Vui vừa là điểm tựa, vừa là niềm hy vọng và tự hào của người mẹ ốm đau - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Tân sinh viên Đoàn Thị Bình Vui (23 tuổi) kể trong lá thư gửi Tiếp sức đến trường: "Ngày nhập học, mình nhìn số tiền gần 6 triệu đồng phải đóng ban đầu, nhẩm tính số tiền học 4 năm, nghĩ về mẹ, chị và các cháu rồi mình quyết định... không vào đại học nữa".
Cánh cổng đại học khép lại, nhưng Vui vẫn quyết tâm phải học để thay đổi số phận, chỉ là bằng một lối đi khác.
Tuổi thơ cơ cực
Ngược với cái tên của mình, tuổi thơ của Vui trải qua nhiều tủi buồn.
Hai chị em Vui ra đời chẳng bao lâu thì cha qua đời vì tai biến mạch máu não. Chồng mất, mẹ Vui đưa hai con nhỏ từ TP.HCM về Đà Nẵng kiếm sống.
Vì di chứng chất độc da cam, chị gái của Vui cũng gặp nhiều khiếm khuyết về thể chất lẫn tinh thần. Vui may mắn hơn, khỏe mạnh và lanh lợi. Bạn vẫn nhớ rất rõ khoảng thời gian khó khăn đó. Ba mẹ con thuê một phòng trọ rồi hằng ngày lặn lội bán vé số kiếm sống.
Vui theo chân mẹ bán vé số từ khi mới lên 5. Bạn không bao giờ quên những ngày mưa bão, ba mẹ con đi bán vé số, núp dưới hiên nhà người ta. Lạnh, đói và sợ.
"Những năm tháng đi bán vé số, nhìn thấy các bạn cùng trang lứa được cắp sách đến trường, lúc đó mình ao ước được đi học lắm, nhưng vì hoàn cảnh gia đình không cho phép nên không dám mơ đến" - Vui viết trong thư.
Đến năm 12 tuổi, Vui được Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em TP Đà Nẵng nhận nuôi và từ đây bạn được đi học. Bỏ qua mặc cảm, tự ti khi hơn các bạn đến 6 tuổi và không có ba mẹ ở bên, Vui tập trung vào việc học và liên tiếp là học sinh giỏi của trường, tham gia nhiều kỳ thi học sinh giỏi quận.
Năm lên cấp III, sức khỏe của mẹ yếu dần nên không đi bán vé số thường xuyên được. Sau giờ học Vui đi làm thêm kiếm tiền gửi về cho mẹ lo bữa ăn. Bạn cũng nhận hai suất dạy thêm, rồi xin phụ việc ở nhà hàng, tiệc cưới. Có những buổi tan làm, bạn vẫn nán lại phụ rửa hết đống chén bát chỉ để được nhận thêm 10.000 đồng.
Khó khăn nhất là chị gái của Vui lấy chồng được ba mụn con thì chồng bỏ đi biệt. Mẹ Vui phải đèo bồng thêm ba đứa cháu. Cả ba đều ít nhiều mang di chứng chất độc da cam. Bữa đói bữa no, nhìn mẹ và các cháu, nhiều lần Vui toan nghỉ học đi làm công nhân.
Bà Đoàn Thị Mỹ Nga (49 tuổi, mẹ của Vui) kể: "Có nhiều lần nó bảo thôi con nghỉ học đi làm phụ mẹ và nuôi cháu. Nhưng nghĩ đời mình cực rồi nên tui động viên Vui ráng học, sau kiếm cái bằng, đi làm cho bớt khổ".
Mẹ hãy tựa vào con
Căn nhà ở chung cư cũ tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng có ba thế hệ sống chung, mẹ Vui dành ra một phòng ngủ cho thuê lại để san sẻ tiền nhà. Từ ngủ nghỉ, học tập, ăn uống cả nhà đều gói gọn trong vài mét vuông. Sau những ngày dịch kéo dài, bệnh của bà Nga trở nặng. Nhiều tháng liền, mỗi khi lên cơn hen suyễn, bà lại mua thuốc cầm cự.
Bà Nga bẩm sinh sức khỏe đã yếu, căn bệnh hen suyễn cứ hành hạ bà nên chỉ sắp bước sang tuổi 50 mà mái tóc đã nhiều sợi bạc, gương mặt nhăn nheo. Bị dị tật hở môi nên giọng nói bà ngọng nghịu chẳng rõ lời. Dìu mẹ đi qua các khoa phòng của bệnh viện, Vui đỡ lưng người mẹ gầy còm, và chạy đi chạy lại làm thủ tục, đỡ mẹ vào khám và nhận thuốc với ánh mắt đầy lo lắng.
Khi nói về việc Vui đậu đại học là niềm hạnh phúc trào dâng trên miệng cười của người mẹ. Với bà Nga, Vui là niềm động viên, hy vọng và tự hào. Còn với Vui, bạn chỉ mong mình đủ rắn rỏi để làm điểm tựa cho mẹ.
Vui đã đậu vào Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng ngành tâm lý học với số điểm 27,9. Nhưng sau bao tính toán, bạn quyết định chọn học ngành quan hệ công chúng, PR, tổ chức sự kiện Trường cao đẳng FPT POLYTECHNIC (Đà Nẵng).
"Rất may là sau mấy tuần học online đầu tiên, mình nhận thấy mình yêu thích ngành học này. Học cao đẳng chỉ hơn 2 năm thôi, trước mắt mình mượn người họ hàng tiền đóng học phí, sau khi ra trường mình sẽ đi làm trả nợ và phụ mẹ lo cho các cháu" - Vui trải lòng.
Cô Dương Thị Hải Bình - Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm (Đà Nẵng) - là giáo viên cấp II của Vui vẫn luôn theo sát và hỗ trợ, động viên Vui đến bây giờ. Cô Bình cho biết Vui có hoàn cảnh rất đặc biệt, khó khăn hơn nhiều so với bạn bè cùng trang lứa và cũng lớn tuổi hơn các bạn nên em chịu khó và rất cố gắng phấn đấu. Ngoài việc học tốt, Vui còn rất tích cực các hoạt động xã hội.
"Tôi từng nghe Vui tâm sự về nỗi lo học phí. Nếu được hỗ trợ học bổng Tiếp sức đến trường thì quý quá, và tôi tin em xứng đáng với học bổng này" - cô Bình nói.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
TTO - Dù gia đình khó khăn, thời gian học tập rất ít nhưng Uyên lại có thành tích học tập rất tốt, 12 năm liền Uyên đều là học sinh giỏi, nhận được rất nhiều học bổng từ nhà trường và các nhà hảo tâm.
Xem thêm: mth.2403920261111202-cahk-id-iol-gnab-iod-oav/nv.ertiout