Tân sinh viên Nguyễn Thị Lan Anh nuôi chí học để cha ở cõi vĩnh hằng an lòng - Ảnh: T.THƯƠNG
Giữa dòng cảm xúc trước lễ tưởng niệm nạn nhân qua đời vì Covid-19 có những câu chuyện đổi thay và quyết tâm "bình thường mới" từ những người ở lại.
Ngôi nhà ấy cuối con hẻm trên đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh, TP.HCM. COVID-19 đến và cướp đi người cha của cô học trò đã mồ côi mẹ Nguyễn Thụy Lan Anh, 18 tuổi, lúc ấy đang học lớp 12A10 Trường THPT Thanh Đa. Hơn 100 ngày trôi qua, mỗi ngày Lan Anh nghĩ về ba bằng một động lực sống mới, tự hứa với ba và với chính mình: sẽ học ra trường, có một nghề ổn định.
Mồ côi mẹ từ khi rất nhỏ, giờ mất luôn ba, Lan Anh và anh trai sống cùng cô ruột và bà nội. Đó là những người thân may mắn thoát được COVID-19. Nỗi đau rất lớn nhưng nói như Lan Anh, không thể sống với những nỗi buồn, đau thương mãi được! "Ai ở một hoàn cảnh như tôi sẽ hiểu được đau đớn, mất mát lớn như thế nào.
Nhưng mà cuộc sống ở phía trước. Tôi nhớ về những mong ước của ba, những điều ba hay nhắc trên đường đưa tôi đến trường… Nhớ nhiều vậy rồi đâu thể cứ ủ rũ mãi mà không làm gì! Tôi cố gắng học, nghĩ rằng ba vẫn sống để có động lực thực hiện nguyện ước của ba" - Lan Anh chia sẻ.
Giờ Lan Anh là sinh viên ngành truyền thông của Trường ĐH Văn hóa TP.HCM. Ngoài thời gian học, Lan Anh phụ giúp việc nhà cho cô, chăm sóc bà nội tuổi cao sức yếu. TP mở cửa ổn định sau dịch, bạn dự định sẽ đi tìm một công việc làm thêm.
"Không còn ba, anh trai tôi cũng vừa học cao đẳng vừa làm để anh em phụ nhau. Chẳng có ai nói buồn làm mất động lực, anh em tôi nén hết vào trong lòng. Nhớ ba, thương ba, hai anh em cố gắng nhiều hơn, làm việc gì ra việc đó để ở bên kia thế giới ba mỉm cười yên tâm. Mỗi ngày nhìn di ảnh ba và nghĩ mình lẻ loi.
Nỗi buồn lớn vậy nhưng cả nhà được mọi người, cộng đồng quan tâm hỗ trợ rất nhiều. Những lần nhận học bổng để tiếp tục đến trường, những lần thăm hỏi động viên của hàng xóm, bạn bè, cô, dì, chú, bác ở phường… cũng đã an ủi, tiếp sức giúp tôi biến đau thương thành quyết tâm đủ lớn để bước tiếp" - Lan Anh nói.
Lan Anh lạc quan hơn từng ngày và còn "kéo" cả bà nội, cô và anh trai mình về với cuộc sống… bình thường mới. Mỗi sáng cùng bà nội dậy sớm loanh quanh dạo bộ, uống trà, Lan Anh đọc báo cho bà nghe, cùng cô đi chợ, nấu ăn, vui vẻ như những tháng ngày trước. Trong nhà lại có những câu bông đùa như "chó với mèo" của hai anh em như ngày còn ba.
Ngày 19-11, lễ tưởng niệm nạn nhân mất vì COVID-19 sẽ diễn ra tại TP.HCM. "Ba tôi hay ba mẹ của những bạn khác vẫn được tưởng nhớ, vẫn được nhắc tới. Còn mình phải sống và nghĩ tới cuộc sống an lành.
