Covid-19 chưa bao giờ có dấu hiệu "hạ nhiệt" ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Các nhà chức trách vẫn đang nỗ lực hết mình để vừa đảm bảo được cuộc sống an toàn của người dân vừa ngăn chặn dịch lây lan. Tùy vào tình hình ở mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ mà các nhà lãnh đạo đưa ra những biện pháp hạn chế khác nhau, tựu chung lại là vẫn mong một ngày không xa cuộc sống sẽ quay trở lại bình thường.
Những tháng đầu năm 2021, Ấn Độ, Mỹ hay Brazil luôn "bị" nhắc tên vì phải "đứng đầu bảng" những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất thế giới thì đến những tháng cuối năm này châu Âu lại bị "réo tên" vì những con số tăng liên tục đến mức đáng báo động.
Trong số các nước bị xếp ở mức "rất đáng lo ngại" ở châu Âu, Đức là quốc gia đang đứng trong bờ vực nguy hiểm vì làn sóng Covid-19 thứ 4 đang làm đảo lộn tất cả, từ các biện pháp phòng chống Covid-19 đến cuộc sống của người dân. Nới lỏng để cuộc sống "dễ thở" hơn, nhưng quốc gia 83 triệu dân này lại "toang" thêm lần nữa vì Covid-19, trước thềm Giáng sinh đang đến gần.
Theo tờ The Guardian, Đức đang chuẩn bị để đưa ra các hạn chế chặt chẽ hơn đối với những người chưa tiêm vaccine Covid-19, trong nỗ lực kiểm soát mức độ lây nhiễm cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu (gấp đôi tỷ lệ 1 năm trước). Mới đây nhất là bang Sachsen đã đưa ra quy tắc 2G cho những người chọn không tiêm vaccine.
Một nhân viên nhà hàng thực hiện công tác kiểm dịch đối với khách.
Ngày 16/11, cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Đức, Viện Robert Koch, đã ghi nhận tỷ lệ nhiễm Covid-19 trong 7 ngày là 312 trường hợp trên 100.000 người, với một số khu vực là hơn 1.000. Một năm trước, khi vaccine mới được sản xuất, tỷ lệ này là 139. Đã có 265 trường hợp tử vong được báo cáo vào ngày 16/11, ít hơn nhiều so với mức đỉnh điểm trước khi có vaccine.
Làn sóng Covid-19 thứ 4 ở Đức đang ở mức báo động do sự lây lan của biến thể Delta, nhiệt độ mùa đông thấp tạo điều kiện cho virus sinh sôi cùng với tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn 70%.
Chỉ có chưa đầy 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ, con số này thấp hơn đáng kể so với các nước châu Âu khác như Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Sự lây lan của biến thể Delta, việc người dân quay trở lại nơi làm việc, tụ tập đông người và tiến độ chậm chạp trong việc tiêm vaccine mũi 3 (được khuyến cáo là tiêm sau 6 tháng, sau lần tiêm thứ 2), đều được cho là các nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các ca nhiễm mới.
Mùa động lạnh khiến tình trạng sức khỏe của người dân cũng giảm đi ít nhiều, đó cũng có thể là nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19 chuyển biến xấu, dẫn đến các bệnh viện có nguy cơ bị quá tải. Một số bệnh viện đã dừng tất cả các ca phẫu thuật để đối phó với sự gia tăng bệnh nhân Covid-19.
Thủ tướng sắp mãn nhiệm Angela Merkel bày tỏ lo ngại về làn sóng dịch mới và cũng cho biết bà ủng hộ việc áp đặt các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn, tập trung vào nhóm người chưa tiêm vaccine. Người phát ngôn của bà Merkel nói thay lời: “Nếu tình hình ở các bệnh viện trở nên tồi tệ hơn, thì chúng ta có thể sẽ phải áp đặt thêm các biện pháp hạn chế đối với những người chưa tiêm phòng”.
Bang Sachsen, nơi có 85% số giường ICU được dùng cho bệnh nhân Covid-19, trở thành nơi mới nhất áp dụng quy tắc 2G trong tất cả các cửa hàng và cơ sở kinh doanh không thiết yếu, nghĩa là chỉ những người có thể chứng minh họ đã được tiêm chủng hoặc đã khỏi bệnh thì mới được vào.
Bang Baden-Wuerttemberg, miền Tây Nam nước Đức hôm 3/11 cũng đã đưa ra các quy định mới để đối phó với làn sóng thứ 4, sau khi các phòng chăm sóc đặc biệt dần không còn chỗ trống vì quá đông bệnh nhân Covid-19.
Giám đốc Viện Robert Koch, ông Lothar Wieler, cảnh báo: “Đối với những người chưa tiêm phòng, khả năng cao là họ sẽ nhiễm bệnh trong những tháng tới”. Hiện Đức vẫn còn hơn 16 triệu người trên 12 tuổi chưa tiêm vaccine, đây chính là nhóm dễ bị tổn thương nhất trong làn sóng dịch lần này.
Bộ trưởng Y tế Đức Spahn thì kêu gọi đẩy mạnh việc tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa Covid-19.
Nguồn: The Guardian
LT
Pháp luật và bạn đọc