Trong lúc nhiều nhóm ngành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tăng theo nhịp tăng chung của chỉ số VN-Index, và không chỉ tăng một nhịp mà còn có thể tăng luân phiên 2-3 nhịp, nhưng cổ phiếu thép lại ngược dòng giảm giá mạnh.
Đơn cử thép Nam Kim (NKG), tính từ khi VN-Index vượt đỉnh cũ 1.420 điểm vào phiên giao dịch ngày 27.10, sau đó tăng tiếp vượt các ngưỡng và dừng lại trên mức 1.470 điểm, song NKG thì sau thời điểm trên giá lại giảm dần. Từ đỉnh giá ở mức 55.600 đồng ngày 28.10, tính đến cuối phiên giao dịch ngày 16.11 mã cổ phiếu NKG đã xuống mức 47.600 đồng, tương ứng mức giảm xấp xỉ 14,4%.
Tương tự, cổ phiếu của “anh cả đỏ” ngành thép là Hòa Phát (mã HPG), trong khoảng thời gian từ 28.10-16.11 cũng đã giảm hơn 10%. Mã cổ phiếu thép thứ ba thuộc nhóm “Big Three” trong ngành thép là HSG (tôn Hoa Sen) cũng giảm giá với mức tương đương HPG.
Theo bà Bùi Thị Kim – chuyên viên thuộc Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, giá cổ phiếu thép đang giảm quá mức so với thực tế kinh doanh của doanh nghiệp.
Thực tế kinh doanh của các doanh nghiệp thép nói chung và “Big Three” đề cập ở trên nói riêng, là tốt hàng đầu trên thị trường chứng khoán tại Việt Nam từ đầu năm tới nay. Thậm chí có doanh nghiệp, mức lợi nhuận trên cổ phiếu (chỉ số EPS) đã đạt hơn 8.000 đồng. Đây cũng là một mức lợi nhuận thuộc hàng “khủng” trên mặt bằng kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết hiện nay. Thế nhưng, mức giá cổ phiếu trên thị trường hiện tại như HSG, NKG chỉ từ trên 40.000 đồng đến dưới 50.000 đồng, còn HPG trên 52.000 đồng.
Nghịch lý này được lý giải rằng, sự kỳ vọng về biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép trong 6 tháng cuối năm không giữ được mức cao như 6 tháng đầu năm.
Cụ thể trước đó theo phân tích của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), chênh lệch giá giữa nguyên liệu đầu vào là thép cuộn cán nóng (HRC) và đầu ra (tôn mạ) của một số công ty thép hàng đầu tại Việt Nam đã mỏng hơn nhiều so với chênh lệch giá giữa quặng sắt và thép xây dựng. Điều đó khiến cho biên lợi nhuận có thể giảm trong 6 tháng cuối năm 2021 khi hàng tồn kho HRC giá thấp dần hết và thay vào đó nguyên liệu đầu vào HRC giá mới cao hơn, trong khi giá thép thành phẩm bán ra thị trường có thể giảm theo xu hướng chung của thị trường thế giới.
Đơn cử trường hợp thép Hòa Phát, ngày 16.11.2021, doanh nghiệp này đã có thông báo giảm giá sản phẩm thép cây và thép cuộn các loại 300.000 đồng/tấn. Giá cổ phiếu HPG theo đó cũng đã giảm mạnh tới 1.600 đồng trong phiên giao dịch cùng ngày, tương ứng mức giảm gần 3%.
Một góc nhìn khác từ thị trường chứng khoán cho rằng, cổ phiếu nhóm ngành thép đang điều chỉnh sau một khoảng thời gian tăng mạnh, nhằm tạo nền trước khi quay trở lại đà tăng. Đây có thể xem là diễn biến bình thường trên thị trường khi dòng tiền tạm rời xa cổ phiếu ngành thép để luân chuyển đến các nhóm ngành khác như chứng khoán, bất động sản (khu công nghiệp và dân dụng), phân bón, bán lẻ, vật liệu xây dựng khác…
Tuy nhiên nhìn về dài hạn, cổ phiếu ngành thép vẫn là nhóm ngành được kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong giai đoạn hồi phục kinh tế, đặc biệt là một khi gói phục hồi kinh tế 800.000 tỉ đồng được chính thức thông qua và triển khai.
Xem thêm: odl.837479-hnam-ahp-tub-ad-xedni-nv-ihk-gnort-tek-cam-peht-ueihp-oc-aig-oas-iv/et-hnik/nv.gnodoal