Phe bán khống đang ngày càng khó kiếm ăn. Một số tên tuổi lừng danh nhất trong giới kiếm lời bằng cách dự đoán sự suy giảm của giá chứng khoán đang phải đóng vị thế. Chỉ thời gian mới có thể trả lời liệu hành động này là đúng đắn hay sự đầu hàng của họ báo hiệu sự chuyển biến của thị trường.
Ông Russell Clark, người tiếp quản quỹ đầu cơ trị giá 3,2 tỷ USD từ nhà quản lý quỹ nổi tiếng John Horseman vào năm 2010 đã quyết định đóng cửa. Ông Clark dành 10 năm qua dự đoán thị trường sẽ đi xuống. Những vị thế sai lầm này khiến tài sản của quỹ teo lại còn 200 triệu USD.
Đà tăng không ngừng nghỉ của chứng khoán toàn cầu đã làm tiêu tan tiền tài của các tay bán khống. Sự suy sụp của thị trường hồi đầu năm ngoái giúp giá chứng chỉ quỹ của ông Clark tăng gần 30% chỉ trong 18 ngày đầu tháng 3/2020. Nhưng thành quả này sớm "bay màu" vì thị trường chứng khoán toàn cầu đã tăng lên gấp đôi kể từ đáy quý I năm ngoái.
Ông Clark không phải bại binh duy nhất trong thị trường chứng khoán tăng liên tục.
Ban đầu, Giám đốc đầu tư chứng khoán Mỹ của Morgan Stanley là ông Mike Wilson dự đoán đến cuối năm nay S&P 500 sẽ rớt xuống còn 3.900 điểm, thấp hơn 17% so với hiện nay. Ông Wilson vẫn duy trì quan điểm tiêu cực, nhưng nâng mục tiêu lên 4.400 điểm trong 12 tháng tới. Điều này đồng nghĩa với S&P sụt 6%.
Ông Michael Burry, nhà bán khống nổi tiếng trong bộ phim "The Big Short", đã phải từ bỏ một số khoản đặt cược lớn nhất của mình trong quý III, Bloomberg cho biết. Báo cáo từ công ty Scion Asset Management cho thấy ông Burry đã đóng các vị thế bán khống Tesla và quỹ ETF ARK Innovation của nữ nhà đầu tư Cathie Wood.
Những khoản đặt cược này có thể đúng người nhưng sai thời điểm. Danh mục đầu tư của ARK bao gồm cả những cổ phiếu thắng lớn lẫn lỗ khủng. Sau khi phi mã 150% trong năm 2020, hiện quỹ này đã lao dốc 25% kể từ đỉnh tháng 2, xuống thấp hơn 5% so với đầu năm 2021.
Có lẽ cổ phiếu khó đoán nhất trên thế giới là Tesla, khoản đầu tư lớn nhất của ARK. Giá Tesla đã sụt 18% so với đỉnh đạt được trong tháng này khi CEO Elon Musk xả gần 8 tỷ USD cổ phiếu trong những ngày gần đây.
Giá Tesla vẫn cao hơn đầu năm 44%, nhưng rất dễ tiếp tục lao dốc khi CEO thoái vốn. Đến nay ông Musk mới chỉ hoàn thành một nửa lời hứa bán 10% cổ phần trong hãng xe điện của mình.
Ông Burry, người kiếm cả tỷ USD từ việc đặt cược chống lại chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp trước khủng hoảng tài chính 2008, cũng đã đóng vị thế bán khống nợ chính phủ Mỹ dài hạn vào cuối quý III. Diễn biến của trái phiếu cực kỳ khó dự đoán trong lúc nhà đầu tư tranh cãi về phản ứng của các ngân hàng trung ương trước lạm phát.
Nhà đầu tư và nhà phân tích đang ngày càng cảnh giác với cổ phiếu khi mà các chỉ số ở vài thị trường lập kỷ lục bất chấp chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nhằm chống lại giá cả tăng cao.
Nỗi sợ bỏ lỡ (FOMO) được cho là động lực mạnh mẽ nhất của thị trường trong nhiều tháng qua. Nếu yếu tố kinh tế cơ bản – bao gồm lạm phát gia tăng, tăng trưởng giảm tốc và kích thích tiền tệ thu hẹp - lấy lại vai trò vốn có, những người bán khống có thể thấy sự bi quan của họ lan tỏa toàn thị trường.