Chiều 17/11, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã tham dự Hội thảo Chuyển đổi số Nông nghiệp- Nông thôn Việt Nam trong tiến trình công nghiệp hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chuyển đổi số, con đường tăng năng suất và chất lượng nông sản
Hội thảo tập trung phân tích, làm rõ những vấn đề về phát triển chuỗi giá trị trái cây tại Việt Nam thông qua ứng dụng nền tảng kỹ thuật số; Canh tác thông minh – từ ý tưởng đến hiện thực; Nhận diện những vấn đề hướng tới nền nông nghiệp phát thải thấp nhìn từ vai trò của công nghệ số; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đánh giá chất lượng thực phẩm; Ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.
Phát biểu tham luận tại hội thảo, ông Lê Vũ Minh, Giám đốc Công ty Tư vấn chuyển đổi số - FPT Digital nhận định, nông nghiệp luôn là trụ cột trong nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong các giai đoạn khó khăn như năm 2020-2021 vừa qua.
Việt Nam có nhiều sản phẩm nông nghiệp được thị trường quốc tế đánh giá cao, tuy nhiên, năng suất và chất lượng chưa cao khi năng suất canh tác trên 1ha chỉ xếp thứ 15 trên thế giới. Ông Minh nhận định, chuyển đổi số nông nghiệp là cơ hội nâng cao năng suất và giá trị, tạo đà cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường toàn cầu.
Theo ông Minh, với phương thức sản xuất còn tương đối thủ công, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức như biến đổi khí hậu, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xu hướng thay đổi ngành nghề lao động khi lực lượng lao động tham gia và quá trình sản xuất nông nghiệp đang có dấu hiệu giảm dần. Một trong những mục tiêu nông nghiệp Việt Nam cần hướng đến là sử dụng tối thiểu tài nguyên, nguồn lực nhưng lại đạt hiệu quả tối đa cho các sản phẩm nông nghiệp. Để đạt được mục tiêu trên, việc áp dụng các thành tựu công nghệ như tự động hóa, nông nghiệp thông minh, công nghệ dữ liệu…trong sản xuất nông nghiệp là cực kỳ quan trọng. Công nghệ sẽ giúp nâng cao hiệu quả, năng suất nông nghiệp, góp phần giảm thiểu chi phí sản xuất và giải phóng sức lao động cho người nông dân.
Để hiện thực hóa công cuộc chuyển đổi số, Việt Nam cần có tầm nhìn chiến lược, có kế hoạch cụ thể trong việc áp dụng các thành tựu công nghệ vào sản xuất; đẩy mạnh công tác truy xuất nguồn gốc thông qua mã QR Code; chuẩn hóa các quy trình nuôi trồng.
“Chuyển đổi số nông nghiệp là một quá trình dài hơi, cần sự đồng hành của nhiều thành phần kinh tế, trong đó, vai trò của các cấp chính quyền trong việc kiến tạo các hành lang pháp lý, giải pháp nguồn vốn là cực kỳ quan trọng.”, ông Minh nhấn mạnh.
Giám đốc của FPT Digital đề xuất xây dựng một hệ sinh thái với nguồn thông tin cụ thể, rõ ràng và minh bạch cho ngành nông nghiệp thông qua các HTX, liên minh số. Đồng thời liên kết các chủ thể sản xuất là doanh nghiệp- người nông dân với hệ thống logictics, sản xuất giống, chế phẩm phục vụ nông nghiệp…giúp cho người nông dân dễ dàng tiếp cận với xu thế thị trường, những kỹ thuật và thành tựu canh tác tiên tiến.
Nâng cao nhận thức, cần sự vào cuộc của toàn xã hội
Tham gia góp ý tại Hội thảo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong việc đưa nông sản Việt Nam hòa nhập vào thị trường thế giới.
“Nước ta hiện có 78 Liên minh HTX với gần 18.000 HTX, số lượng trang trại và doanh nghiệp đạt con số 33,1 nghìn và 14 triệu hộ nông dân. Tổng hòa những con số trên đã hình thành nên một hệ sinh thái riêng của Việt Nam”.
Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung giải quyết một số vấn đề như minh bạch, rõ ràng trong công tác cung cấp thông tin, gắn với thương mại điện tử và vai trò của Nhà nước trong chuyển đổi số, tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Nguyễn Duy Hưng, để “biến cái không thể thành có thể” cần nâng cao nhận thức và sự chung tay, đồng lòng của tất cả các chủ thể chính trị- xã hội trong công tác chuyển đổi số. Song song với đó là hoàn thiện quy định pháp luật, tạo nền tảng cơ sở pháp lý, đầu tư phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu về kinh tế - xã hội, đất đai, tài nguyên môi trường… bởi đây là những yếu tố cực kỳ quan trọng, hình thành nền tảng then chốt cho công cuộc chuyển đổi số.