Ngày 17/11, phiên tòa xét xử bị cáo Dương Thị Bạch Diệp - Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương (tức đại gia Diệp Bạch Dương); cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài cùng đồng phạm bước vào phần tranh luận.
Trước khi bước vào phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát phát biểu quan điểm về vụ án và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.
Theo đại diện cơ quan công tố, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp đã có hành vi gian dối trong việc dùng tài sản 57 Cao Thắng hoán đổi với tài sản 185 Hai Bà Trưng để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước .
Trong quá trình điều tra và xét xử, bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng thừa nhận đã mua tài sản 57 Cao Thắng để hoán đổi tài sản 185 Hai Bà Trưng, nhằm mục đích hợp nhất khối tài sản 181-183-185 Hai Bà Trưng, quận 3.
Bản thân bị cáo Diệp biết rõ tài sản 57 Cao Thắng đang thế chấp tại Agribank nhưng vẫn cố tình cung cấp thông tin không đúng, đưa thông tin gian dối, qua đó, chiếm đoạt tài sản 185 Hai Bà Trưng.
Bị cáo Diệp luôn khẳng định tài sản 57 Cao Thắng không dùng để đảm bảo cho bất cứ khoản vay nào và Agribank đang chiếm giữ trái phép giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, lời khai trên đã bị Viện Kiểm sát bác bỏ toàn bộ.
Theo Viện Kiểm sát, bị cáo Diệp là người đại diện cho công ty Diệp Bạch Dương ký hợp đồng tín dụng, giấy biên nhận nợ. Ký nhiều giấy tờ liên quan tới việc vay vốn tại ngân hàng và có tài sản thế chấp là 57 Cao Thắng.
Viện Kiểm sát khẳng định, bị cáo Diệp biết việc hoán đổi tài sản trên là trái quy định của pháp luật nhưng vẫn làm, thể hiện việc bị cáo quyết thực hiện hành vi phạm tội. Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp đã chiếm đoạt tài sản 185 Hai Bà Trưng với giá trị 186 tỷ đồng. Cáo trạng của Viện KSND tối cao là đúng người, đúng tội, không oan sai.
Tại tòa, bị cáo Diệp không thừa nhận hành vi phạm tội và cho rằng mình không lừa đảo, tài sản 57 Cao Thắng không thế chấp cho bất kỳ khoản vay nào. Bên cạnh đó, nữ đại gia nghi ngờ hồ sơ vụ án là bị làm giả. Về vấn đề này, cơ quan công tố bác bỏ cho rằng lời khai trên là không có căn cứ.
Khi Viện kiểm sát đang luận tội thì bà Diệp mất bình tĩnh la lớn và cho rằng tài liệu trong vụ án là giả mạo. Ngay lập tức, chủ tọa phiên tòa yêu cầu nữ đại gia bình tĩnh nhưng bà chủ công ty Diệp Bạch Dương vẫn lớn tiếng nên bị yêu cầu ra khỏi phiên tòa. Không đồng ý ra với việc bị đưa ra khỏi phòng xử nên bà Diệp bật khóc rồi dần bình tĩnh lại.
Trước hành vi trên của bà Diệp, kiểm sát viên cho rằng bị cáo xúc phạm mình và đề nghị đưa vào biên bản phiên tòa.
Khi nữ bị cáo bình tĩnh thì cơ quan công tố tiếp tục luận và đề nghị ghi nhận cho bà Diệp nhiều tình tiết giảm nhẹ như lớn tuổi, sức khỏe yếu...
Bị cáo Nguyễn Thành Tài không được phân công nhiệm vụ nhưng khi nghe bị cáo Dương Thị Bạch Diệp và cấp dưới trình bày thì đã ủng hộ việc hoán đổi tài sản. Bị cáo đã tin tưởng cấp dưới, thiếu kiểm tra, không biết rõ tính pháp lý của tài sản 57 Cao Thắng đang bị thế chấp tại Agribank.
Viện Kiểm sát chia sẻ những áp lực của bị cáo Tài trong quá trình thực hiện công việc với cương vị là Phó Chủ tịch UBND TPHCM. Bản thân bị cáo có nhiều đóng góp cho TPHCM nên đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.
Các bị cáo nguyên là cán bộ của UBND TPHCM đã thiếu trách nhiệm, không kiểm tra tính pháp lý của nhà đất số 57 Cao Thắng. Từ đó, tạo điều kiện cho bị cáo Diệp chiếm đoạt tài sản Nhà nước. Bên cạnh đó, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX xem xét một số tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo.
Từ những nhận định trên, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Dương Thị Bạch Diệp mức án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Nguyễn Thành Tài mức án từ 5-6 năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng tội danh trên, cấp dưới của ông Tài bị đề nghị mức án từ 3 năm tù treo đến 6 năm tù.
Khi Kiểm sát viên vừa dứt lời thì bị cáo Diệp lại tiếp tục lớn tiếng phản đối.
Xuân Duy