Hãng tin Reuters ngày 16-11 dẫn thông báo của hãng dược Mỹ Pfizer cho biết đã ký thỏa thuận với tổ chức Medicine Patent Pool (MPP) do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, cho phép nhiều quốc gia tiếp cận thuốc đặc trị COVID-19 dạng uống PF-07321332 do hãng này bào chế.
Thêm cơ hội mới cho bệnh nhân COVID-19
Theo thỏa thuận trên, Pfizer sẽ cấp phép phiên bản generic của thuốc PF-07321332 cho MPP, sau đó tổ chức này sẽ tiến hành lựa chọn hãng dược trong số các nước được ưu đãi tiếp cận để cấp quyền sản xuất. Thuốc generic là thuốc được bào chế dựa trên công thức của thuốc gốc nhưng không mang nhãn hiệu của thuốc gốc. Các lô PF-07321332 do Pfizer tự sản xuất và thương mại hóa sẽ mang tên Paxlovid.
Dự kiến sẽ có 95 quốc gia, chiếm 53% dân số thế giới, được thêm vào danh sách ưu đãi tiếp cận thuốc PF-07321332. Tuần trước, một lãnh đạo của Pfizer từng ước tính thị trường của thuốc PF-07321332 có thể lên đến 150 triệu người và nhiều nước sẽ mua thuốc dự trữ. Riêng Pfizer sẽ bắt đầu bán ra khoảng 180.000 liệu trình của thuốc này trong cuối năm nay với ít nhất 50 triệu liệu trình khác được lên kế hoạch sản xuất trước cuối năm 2022.
Bao bì với tên thương mại Paxlovid của thuốc PF-07321332 do hãng Pfizer
bào chế. Ảnh: SHUTTERSTOCK
Giám đốc MPP Charles Gore đánh giá thỏa thuận vừa ký kết với Pfizer là một bước tiến đáng kể trong nỗ lực đẩy lùi đại dịch COVID-19. Thuốc trị COVID-19 của hãng này sẽ là “vũ khí mới” giúp con người được bảo vệ tốt hơn trước virus và đặc biệt phù hợp với những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vốn chưa thể tiếp cận đủ số vaccine cần thiết. |
Bên cạnh đó, Pfizer cũng khẳng định sẽ miễn tiền bản quyền trong giá sản phẩm tại các quốc gia thu nhập thấp trong danh sách ưu đãi tiếp cận. Những quốc gia không thuộc diện thu nhập thấp cũng được miễn cho đến khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không còn tuyên bố COVID-19 là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.
Theo Giám đốc Pfizer Albert Bourla, các loại thuốc kháng virus dạng uống được ông đánh giá là có thể đóng vai trò quan trọng đối với mục tiêu giảm mức độ nghiêm trọng của ca nhiễm COVID-19. “Do đó, chúng tôi ở Pfizer phải làm việc thật cật lực để đảm bảo tất cả mọi người, bất kể nơi sinh sống hoặc hoàn cảnh, đều sẽ được tiếp cận những tiến bộ mang tính đột phá này” - ông khẳng định.
Trước Pfizer, một hãng dược Mỹ khác là Merck hồi tháng 10 cũng đã đạt thỏa thuận tương tự với MPP, cho phép nhiều nước đang phát triển tiếp cận thuốc đặc trị COVID-19 Molnupiravir do hãng này bào chế và thử nghiệm với đối tác Đức Ridgeback.
Hiệu quả của thuốc PF-07321332 ra sao?
Theo báo cáo kết quả thử nghiệm sơ bộ hồi đầu tháng 11 của Pfizer, khi đem thử nghiệm trên khoảng 1.200 tình nguyện viên thì thuốc PF-07321332 giảm được tới 89% khả năng nhập viện hoặc tử vong đối với những người trưởng thành có nguy cơ nhiễm COVID-19 thể nặng trong ba ngày điều trị từ lúc phát hiện triệu chứng. Thuốc cũng đạt hiệu quả 85% đối với bệnh nhân uống thuốc trong vòng năm ngày kể từ khi có triệu chứng.
Kết quả này bước đầu cho thấy có vẻ thuốc PF-07321332 của Pfizer hiệu quả hơn Molnupiravir của Merck. Trước đó, báo cáo của Merck khẳng định giảm được 50% nguy cơ tử vong và nhập viện của bệnh nhân COVID-19. Dù vậy, để có thể khẳng định chắc chắn vẫn cần thêm nhiều dữ liệu thử nghiệm trong thời gian tới. Ngoài ra, cũng cần lưu ý khác biệt trong cơ chế hoạt động của hai loại thuốc này; trong khi PF-07321332 có khả năng ức chế một loại enzyme mà virus SARS-CoV-2 cần cho quá trình phân bào để lây lan thì Molnupiravir phát huy tác dụng thông qua cơ chế đưa lỗi vào mã di truyền của virus.
Pfizer hiện cũng đã nộp đơn lên Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) xin cấp phép khẩn cấp cho thuốc PF-07321332. Đối thủ cạnh tranh Merck thì đã nộp đơn từ tháng 10. Ngoài ra, Pfizer còn đang thúc đẩy mục tiêu xin cấp phép sản phẩm này tại một số quốc gia khác gồm Anh, Úc, New Zealand và Hàn Quốc.
Nhìn chung, việc phê chuẩn các thuốc đặc trị COVID-19 dạng uống nói trên sẽ mở rộng lựa chọn cho các giới y khoa trong quá trình điều trị bệnh nhân COVID-19. Hiện tại, đối với những bệnh nhân mới nhiễm, các bác sĩ chỉ có thể kê đơn các loại thuốc kháng thể đơn dòng của Regeneron Pharmaceuticals, Eli Lilly (đều của Mỹ) hoặc các hãng khác. Tuy nhiên, các thuốc này điểm chung là loại truyền tĩnh mạch nên khá bất tiện, chỉ có thể sử dụng cho bệnh nhân nằm điều trị tại các cơ sở y tế.
Trung Quốc, Nga không được ưu đãi tiếp cận PF-07321332 Dù vậy, thỏa thuận mới cũng nhận một số phản ứng trái chiều khi vẫn còn một số nước không được ưu đãi tiếp cận. Hầu hết quốc gia được cấp phép đều thuộc khu vực châu Phi hoặc châu Á. Tuy nhiên, các nước như Brazil, Trung Quốc, Nga, Argentina và Thái Lan, những quốc gia đã trải qua các đợt bùng phát dịch bệnh lớn, lại không nằm trong thỏa thuận. Hiện chưa rõ tại sao các quốc gia này lại bị loại trừ. Pfizer vẫn giữ im lặng, còn một lãnh đạo cấp cao của MPP - ông Esteban Burrone nhấn mạnh điều quan trọng lúc này là có một loại thuốc đủ hiệu quả cho hơn 4 tỉ người trên toàn cầu dễ dàng tiếp cận. “MPP luôn cố gắng để đạt được sự cân bằng giữa lợi ích của các hãng dược, tính bền vững của các nhà sản xuất và quan trọng nhất là nhu cầu sức khỏe cộng đồng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình” - ông Burrone nói. |