Liên quan đến vụ án, cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài, Trần Nam Trang - nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM, Vy Nhật Tảo - nguyên Giám đốc Trung tâm ca nhạc nhẹ TPHCM, cùng 6 bị cáo khác nguyên là lãnh đạo, cán bộ các Sở, ngành TPHCM bị hầu tòa về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Gần 7h các bị cáo được dẫn giải tới tòa, do tình hình dịch bệnh còn phức tạp nên công tác an ninh phiên tòa được siết chặt hơn.
Gần 9h, phiên tòa bắt đầu khai mạc, tất cả các bị cáo tại ngoại và tạm giam đều có mặt tại tòa. Trong phần thủ tục, chủ tọa phiên tòa ông Phạm Lương Toản thông báo có một số người liên quan có đơn xin xét xử vắng mặt. Hội đồng xét thấy những người này đã có lời khai đầy đủ trong hồ sơ vụ án, không ảnh hưởng tới quá trình xét xử.
Do sức khỏe yếu, tuổi đã cao nên bị cáo Nguyễn Thành Tài, Dương Thị Bạch Diệp và Vy Nhật Tảo được ngồi nghe Viện kiểm sát công bố cáo trạng.
Theo cáo trạng, năm 2008, biết Trung tâm ca nhạc nhẹ TPHCM tại 185 Hai Bà (quận 3, thuộc Sở Văn hóa thể thao và du lịch) có nhu cầu xây dựng mới nhưng gặp khó khăn về kinh phí nên bà Diệp đã đề nghị với ông Vy Nhật Tảo (Giám đốc) được hoán đổi trụ sở này với khu đất 57 Cao Thắng rộng 1.040 m2.
Tiếp đó, nữ đại gia đưa ra các phương án hấp dẫn có lợi cho cả đôi bên như ngoài việc bù thêm phần thiếu so với giá thị trường, bà sẽ hỗ trợ xây dựng trung tâm có quy mô lớn, hiện đại hơn. Công ty của bà Diệp sẽ hợp nhất được khối mặt bằng 185 Hai Bà Trưng với các khu đất liền kề của bà để xây dựng khách sạn 5 sao.
Là Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM, ông Nguyễn Thành Tài không được phân công quản lý, sắp xếp lại tài sản Nhà nước. Tuy nhiên, khi nghe ông Vy Nhật Tảo và bà Diệp trình bày về đề nghị hoán đổi ông Tài đã đồng ý bởi bà Diệp xây khách sạn 5 sao sẽ mang lại lợi ích cho thành phố.
Do không thuộc lĩnh vực mình phụ trách, ông Tài báo cáo Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân và được chấp thuận. Ông Quân giao ông Tài trực tiếp chỉ đạo việc hoán đổi này.
Ông Tài sau đó đã chấp thuận chủ trương và chỉ đạo các sở ban ngành thực hiện thủ tục. Tuy nhiên, quá trình hoán đổi, ông Tài và loạt lãnh đạo các sở ngành không chỉ đạo kiểm tra, xác minh điều kiện pháp lý của tài sản hoán đổi. Từ việc thiếu trách nhiệm trên đã "tạo điều kiện" cho bà Diệp chiếm đoạt số tiền 186 tỷ đồng của Nhà nước.
Hồi giữa tháng 3, trong hơn một tuần xét xử, phiên tòa liên tục diễn ra các tình huống kịch tính. Hôm đầu tiên, bà Diệp yêu cầu thay đổi Kiểm sát viên vì cho rằng người này không khách quan nhưng tòa bác, cho rằng "không có cơ sở". Tiếp đó, đại gia bất động sản liên tục kêu oan, đập bàn gào khóc phản đối những lời buộc tội. Bà Diệp và các luật sư đưa ra nhiều tài căn cứ bảo vệ quan điểm "hợp đồng thế chấp nhà cho Agribank" là giả mạo.
Hội đồng xét xử (HĐXX) sau đó đã quyết định trả hồ sơ điều tra toàn diện vụ án do xuất hiện một số tình tiết mới...
Hai tháng sau, kết luận điều tra bổ sung hoàn tất. Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (KSND) giữ nguyên quan điểm truy tố bà Diệp và các bị cáo khác. Viện cho rằng, lời khai và chứng cứ bà Diệp đưa ra tại tòa không phải là tình tiết mới phát sinh. Trong suốt quá trình điều tra, bà đã khai về việc nhà 57 Cao Thắng "không thế chấp cho bất kỳ hợp đồng tín dụng nào, các tài liệu ngân hàng đưa ra là giả" .
Cơ quan điều tra đã thu thập tài liệu từ nhiều nguồn: Agribank TPHCM, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, UBND TPHCM, Ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank), Sở Văn hóa Thông tin và Du lịch, Phòng công chứng số 1 để chứng minh hành vi lừa đảo là "có căn cứ". Những tài liệu này phù hợp với nhau về diễn biến vụ án, kết quả điều tra, kết quả thẩm vấn công khai tại tòa.
Cuối tháng này, ông Nguyễn Thành Tài tiếp tục hầu tòa trong vụ án phạm tại "khu đất vàng" số 8 -12 Lê Duẩn, quận 1, TPHCM.
Xuân Duy
Xem thêm: mth.31373619061111202-aot-uah-mchpt-hcit-uhc-ohp-uuc-av-aig-iad-un/taul-pahp/nv.moc.irtnad