Người Mỹ vốn thích rượu bia, nhất là trong những dịp lễ cuối năm với hàng loạt sự kiện như Lễ Tạ Ơn, Giáng sinh, Năm mới... Vậy nhưng chẳng mấy ai để ý đến những tác hại của đồ uống có cồn. Mọi người chú ý đến đại dịch Covid-19, đến tác hại của ma túy, thuốc lá nhưng chẳng mấy ai nghi ngờ về những bữa nhậu.
Thống kê của giới truyền thông cho thấy lượng tiêu thụ đồ uống có cồn tại Mỹ trong vài tuần qua đã tăng lên mức cao nhất từ năm 2019 đến nay. Thậm chí một vài báo cáo ngành chỉ ra rằng lượng tiêu thụ một số đồ uống có cồn đã tăng 100% vào dịp lễ cuối năm tại Mỹ.
Cũng tương tự như nhiều nơi trên thế giới, người Mỹ uống rất nhiều, từ tiệc công sở, gia đình, bạn bè, đối tác làm ăn cho đến những bữa tiệc công cộng cuối năm.
Hệ quả là một bộ phận rất lớn người Mỹ đã phải chịu những ảnh hưởng từ việc uống quá nhiều rượu bia. Chính anh trai của Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump là ông Fred Trump Jr cũng qua đời vì nghiện rượu. Đây là nguyên nhân chính khiến vị tỷ phú này từ bỏ rượu bia và không bao giờ đụng vào đồ uống có cồn hay các chất kích thích, thuốc lá…
Theo các báo cáo chính thức, khoảng 1/8 số người trưởng thành tại Mỹ nghiện rượu bia. Con số này chỉ là 12% vào năm 2002.
Việc nghiện rượu bia, hoặc thậm chí chỉ uống xã giao cũng có thể dẫn đến rất nhiều rắc rối. Về sức khỏe, chúng khiến nạn nhân bị tổn thương gan thận, suy giảm chức năng não bộ, gây ra việc mất kiểm soát, kích động bạo lực hoặc những di chứng về tâm lý.
Số liệu cho thấy hàng năm Mỹ mất khoảng 224 tỷ USD do suy giảm năng suất, chi phí chữa bệnh, thiệt hại vì phạm tội… có liên quan đến rượu bia.
Vậy tại sao tác hại của rượu bia rõ ràng như vậy nhưng Mỹ không có biện pháp mạnh tay hơn nữa với sản phẩm đồ uống có cồn?
Quyền lực của ngành rượu
Đầu tiên, ngành công nghiệp đồ uống có cồn là một thế lực khá mạnh ở Mỹ. Quốc gia này đã từng ban hành luật cấm rượu bia thời kỳ 1920-1933 nhưng chẳng có tác dụng gì bởi người dân vẫn buôn rượu lậu và nhu cầu tiêu thụ thì không thể chấm dứt.
Bởi vậy sau khi lệnh cấm rượu chấm dứt vào ngày 5/12/1933, các doanh nghiệp kinh doanh đồ uống có cồn tại Mỹ đã liên hiệp lại thành những tổ chức vận động hành lang, qua đó tạo sức ép lên chính phủ, tương tự như các hội liên hiệp thuốc lá, súng đạn và dược phẩm.
Những tổ chức liên hiệp này chi hàng tỷ USD vận động tranh cử, tạo thêm việc làm, xây dựng hình ảnh hay thậm chí là lo lót để chính phủ từng bang không ban hành các quy định bất lợi cho công việc kinh doanh của họ.
Tiếp đó, việc ban hành một lệnh giới hạn cụ thể chỉ được uống bao nhiêu rượu là khá khó khăn do tác dụng của rượu bia lên từng người là khác nhau. Điều đáng buồn là dù "tửu lượng" khác nhau nhưng các mối quan hệ xã hội lại tác động lên được các nạn nhân, qua đó cổ vũ hoặc buộc họ tiêu thụ quá khả năng chịu đựng.
Tồi tệ hơn là Nghị viện Mỹ lại đang ưu ái ngành rượu bia. Năm 2017, nước này giảm thuế cho đồ uống có cồn. Năm 2018, Nghị viện tiếp tục giảm thuế rượu bia, qua đó càng khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng.
Đây là một tình huống khá trớ trêu khi chính phủ lại có những chính sách vô cùng kịch liệt chống ma túy, thứ chất độc đang khiến người Mỹ tử vong thấp hơn cả rượu bia. Thậm chí cả với thuốc lá, chính quyền Washington cũng có nhiều biện pháp ngăn chặn như tăng thuế, hạn chế quảng cáo hay tuyên truyền những tác hại của chúng rộng rãi trên truyền thông.
