Sau nhiều lần điều chỉnh, Chính phủ vừa đề xuất Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021-2025). Đáng chú ý, Chính phủ đề xuất đầu tư toàn bộ tuyến cao tốc trên bằng nguồn vốn ngân sách.
Chính phủ cho rằng nếu triển khai 4/12 dự án theo phương thức PPP như đề xuất của Bộ GTVT cũng chỉ thu hút được khoảng 17.275 tỉ đồng vốn ngoài ngân sách. Trong khi đó, Nhà nước phải xây dựng cơ chế đặc thù khác so với quy định của Luật PPP, đó là nâng tỉ lệ vốn nhà nước tham gia trên 50% tổng mức đầu tư, nhằm rút ngắn thời gian thu hồi vốn khoảng 15 năm. |
Đề xuất giao các tỉnh đầu tư dự án
Cụ thể, Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị; từ Quảng Ngãi đến Nha Trang; từ Cần Thơ đến Cà Mau) dài khoảng 729 km.
Cao tốc chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập và triển khai theo hình thức đầu tư công. Trong giai đoạn đầu, 12 dự án thành phần đầu tư theo quy mô bốn làn xe (bề rộng nền đường 17 m), tốc độ thiết kế 80-120 km/giờ.
Điểm đáng chú ý của tờ trình là việc Chính phủ đề nghị Quốc hội giao Chính phủ quyết định việc để UBND các tỉnh, thành có dự án đi qua tổ chức triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì các dự án thành phần. Các địa phương phải bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, tờ trình của Chính phủ khá bất ngờ khi trước đó dự thảo tờ trình của Bộ GTVT gửi Chính phủ lần lượt đề xuất đầu tư chín dự án theo phương thức đối tác công - tư (PPP), sau đó rút xuống bốn dự án PPP.
Chi tiết 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được Chính phủ đề xuất đầu tư công. Biểu đồ: VIẾT LONG
Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, một trong các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đang triển khai thi công. Ảnh: ĐÀO TRANG
Lý do phải đầu tư toàn bộ bằng ngân sách
Theo Chính phủ, thực tiễn việc triển khai giai đoạn 1 (2017-2020) của dự án cao tốc Bắc - Nam cho thấy nhiều dự án thành phần PPP gặp khó khăn trong huy động vốn tín dụng, không lựa chọn được nhà đầu tư. Do đó, Chính phủ phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển sang đầu tư công năm dự án. Hiện còn ba dự án PPP đang huy động vốn để triển khai.
Chính phủ cho rằng dù tỉ lệ vốn nhà nước tham gia hỗ trợ trên 50% tổng mức đầu tư, thời gian thu hồi vốn chỉ 16-17 năm, được đánh giá là rất hiệu quả về tài chính so với các dự án giai đoạn trước nhưng vẫn khó khăn về huy động tín dụng và chưa thể khẳng định ba dự án chắc chắn sẽ triển khai thành công.
“Trong bối cảnh hiện nay nếu triển khai toàn bộ các dự án theo phương thức PPP, khả năng thành công thấp. Nếu không thành công phải chuyển đổi hình thức đầu tư sẽ chậm tiến độ, không đáp ứng yêu cầu cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2025 của Bộ Chính trị và Quốc hội…” - Chính phủ lý giải.
Cần xem xét cẩn trọng
PSG-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng về nguyên tắc khi nền kinh tế suy thoái, Nhà nước sẽ kích cầu bằng phương pháp tập trung đầu tư công, để kích thích tổng cầu, tạo việc làm, tiêu thụ hàng hóa... Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực trong xã hội còn nhiều, nên việc đầu tư toàn bộ 12 dự án bằng ngân sách nhà nước cần phải cân nhắc.
“Nếu dự án PPP có hiệu quả, ngân hàng vẫn sẵn sàng cho vay. Ngoài vay ngân hàng, các nhà đầu tư có năng lực, làm tốt có thể huy động vốn đầu tư bằng phát hành trái phiếu…” - ông Long nói.
Trong khi đó, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), cho rằng việc đầu tư toàn bộ 12 dự án bằng nguồn vốn ngân sách là phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Ông Chủng cho rằng đầu tư PPP sẽ gặp khó khăn về huy động vốn. Đây chính là nguyên nhân chính khiến năm dự án PPP cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 không thể lựa chọn được nhà đầu tư.
Theo ông Chủng, hiện một số nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… đều dùng ngân sách nhà nước đề đầu tư đường cao tốc. Sau đó, nhà nước tổ chức đấu thầu để tư nhân quản lý, vận hành, bảo trì… Trong bối cảnh chưa giải quyết được nút thắt vốn, việc chuyển các dự án sang đầu tư công là phương án an toàn.
Cũng theo ông Chủng, Luật Đầu tư theo phương thức PPP có hiệu lực từ đầu năm 2021, mới giải quyết được vấn đề chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư nhưng chính sách đi theo không đồng bộ. Chẳng hạn như việc huy động vốn tín dụng cho giai đoạn trung và dài hạn của các ngân hàng ở mức rất cao là cản trở lớn cho các dự án cao tốc. “Như giai đoạn 1 dự án cao tốc Bắc - Nam các nhà đầu tư rất hăng hái tham gia để đầu tư nhưng ngân hàng không đứng bên cạnh thì “đầu hàng” hết...” - ông Chủng nhận định.
Tuy nhiên, ông Chủng cho rằng nếu đề xuất giao cho từng địa phương thực hiện dự án đầu tư thì không phù hợp. “Tuyến cao tốc Bắc - Nam là dự án quan trọng quốc gia, đòi hỏi phải có đơn vị chuyên nghiệp, có kiến thức, năng lực quản lý để điều hành nên không có chuyện dự án đi qua địa phương nào thì địa phương đó đầu tư” - ông Chủng nêu quan điểm.•
Gần 147.000 tỉ đồng thực hiện dự án Dự án cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 2) tổng mức đầu tư là 146.990 tỉ đồng. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, bố trí 139.640 tỉ đồng, trong đó 47.169 tỉ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025. Phần còn thiếu khoảng 92.471 tỉ đồng cân đối từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2026-2030, đầu tư khoảng 7.350 tỉ đồng. Chính phủ đặt mục tiêu chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025. Sau khi hoàn thành Chính phủ sẽ tổ chức thu phí hoặc nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước. Theo tính toán sơ bộ, nếu thu phí toàn bộ 12 dự án thành phần trong năm năm đầu có thể thu hồi khoảng 18.300 tỉ đồng vốn nhà nước, trong 10 năm thu khoảng 37.881 tỉ đồng. |