CÓ PHẢI ĐT VIỆT NAM 4 NĂM KHÔNG CÓ THÊM NGÔI SAO?
"HLV Park Hang-seo đã khai thác tối đa những thứ tốt nhất cho các đội tuyển Việt Nam trong những năm qua. Tuy nhiên cuộc sống vẫn tiếp diễn, những thay đổi trong lối chơi cũng như con người là việc bắt buộc phải làm để đội bóng không ngừng phát triển.
Về chiến thuật, tôi thấy hiện tại không có quá nhiều vấn đề. Vấn đề lớn nhất là sau 4 năm, bóng đá Việt Nam không có thêm ngôi sao mới nào".
Đó là chia sẻ của ông Jernej Kamensek, cựu giám đốc kỹ thuật CLB Bình Định, với chúng tôi sau trận Việt Nam thua Nhật Bản 0-1 hôm 11/11 vừa qua. Ông Kamensek đã có quãng thời gian khoảng 10 năm gắn bó với V.League trong vai trò môi giới cầu thủ, bởi thế chuyên gia người Slovenia có sự am hiểu lớn về bóng đá Việt Nam.
Tuy nhiên có lẽ ông Kamensek đã hơi khắt khe khi đưa ra nhận xét nói trên. Việt đội tuyển Việt Nam ít có sự thay đổi nhân sự trong đội hình xuất phát ở những trận đấu vừa qua là đúng, thế nhưng nói 4 năm qua chúng ta không có thêm ngôi sao nào thì không hoàn toàn chính xác.
Thế hệ vàng mới của bóng đá Việt Nam tạo nên dấu ấn lớn khi giúp đội nhà lần đầu tiên lọt vào vòng loại cuối World Cup.
"Thời gian qua đội tuyển Việt Nam có nhiều cầu thủ tiến bộ. Đầu tiên là số 14 Hoàng Đức. Đó là một cầu thủ khéo léo, lại có sức mạnh và đảm nhận khá tốt nhiệm vụ thay thế Hùng Dũng.
Ngoài ra còn có cả Tiến Linh nữa. Cậu ấy là mẫu tiền đạo số 9 rất tốt và đang thực sự trở thành lựa chọn hàng đầu cho vị trí tiền đạo cắm của tuyển Việt Nam", Errol Stevens - tiền đạo từng nhiều năm thi đấu tại V.League cho Hải Phòng và Thanh Hóa - chia sẻ với chúng tôi.
Nhìn vào những cái tên được Stevens nhắc đến, có thể dễ dàng nhận thấy Hoàng Đức chỉ mới thực sự chiếm được vị trí ở đội tuyển Việt Nam từ hồi tháng Sáu vừa qua. Sự vắng mặt của Hùng Dũng khiến HLV Park Hang-seo buộc phải tìm kiếm một phương án mới cho 3 trận đấu trên đất UAE. Và ở đó, Hoàng Đức đã vươn lên đầy mạnh mẽ để có được suất đá chính trong suốt thời gian qua.
Thậm chí, màn trình diễn ấn tượng của tiền vệ này còn giúp anh lọt vào mắt xanh của những CLB tại Hàn Quốc, Thái Lan và cả Oman. CLB Viettel kiên quyết muốn giữ người nhưng dù không xuất ngoại, sẽ không quá khi nói Hoàng Đức là một ngôi sao mới của bóng đá Việt Nam.
Hoàng Đức tiến bộ rất nhanh để trở thành trụ cột ở CLB Viettel và ĐTQG. (Ảnh: Tú Anh)
Trong khi đó với Tiến Linh, tiền đạo này cũng mới chỉ được HLV Park Hang-seo tin tưởng trong khoảng 2 năm gần đây. Tiến Linh không được chọn tham dự vòng chung kết U23 châu Á 2018, ASIAD 18 và chỉ ra sân ở trận gặp Campuchia tại AFF Cup 2018. Tới King’s Cup 2019, tiền đạo chủ lực của tuyển Việt Nam được thầy Park lựa chọn là Anh Đức, còn Tiến Linh thậm chí không có tên trong danh sách đi Thái Lan.
Phải tới những trận đấu tại vòng loại thứ hai World Cup 2022 vào cuối năm 2019, chân sút gốc Hải Dương mới được trao nhiều cơ hội hơn và ghi điểm đầy mạnh mẽ với những bàn thắng vào lưới Indonesia, UAE.
Đây rõ ràng cũng là một trường hợp không được HLV Park Hang-seo trọng dụng trong những ngày đầu nhưng đã tiến bộ rất nhanh để khẳng định vị trí tại đội tuyển Việt Nam. Thậm chí, anh còn được phóng viên Trung Quốc đánh giá đủ khả năng để tới thử sức tại Chinese Super League. Ngoài ra, những nhân tố trẻ như Văn Toản, Hai Long cũng được tin tưởng có thể tỏa sáng nếu được trao nhiều cơ hội trong tương lai.
Tiến Linh đã ghi được 7 bàn thắng tại vòng loại World Cup 2022.
CỐT LÕI CỦA VẤN ĐỀ NẰM Ở ĐÂU?
Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa chúng ta có thể hài lòng với nguồn lực cầu thủ hiện nay của bóng đá Việt Nam. Nhìn cách truyền thông và dư luận không quá khó để đoán được những lựa chọn của HLV Park Hang-seo trong những trận đấu vừa rồi, có thể thấy ông Park cũng không có nhiều phương án để thay đổi.