Một vấn đề nữa khiến việc cấm rượu tại Mỹ khó khăn là văn hóa chè chén. Bất chấp những quy định phạt nặng khi lái xe có nồng độ cồn vượt mức quy định hay các luật cấm nhậu nhẹt ở một số nơi công cộng, người Mỹ vẫn thích sử dụng rượu bia cho các dịp lễ, cuộc vui hay đôi khi chỉ là vì thói quen.
Nhiều báo cáo mới đây đã chỉ ra rằng người Mỹ ngày càng uống nhiều và nhậu lâu hơn so với trước đây. Việc một người trưởng thành có thói quen nhậu nhẹt cho đến tuổi già chẳng có gì là lạ tại Mỹ. Thậm chí ngay cả phụ nữ Mỹ giờ đây cũng uống nhiều chả kém đàn ông.
Trước thực trạng này, Viện nghiên cứu phòng chống nghiện rượu quốc gia (NIAAA) đã cảnh báo về tình trạng sức khỏe người Mỹ khi nền kinh tế dần hồi phục lại sau cuộc khủng hoảng 2008.
Độc hại hơn cả ma túy
Trước khi đại dịch diễn ra, khoảng ¼ số người trưởng thành trong độ tuổi 45-64 và 1/12 số người trên 65 tuổi bị bắt vì tội lái xe có nồng độ cồn vượt mức quy định, một con số đáng báo động tại quốc gia có chế tài xử phạt nặng về tội này.
Báo cáo của Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết hàng năm có tới 88.000 người Mỹ thiệt mạng do tai nạn giao thông, viêm gan, ngộ độc rượu, ung thư hay các nguyên nhân khác liên quan đến đồ uống có cồn.
Đồng quan điểm, điều tra của tổ chức The Alcoholism cho thấy số ca tử vong do liên quan đến rượu bia đã chính thức vượt số người chết vì chất gây nghiện tại Mỹ kể từ năm 2017, vốn chỉ vào khoảng 70.000 trường hợp.
Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng 29% dân số Mỹ, kể cả thanh thiếu niên, phụ nữ và người cao tuổi, hiện đang lâm vào tình trạng nghiện rượu bia nặng mà không nhận thức được tình hình.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, khảo sát của Viện khảo sát sức khỏe và dược phẩm quốc gia (NSDUH) cho thấy 86,4% số người Mỹ trên 18 tuổi từng uống rượu bia trong đời, 70,1% thừa nhận đã dùng đồ uống có cồn trong 12 tháng qua và đến 56% đã dùng chúng trong 30 ngày gần đây.
Cũng theo NSDUH, khoảng 15,1 triệu thanh niên trong độ tuổi 18-19 nghiện rượu và chỉ có 6,7% trong số họ là thực sự cai nghiện nghiêm túc trong vòng 1 năm qua. Đối với độ tuổi 12-17, khoảng 623.000 thanh thiếu niên Mỹ nghiện rượu và chỉ 2,5% trong số đó cai nghiện.
Khủng hoảng niềm tin
Mỹ vốn đã là một nước tiêu thụ rượu bia nhiều và tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hậu đại dịch.
Theo nhiều chuyên gia đại dịch Covid-19 đã khiến tình trạng nghiện rượu bia làn tràn khi mọi người bị giãn cách ở nhà với những khoản cứu trợ khổng lồ từ chính phủ. Áp lực thất nghiệp và tương lai u ám hậu dịch khiến ngày càng nhiều người Mỹ nghiện rượu.
Thậm chí nghiên cứu của CDC cho thấy hiện nay tỷ lệ phụ nữ dùng nghiện rượu bia tại Mỹ tăng còn mạnh hơn cả nam giới. Dù đàn ông vẫn chiếm tới 3/4 tổng số người thiệt mạng do rượu bia nhưng so sánh về tốc độ tăng trưởng, phụ nữ vẫn vượt trội hơn.
Không riêng gì Mỹ, báo cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho thấy hàng năm có khoảng 3,3 triệu người thiệt mạng do rượu bia, chưa kể đến hàng triệu người mắc bệnh, bị thương tật do sử dụng đồ uống có cồn.
Rượu bia cũng chiếm tới 7,1% nguyên nhân khiến đàn ông trở nên bê tha, vô dụng và là gánh nặng cho xã hội. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến những người trong độ tuổi 15-49 thiệt mạng và gặp thương tật.
Rõ ràng, khi niềm tin của người dân trong xã hội đi xuống cùng đại dịch, thất nghiệp, lạm phát và khủng hoảng thì thách thức nghiện rượu bia lại trỗi dậy.
Băng Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị