Dự án đoạn 3 dài gần 2,8km thuộc đường vành đai 2 vẫn ngổn ngang nhiều năm qua - Ảnh: ĐỨC PHÚ
Ngày 16-11, đại diện Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái (nhà đầu tư) cho biết 2 năm qua dự án đoạn 3 - từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - thuộc đường vành đai 2 đang được các sở ngành TP rà soát điều chỉnh tổng mức đầu tư, ký phụ lục hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).
Đến nay, việc rà soát vẫn chưa xong nên dự án vẫn chưa thi công trở lại.
"Thời điểm công trình thi công trở lại còn phụ thuộc vào quá trình hoàn thành các thủ tục nêu trên. Doanh nghiệp cũng rất khó khăn và đã kiến nghị TP đẩy nhanh thủ tục ký để sớm được thanh toán quỹ đất theo hợp đồng. Dự kiến, công ty cần khoảng 18 tháng kể từ thời điểm thi công trở lại để hoàn thành dự án" - đại diện Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái cho hay.
Theo ghi nhận đến thời điểm này, các hạng mục cầu đường thuộc 2,8km nêu trên dang dở, có vị trí cỏ mọc um tùm.
Dự án này có tổng vốn đầu tư 2.765 tỉ đồng và đã tạm dừng thi công nhiều năm qua khi tiến độ đang dang dở hơn 50%. Việc chậm giao đất thanh toán cho nhà đầu tư theo hợp đồng cũng kéo theo việc phát sinh chi phí lãi vay khoảng 10 tỉ đồng/tháng.
Đoạn đường gần 2,8km nêu trên là 1 trong 4 đoạn (dài 14km) chưa khép kín của đường vành đai 2. Ba đoạn còn lại có tổng chiều dài gần 11km gồm: đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội, đoạn 2 từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng, đoạn 4 từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh. Tổng vốn đầu tư 3 đoạn nêu trên khoảng 26.289 tỉ đồng.
Khi nối liền mạch, vành đai 2 đảm nhận vai trò điều phối, hạn chế xe vào nội thành, kết nối các cảng biển, giảm ùn tắc cho các trục đường vào cảng như Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ...
Theo danh mục đầu tư các công trình giao thông trọng điểm của TP, các dự án khép kín vành đai 2 dự kiến thực hiện theo nguồn vốn đầu tư công giai đoạn từ nay đến năm 2025. Tuy nhiên, cũng như một số dự án trọng điểm khác, các dự án khép kín đường vành đai 2 vẫn chưa cân đối được nguồn vốn.
Ngày 12-11, trong thông báo kết luận tại buổi làm việc với Sở Giao thông vận tải TP, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã yêu cầu các sở ngành khẩn trương phối hợp, đề xuất danh mục kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách ngành giao thông.
Trên cơ sở đó, Sở Giao thông vận tải phối hợp với Sở Kế hoạch và đầu tư TP nghiên cứu phương án bố trí vốn ngân sách cho công tác chuẩn bị đầu tư vừa sử dụng hiệu quả vốn công vừa thu hút nguồn vốn khác.
Trong giai đoạn 2021-2025, TP sẽ ưu tiên mọi nguồn lực để khép kín đường vành đai 2 (đặc biệt là đầu tư đoạn 1 và đoạn 2); hoàn thành thủ tục và khởi động dự án vành đai 3; tập trung xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn với đường Cộng Hòa để đồng bộ với dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.
TTO - Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có báo cáo gửi lãnh đạo UBND TP.HCM về hiện trạng hạ tầng giao thông và đề xuất nguồn vốn, cơ chế, kế hoạch thực hiện các dự án trọng điểm giai đoạn 2021-2030.