Công ty BioNTech của Đức đã hợp tác với Hãng Pfizer (Mỹ) để phát triển vắc xin COVID-19 dùng công nghệ mRNA. Hãng Moderna (Mỹ) cũng sản xuất vắc xin công nghệ mRNA - Ảnh: LCI
Ngày 16-11, Hãng tin AFP dẫn thông tin từ Liên minh Vắc xin nhân dân (PVA) - một liên minh vận động để tiếp cận vắc xin COVID-19 rộng rãi hơn - cho biết Hãng Pfizer, BioNTech và Moderna đã bán phần lớn vắc xin COVID-19 của họ cho các nước giàu, khiến các nước có thu nhập thấp lâm vào cảnh khó khăn.
Liên minh PVA ước tính 3 "ông lớn" dược phẩm này sẽ thu về tổng lợi nhuận trước thuế là 34 tỉ USD trong năm nay, tương đương hơn 1.000 USD mỗi giây, 65.000 USD mỗi phút, hay 93,5 triệu USD mỗi ngày.
"Thật đáng trách vì vài công ty kiếm được hàng triệu USD lợi nhuận mỗi giờ, trong khi chỉ 2% dân số ở các quốc gia có thu nhập thấp được tiêm phòng đầy đủ" - bà Maaza Seyoum thuộc PVA châu Phi bình luận.
Bà nói tiếp: "Pfizer, BioNTech và Moderna đã sử dụng sự độc quyền của họ để ưu tiên các hợp đồng có giá trị nhất với chính phủ các nước giàu nhất, khiến các quốc gia có thu nhập thấp bị lãng quên".
PVA cho biết Pfizer và BioNTech đã phân phối chưa tới 1% tổng nguồn cung của họ cho các quốc gia có thu nhập thấp, còn tỉ lệ này ở Moderna chỉ là 0,2%. Hiện nay, 98% người dân ở các nước thu nhập thấp chưa được tiêm đầy đủ liều vắc xin COVID-19.
Hành động của ba công ty nói trên trái ngược với Hãng AstraZeneca và Johnson & Johnson. Hai công ty này cung cấp vắc xin COVID-19 của họ trên cơ sở phi lợi nhuận, mặc dù cả hai đều tuyên bố sẽ chấm dứt cách làm này trong tương lai khi đại dịch giảm bớt.
PVA cho biết mặc dù nhận được nguồn tài trợ công hơn 8 tỉ USD, Pfizer, BioNTech và Moderna đã từ chối chấp nhận lời kêu gọi chuyển giao công nghệ vắc xin cho các nhà sản xuất ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thông qua Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
PVA có 80 thành viên, trong đó có Liên minh châu Phi (AU), tổ chức Global Justice Now, Oxfam và chương trình UNAIDS.
PVA đang kêu gọi các tập đoàn dược phẩm đình chỉ ngay quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin COVID-19, bằng cách đồng ý với đề xuất của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về miễn áp dụng Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS).
Hơn 100 quốc gia, trong đó có Mỹ, ủng hộ động thái trên, nhưng các nước giàu khác như Anh và Đức lại phản đối.
TTO - Hãng dược Mỹ Pfizer thông báo sẽ cho phép các nhà sản xuất thuốc generic cung cấp thuốc chống COVID-19 của hãng này cho 95 quốc gia thu nhập thấp và trung bình.