Nhiều địa điểm tại Hà Nội bị phong tỏa vì phát hiện nhiều ca nhiễm COVID-19 - Ảnh: NAM TRẦN
Quyết định này sẽ ảnh hưởng tới tiến độ đi lại, công việc của nhiều người nếu đi công tác hoặc di chuyển tiếp mà Hà Nội là trạm dừng. Trong khi đó, Hà Nội là đầu mối giao thương, chính trị, kinh tế, nên nhu cầu đến Hà Nội làm việc trong thời gian ngắn là rất lớn.
Quyết định này cũng vượt quá quy định trong nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế về thích ứng an toàn với dịch COVID-19. Theo quy định hiện hành, nếu áp dụng vượt 128 và 4800 phải báo cáo Chính phủ và Bộ Y tế.
Theo thống kê của Hà Nội, thời gian qua Hà Nội ghi nhận một số ca COVID-19 đến từ vùng dịch khác, nhưng số lượng ca không nhiều so với nhóm bệnh nhân lây trong khu cách ly, khu phong tỏa.
Cụ thể, ngày 16-11 có 2/150 ca COVID-19 mới của Hà Nội là liên quan tới các tỉnh có dịch; ngày 15-11 có 2/280 ca; ngày 14-11 có 4/119 ca...
Đồ họa: NGỌC THÀNH
TP.HCM chuẩn bị để trẻ có thể đến trường
TP.HCM có gần 1,7 triệu học sinh ở nhà học trực tuyến trong suốt thời gian qua. "Việc này gây ra rất nhiều khó khăn và hệ lụy, không chỉ là không có phương tiện học trực tuyến mà học trực tuyến không giao tiếp trực tiếp, không tiếp nhận thông tin kiến thức đầy đủ, ngoài ra có thể hình thành các thói quen không tốt như nghiện game" - một lãnh đạo TP nhận định.
Thông tin từ Bộ Giáo dục - đào tạo cho biết toàn quốc có 1,2 triệu trẻ mầm non theo học trường tư, TP.HCM chiếm số lượng đáng kể. Thời gian nghỉ dịch kéo dài, số trường tư đóng cửa rất nhiều và điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới các cháu khi đi học trực tiếp trở lại.
Trong tuần này, TP.HCM sẽ làm việc với ngành giáo dục, y tế để sớm hoàn thiện kế hoạch mở cửa lại trường học. TP đề nghị các địa bàn vùng xanh của huyện Củ Chi và Hóc Môn có thể tổ chức học trước.
TP đã cơ bản hoàn thiện việc tiêm mũi 1 cho trẻ từ 12-17 tuổi. Hiện nay ngành y tế đang chuẩn bị vắc xin để tiêm mũi 2. Đây là điều kiện để chuẩn bị cho các em quay lại trường học.
Tiêm vắc xin Pfizer cho học sinh tại Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh, TP.HCM chiều 29-10 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Báo động tình trạng thai phụ mắc COVID-19 trở nặng vì không tiêm vắc xin
PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - cảnh báo nhiều thai phụ mắc COVID-19 trở nặng vì không tiêm vắc xin COVID-19. Đây là tình trạng rất đáng báo động và đau lòng.
Các bác sĩ khuyến cáo các thai phụ nên sớm tiêm vắc xin COVID-19. Nếu phát hiện mắc COVID-19, thai phụ nên đến khám tại bệnh viện có chuyên khoa sản để được khám kỹ cả mẹ lẫn thai nhi.
Các bệnh nhân F0 đang được xét nghiệm lại tại khu cách ly Bệnh viện dã chiến số 8 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Giải pháp trọng tâm phòng chống dịch thời gian tới như thế nào?
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, trong nghị quyết 141 phiên họp Chính phủ chuyên đề tháng 11, Chính phủ cơ bản thống nhất nội dụng dự thảo Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2021-2023 do Bộ Y tế trình.
Chính phủ lưu ý rà soát kỹ, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác phòng, chống dịch thời gian tới, bảo đảm khả thi, dễ thực hiện, thể hiện ngắn gọn, dễ hiểu, bao gồm các biện pháp y tế với 3 trụ cột:
- Cách ly chặt, nhanh, hẹp và giải tỏa cách ly nhanh nhất có thể, xét nghiệm khoa học, hiệu quả và nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh.
- Điều trị từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở, bảo đảm người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế gần nhất, sớm nhất có thể.
- Các biện pháp hành chính, bảo đảm an sinh xã hội và đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân, người lao động, lưu thông hàng hóa phù hợp áp dụng tương ứng với cấp độ dịch của từng vùng, từng địa bàn theo tinh thần nghị quyết số 128 của Chính phủ.
Việc thực hiện phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 phải dựa trên nguyên tắc: 5K + vắc xin + thuốc điều trị + các biện pháp điều trị + công nghệ + đề cao ý thức của người dân và các biện pháp khác.
Đẩy nhanh tiêm phòng, tăng độ bao phủ của vắc xin và bảo đảm thuốc điều trị, nâng cao năng lực của hệ thống y tế, giảm thiểu tử vong.
