TPHCM - Doanh nghiệp đang cố gắng đẩy mạnh hoạt động sản xuất bù lại khoảng thời gian giãn cách nhưng việc tìm kiếm nguồn vốn cho kinh doanh vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Sau thời gian dài giãn cách xã hội, từ cuối tháng 9, nhiều doanh nghiệp đã tăng ca sản xuất để bù đơn hàng bị chậm. Tuy nhiên, dù nhiều doanh nghiệp đã trở lại sản xuất nhưng hàng hóa tiêu thụ khá chậm trong khi dòng tiền không còn, không thể quay vòng sản xuất...
Ông Nguyễn Ninh, Giám đốc Công ty gia công sản xuất da giày Ninh An ở quận Bình Tân cho biết, tưởng sẽ "dễ thở" khi trở lại sản xuất, kinh doanh sau giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, nhưng không, doanh nghiệp lại đối diện với những khó khăn mới khi thiếu hụt lao động, cạn kiệt nguồn tiền và nhiều loại chi phí tăng cao. Đơn cử như công ty của ông, trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh vừa qua ông đã phải thế chấp thêm một căn nhà để vay tiền ngân hàng. Căn nhà này chỉ mới vay 30% trên định giá tài sản. Hiện nay, công ty cần vốn mới cho sản xuất đơn hàng cuối năm, tuy nhiên dù liên hệ với ngân hàng xem xét cho vay thêm dựa trên tài sản mới thế chấp nhưng vẫn chưa có kết quả. Các tài sản như nhà xưởng đều đã đem thế chấp từ trước đó.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM cho biết, sau mấy đợt dịch, hầu hết doanh nghiệp đều hụt nguồn vốn tái sản xuất, đặc biệt là doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm. Có rất nhiều doanh nghiệp đã tung hết vốn dự trữ để đảm bảo các mặt hàng thực phẩm thiết yếu cho TP.HCM trong thời điểm giãn cách nên rất cần vay ngân hàng. Muốn vay ngân hàng, doanh nghiệp cần tài sản thế chấp nhưng những tài sản này đã được thế chấp đợt vay trước. Cái khó là ở chỗ đó.
Thời gian qua, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ, nhưng theo ý kiến nhiều doanh nghiệp đến giờ đa phần doanh nghiệp được giảm lãi suất với mức chỉ 1%, số doanh nghiệp được giảm 2% rất ít. Những chính sách mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra cũng chỉ là hoãn nợ, giãn nợ... mới chỉ giải quyết được một phần rất nhỏ cho doanh nghiệp.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc Quỹ đầu tư DG Investment thì để quay lại thị trường, doanh nghiệp cần vốn nhưng cái khó là nhiều doanh nghiệp vừa phải trải qua giai đoạn kinh doanh đình đốn, liệu ngân hàng có dám cho vay tiền? Hay một số doanh nghiệp đã được miễn giảm lãi vay sẽ bị xếp vào diện "sức khỏe kém" và như vậy khó lòng tiếp cận nguồn vốn mới. Ngân hàng Nhà nước nên có chính sách 'giãn' hơn đối với doanh nghiệp. Chẳng hạn, với những doanh nghiệp làm ăn tốt thì có thể dùng tài sản thế chấp cũ, trước đây định giá 70-75%, nay có thể tăng lên 80-90%. Bên cạnh đó, cho vay mới không cần thế chấp tài sản và lãi suất phải giảm sâu hơn nữa mới cứu được doanh nghiệp trong lúc này.
Việc hỗ trợ doanh nghiệp cần được thực hiện đủ lớn, đủ dài về thời gian, ít nhất là hai năm vì những tổn thất của doanh nghiệp qua mấy đợt dịch là nhiều chưa từng có. Họ cần nguồn lực để vượt khó cũng như bắt nhịp đà hồi phục kinh tế thế giới, TS Nguyễn Duy Phương nêu quan điểm.
Xem thêm: odl.584479-hnaod-hnik-ioh-cuhp-ohc-nov-ev-ort-oh-us-meht-nac-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.gnodoal