quốc gần đây gây ngạc nhiên cho giới quan sát tại COP26 khi đạt thỏa thuận về cắt giảm khí thải. Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới hiện cũng là hai nước gây ô nhiễm nhất và đều đang trải qua thiếu năng lượng.
Tháng trước, chính phủ Trung Quốc đề nghị các mỏ than nước này "sản xuất nhiều than đá nhất có thể" khi mùa đông đang đến gần. Ông Biden cũng thúc giục OPEC bơm thêm dầu để hạ giá xăng đã lên cao kỷ lục tại California.
Cả Trung Quốc và Mỹ đều không ký vào thỏa thuận được công bố tại COP26 về giảm sử dụng than đá. Dù vậy, họ đều cho biết sẽ thực hiện việc này.
Hà Thu (theo CNN)