Còn nhớ hồi tháng Sáu vừa qua, HLV Tan Cheng Hoe của tuyển Malaysia từng tuyên bố tuyển Việt Nam chỉ chơi "một màu" và không phải đội bóng không thể đánh bại:
"Chúng tôi đã xem Việt Nam thi đấu nhiều lần. Họ luôn có cách chơi theo một khuôn mẫu giống nhau. Kế hoạch của họ không bao giờ thay đổi, ngay cả khi họ vắng một vài cầu thủ chủ chốt.
Đội ngũ HLV của tôi thường lên kế hoạch từ trước. Chúng tôi tìm giải pháp để đối phó với từng đối thủ. Lối chơi của tuyển Việt Nam không bao giờ thay đổi và chúng tôi đã chuẩn bị phù hợp".
Dù sau đó Việt Nam vẫn đánh bại Malaysia với tỉ số 2-1, tuy nhiên đối thủ này cũng mang lại rất nhiều khó khăn cho thầy trò ông Park.
Malaysia đã khiến đội tuyển Việt Nam phải trải qua những giây phút khó khăn.
Dư luận từng không ít lần đặt câu hỏi về việc HLV Park Hang-seo ít trao cơ hội cho những nhân sự mới, khiến cho đội tuyển Việt Nam đang rơi vào sự dập khuôn về nhân sự.
Tấn Trường bắt chính; bộ ba trung vệ gồm Tiến Dũng - Ngọc Hải - Duy Mạnh nếu cả 3 đều khỏe mạnh; hai cánh là Văn Hậu - Trọng Hoàng, hoặc Hồng Duy - Văn Thanh; hàng tiền vệ có sự góp mặt của Hoàng Đức - Tuấn Anh - Quang Hải; rồi bên trên là Tiến Linh, Phan Văn Đức, hoặc Văn Toàn, Công Phượng được tung vào sân ở một số thời điểm.
Tuy nhiên nên nhớ rằng trong suốt thời gian qua, đội tuyển Việt Nam luôn được VFF tạo điều kiện để tập trung trong thời gian khá dài. Điều này đủ giúp ban huấn luyện đưa ra những thử nghiệm, đánh giá về các học trò của mình. Nhiều tân binh đã được gọi lên tuyển, nhưng rồi số lượng trụ lại được không nhiều. Đó liệu có phải lỗi của HLV Park Hang-seo?
Sau trận thua Nhật Bản, HLV Park Hang-seo thẳng thắn thừa nhận vòng loại thứ 3 World Cup 2022 là sân chơi quá tầm với đội tuyển Việt Nam.
"Đội tuyển bản chất là một ê kíp, chứ không phải tập hợp của những cầu thủ hay nhất. Trong ê kíp đó có thể có những người đạt điểm 10, nhưng cũng có những người ở mức độ điểm 6,7 thôi nhưng lại làm đúng việc đang cần.
Có cầu thủ ở môi trường CLB thì xứng đáng 10 điểm, nhưng khi lên đội tuyển thì còn 8 điểm thôi. Ngược lại, có người chỉ đạt 6 điểm ở CLB, nhưng ở tuyển thì có thể lên thành 7,8 điểm. Đây là câu chuyện của cả một ê kíp mà.
Ngoài ra còn là câu chuyện về sở thích cá nhân, lựa chọn theo tình cảm nữa. Dù có công tâm đến mấy thì ông Park cũng có thể tình cảm hơn, ưng người này hơn. Đó là chuyện bình thường. Nhưng tựu chung lại, tất cả vẫn chỉ nằm ở lý do cầu thủ có phù hợp với chiến thuật hay không thôi", BLV Quang Tùng trao đổi với chúng tôi.
Chuyên gia Phan Anh Tú cũng bày tỏ quan điểm: "Khi anh thành công, anh không việc gì phải thay đổi cả. HLV nào cũng vậy thôi, rất ngại thay đổi khi đang ổn định và có thành tích. Khi thất bại, việc này đến rất dễ dàng".
"Không thể có chuyện trong thời gian ngắn, chúng ta có ngay một cầu thủ tốt. Nếu HLV dám trao cơ hội cho cầu thủ trẻ, họ sẽ hay lên theo từng trận. Một năm trước, Hoàng Đức đâu có hay như bây giờ", ông Tú nói với Zing.
Rất có thể đây sẽ tiếp tục là bộ khung để đội tuyển Việt Nam chinh chiến tại AFF Cup 2021. (Ảnh: Tú Anh)
Rõ ràng, việc tham dự một sân chơi gồm các đội bóng hàng đầu châu lục như vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khiến dư luận có thêm những cái nhìn khắt khe hơn về cách dùng người của HLV Park Hang-seo cũng như nền tảng của bóng đá Việt Nam, đặc biệt khi đội tuyển trải qua chuỗi trận thua kéo dài.
Ông Park là HLV có đẳng cấp, biết cách phát huy lứa cầu thủ vàng của bóng đá Việt Nam để liên tiếp mang về những quả ngọt. Nhưng không dưới một lần, ông chia sẻ nỗi lo về sự thiếu hụt lực lượng cho thế hệ kế cận, mà minh chứng rõ nhất chính là màn trình diễn kém ấn tượng của U23 Việt Nam tại vòng loại U23 châu Á vừa qua.
Bóng đá Việt Nam không phải không có thêm ngôi sao trong 4 năm qua như lời chuyên gia Kamensek, nhưng rõ ràng mối lo về thế hệ kế cận là có thật và sẽ ngày càng bộc lộ rõ trong những năm tới đây!
Ả Rập Xê Út 3-1 Việt Nam | AFC Asian Qualifiers - Road to Qatar (Vòng loại thứ ba World Cup - Khu vực châu Á)
Linh Đan
PHÁP LUẬT & BẠN ĐỌC