Nhân viên y tế tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 kiểm tra thông tin, điều trị cho bệnh nhân - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Hà Nội 24 giờ qua phát hiện 150 ca COVID-19 với 28 ca cộng đồng, 111 ca tại khu cách ly và 11 ca ở khu phong tỏa. Trong đó có 86 ca đã tiêm 2 mũi, 18 ca tiêm 1 mũi và 38 ca chưa đến tuổi tiêm. Cộng dồn số trong đợt dịch thứ 4 Hà Nội có 6.481 ca, số ca cộng đồng 2.346 ca, số ca cách ly 4.135 ca.
- Tính đến 18h ngày 16-11, Lào Cai có tổng cộng 147 ca COVID-19, trong đó 136 bệnh nhân đã được điều trị khỏi và ra viện. Hiện còn 11 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại địa phương.
- Hà Nam từ ngày 19-9 đến sáng 16-11 ghi nhận 1.155 ca COVID-19, trong đó 998 người đã khỏi bệnh. Tính đến sáng 16-11, Hà Nam có hơn 1 triệu lượt người tiêm vắc xin COVID-19, trong đó hơn 486.700 người tiêm mũi 2.
- Nam Định đến 16h ngày 16-11 ghi nhận 73 ca COVID-19, trong đó "tâm dịch" huyện Hải Hậu 49 ca; 3 ca tại thành phố Nam Định; 2 ca tại huyện Nghĩa Hưng; 16 ca tại huyện Giao Thủy và 3 ca tại huyện Nam Trực. Chỉ trong 2 ngày 15 và 16-11, ổ dịch tại xã Hải Minh đã ghi nhận 53 ca, trong đó ngày 16-11, ổ dịch này ghi nhận 49 ca.
- Ngày 16-11, Thanh Hóa cho biết trong 24 giờ qua, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 52 ca COVID-19 mới, trong đó 16 bệnh nhân lây nhiễm trong tỉnh, 36 bệnh nhân trở về từ các tỉnh, thành phố khác đang cách ly.
- Nghệ An trong 12 giờ qua (từ 6h đến 18h ngày 16-11) phát hiện 39 ca COVID-19 tại 10 huyện, thị xã trong tỉnh, nâng tổng số lên 3.251 ca. Trong đó, nhiều nhất là thành phố Vinh với 803 ca. Tính đến nay, tại Nghệ An có 2.529 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi bệnh, ra viện; 24 bệnh nhân tử vong.
- Ngày 16-11, Quảng Bình ghi nhận thêm 20 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại tỉnh là 2.233 ca, với 2.030 trường hợp đã điều trị khỏi. Tỉnh có 572.883 liều vắc xin đã được sử dụng và 83.132 người được tiêm đủ 2 mũi. Tính từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11, đã có 13.334 người từ vùng dịch về Quảng Bình, trong đó phát hiện 218 ca COVID-19.
- Đến sáng 16-11, Khánh Hòa đã ghi nhận 10.419 ca COVID-19, trong đó vẫn còn 1.389 ca đang được điều trị bệnh tại các cơ sở y tế; gần 50 địa điểm, khu dân cư đang phải phong tỏa tạm thời vì liên quan dịch tễ với các trường hợp dương tính.
- Đến 7h ngày 16-11, Lâm Đồng có tổng hợp 1.353 ca dương tính, trong đó ngày 15 và 16-11 phát hiện 149 ca. Trong số các ca dương tính, có 521 ca khỏi bệnh và ra viện, 827 ca đang điều trị, 4 ca tử vong và 1 ca chuyển về địa phương khác. Lâm Đồng đang tổ chức cách ly 12.323 trường hợp, trong đó cách ly tập trung 4.209 người, cách ly tại nhà 7.287 trường hợp.
- Từ ngày 16-10 đến ngày 15-11, Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận 2.276 ca mắc mới. Trong đợt dịch lần thứ 4, toàn tỉnh có 6.665 ca mắc. Số ca mắc mới theo tuần ghi nhận từ 16-10 đến nay tăng liên tục, trung bình tăng 144% so với tuần trước đó, trong đó số ca cộng đồng tăng 135%.
- Gần 10 ngày gần đây, số ca COVID-19 trong ngày ở Trà Vinh liên tục cao. Từ ngày 9 đến 16-11, mỗi ngày tỉnh ghi nhận thêm 132 ca, tăng 52 ca/ngày so với mức bình quân từ ngày 23-10 đến ngày 8-11. Đến chiều 16-11, Trà Vinh có 4.532 ca COVID-19; khỏi bệnh 2.403 ca và có 31 ca tử vong.
- Từ 18h ngày 15-11 đến 6h ngày 16-11, Hậu Giang ghi nhận 14 ca dương tính mới trong cộng đồng. Tính từ đầu đợt dịch đến nay, tỉnh đã ghi nhận 1.032 ca cộng đồng và 29 ca trong khu vực phong tỏa. Tỉnh đang cách ly tập trung 3.115 người, cách ly tại nhà và nơi cư trú 3.090 người.
TTO - Hệ thống y tế của Slovakia, một quốc gia châu Âu, đang căng mình trước đợt lây nhiễm COVID-19 mới. Cả nước này chỉ còn 20 giường bệnh có máy thở cho bệnh nhân COVID-19.