Tình cảm, hình ảnh về ba thì chắc chắn không phai được. Việc của mình là tự hứa những gì thì thực hiện cho được. Đó là cách để nguôi ngoai, để cân bằng, tạo niềm vui cho người ở lại. Người đi cũng an lòng" - Lan Anh xúc động.
Mong người đi yên lòng
Vợ tôi sinh con trên bàn mổ lúc mắc bệnh, vẫn đang phải thở oxy. Bác sĩ quyết định cho cô ấy sinh mổ để mong giữ lại mạng sống cho cô ấy nhưng vợ tôi đã ra đi chưa đầy một tháng sau khi con gái đầu lòng của chúng tôi ra đời.
Chúng tôi từ quê vào TP.HCM làm công nhân 4 năm trước, lấy nhau tròn 2 năm. Tháng 8 dịch vào cao điểm, vợ tôi mang bầu tháng cuối. Khi phường đến test, chỉ có mình vợ tôi dương tính.
Thật sự lúc ấy tôi đã mong mình cũng dương tính để cùng vào cách ly, chăm sóc cho hai mẹ con. Nhưng kết quả PCR 2 lần sau đó tôi đều âm tính. Từ lúc vợ vào khu cách ly đến khi cô ấy ra đi, chúng tôi chỉ có thể nói chuyện với nhau qua điện thoại. Hũ tro cốt được gửi về nhà.
Tôi được bệnh viện gọi đến đón con gái về nhà sau hai lần con có kết quả xét nghiệm âm tính. Hai tháng sau đó, tôi một mình chăm con ở nhà trọ. Thành phố vừa hết giãn cách, tôi vội đưa con về quê để có thêm bà nội bế bồng. Mấy tháng không đi làm nhưng may mắn có người này người kia giúp, được thành phố hỗ trợ 5 triệu đồng để sữa, tã cho con.
Nghĩ đến những ngày vợ một mình vào khu cách ly, một mình vào phòng mổ đẻ rồi ra đi mà không có người thân nào bên cạnh đau lòng lắm. Nhưng giờ còn con nhỏ, còn mẹ già, tôi phải tiếp tục cố gắng nhiều hơn để lo cho con. Quê không có việc để làm. Khi con cứng cáp thêm chút tôi sẽ vào lại thành phố đi làm kiếm tiền chăm lo cho con để vợ ấm lòng.
(Anh Dương Ngọc Tuấn, 27 tuổi, quê Quảng Bình)
Không để con dở dang học hành
Nhà có 4 người, dịch tới, chồng tôi cách ly một nơi, hai mẹ con tôi cách ly một nơi, con gái lớn ở nhà.
Lúc chồng được chuyển từ khu cách ly vào bệnh viện và mất, chỉ còn con gái lớn ở nhà chạy đến bệnh viện, đứng từ xa tiễn cha. Anh đi lặng lẽ vậy nên giờ nghe tổ chức lễ tưởng niệm cũng mong anh được an ủi phần nào.
Người mất thì cũng mất rồi. Chục năm nay công việc của chồng tôi là kinh doanh đồ lưu niệm cho các nhà sách, tôi ở nhà nội trợ, việc làm ăn chỉ có mình chồng lo, tôi chỉ phụ giúp được chút ít.
Hai con đang tuổi ăn tuổi học. Tôi cũng phải gói ghém, sắp xếp để tiếp tục công việc của chồng. Dịch giã làm ăn khó khăn, công việc từ năm ngoái đến giờ không còn thuận lợi như trước. Nhưng phải ráng xoay xở, con đã mất cha, không vì thế mà dang dở chuyện học hành.
Chị Diễm Huyền (ngụ quận 1, TP.HCM)
TTO - Buổi lễ sẽ được tổ chức tại 2 điểm cầu TP.HCM và Hà Nội, tại các đơn vị cấp quận, huyện của TP.HCM và các địa phương có nhiều người dân tử vong, con em cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì COVID-19.
Xem thêm: mth.52191358081111202-iot-gnort-gnos-nav-ab/nv.ertiout