'Buộc' cách ly tại nhà người từ TP.HCM về 7 ngày
UBND TP Hà Nội đã bất ngờ ra quyết định điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch trong bối cảnh các ca nhiễm của thành phố những ngày qua ở mức từ 150 - 289 ca mắc mới mỗi ngày.
Theo đó, với người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh đi về từ khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (cấp độ 4 và 3, tương ứng với màu đỏ và da cam) và các tỉnh, TP có số ca mắc cao như TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai sẽ cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú (có quyết định cách ly của địa phương) trong vòng 7 ngày, thay cho tự theo dõi sức khỏe tại nhà.
Đồng thời, xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ 1 và ngày thứ 7, thay cho chỉ xét nghiệm 1 lần vào ngày thứ 1.
Thông tin về việc Hà Nội tiến hành cách ly tại nhà 'bắt buộc' đối với người về từ TP.HCM và một số tỉnh đã gây ra ý kiến khác nhau.
Một số ý kiến cho rằng, quyết định này sẽ ảnh hưởng tới tiến độ đi lại, công việc của nhiều người nếu đi công tác hoặc di chuyển tiếp mà Hà Nội là trạm dừng.
Trong khi đó, Hà Nội là đầu mối chính trị, kinh tế, nên nhu cầu đến Hà Nội làm việc trong thời gian ngắn rất lớn.
Trao đổi với PV về vấn đề này, đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật ( CDC ) Hà Nội cho hay, như công điện số 23 của Chủ tịch Hà Nội đã nêu rõ, từ nay dứt khoát phải tiến hành cách ly tại nhà 7 ngày đối với người về từ các tỉnh, thành có dịch.
Lý giải việc này, đại diện CDC Hà Nội nêu rõ, kể từ sau ngày 20/10 (thời điểm Hà Nội ban hành Công điện 22 về việc triển khai các biện pháp tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 " -PV) số lượng người từ các địa phương có dịch về thành phố đông.
"Theo thống kê, số lượng người được phát hiện dương tính trong số người từ vùng dịch về chiếm tỷ lệ cao. Bên cạnh đó, một số người về chưa thực hiện nghiêm việc theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà.
Thậm chí, còn có hiện tượng giao lưu, tiếp xúc nhiều, nên đã có những ca lây nhiễm thứ phát.
Do đó, việc cách ly tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm những người về từ vùng cấp độ 3, 4 hay từ một số tỉnh thành như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An là việc làm cần thiết để đảm bảo an toàn", đại diện CDC Hà Nội nêu.
Cũng theo đại diện CDC Hà Nội, với các khu vực vùng 4 (vùng đỏ), người dân không được ra khỏi nhà và với vùng 3 (vùng màu da cam) cũng có khuyến cáo hạn chế di chuyển.
Song, thực tế vẫn xảy ra hiện tượng di chuyển đi các nơi khác. Do vậy, việc cách ly tại nhà là cần thiết.
Hà Nội phải có biện pháp chống dịch cao hơn TP.HCM
Trước đó, có ý kiến cho rằng TP.HCM hiện vẫn có hơn nghìn ca mắc mới mỗi ngày, song đã cho mở lại nhiều dịch vụ hơn Hà Nội, đồng thời tính cả việc mở lại trường học trực tiếp. Với Hà Nội tỷ lệ tiêm vắc xin đã đạt cao, vì thế không nên vì quá lo lắng mà có những quy định "gây khó" trong việc mở cửa, thích ứng linh hoạt, đặc biệt là với người nơi khác về thủ đô công tác, làm việc.
Về ý kiến này, đại diện CDC cho rằng, thực tế tình hình dịch, đặc thù ở TP.HCM cũng như một số tỉnh và Hà Nội hoàn toàn khác nhau nên mọi việc so sánh về các chính sách, quyết định đưa ra để chống dịch đều khập khiễng.
Cụ thể, nếu so sánh dựa trên số liệu chuyên môn thì tỷ lệ tiêm vắc xin của TP.HCM cao hơn của Hà Nội và số lượng người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh ở đây cũng cao hơn rất nhiều.
Đại diện CDC Hà Nội nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng nhất mà Hà Nội hướng đến là bảo vệ an toàn cho sức khỏe của nhân dân, cho Thủ đô, bao gồm rất nhiều các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước chứ không chỉ riêng cho thành phố.
"Do đó, đương nhiên Hà Nội sẽ phải có các biện pháp phòng, chống dịch cao hơn ở TP.HCM chứ chưa nói đến các tỉnh khác", đại diện CDC Hà Nội khẳng định.
Theo báo cáo của CDC Hà Nội, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 6.331 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 2.318 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 4.013 ca.
Cũng theo số liệu thống kê, số lượng ca mắc về từ các địa phương có dịch, tính từ ngày 11/10 đến 16/11 là 159 ca, số lây thứ phát từ chùm này là 128 ca.
Theo Hoàng Đan
Trí thức trẻ