Đã gần 2 năm kể từ khi Trung Quốc đóng cửa các cửa khẩu quốc tế của mình nhằm ngăn ngừa dịch Covid-19 xâm nhập.
Trung Quốc bước đầu khống chế được đại dịch này ở thành phố Vũ Hán bằng việc phong tỏa thành phố đông hơn 10 triệu dân này, giữ người dân ở trong nhà trong hàng tuần và ngưng hoạt động vận tải công cộng.
Kể từ đó, Trung Quốc theo đuổi chính sách không khoan nhượng để ngăn sự bùng phát của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 . Trung Quốc đã tiến hành các cuộc phong tỏa mau lẹ, truy vết các ca nhiễm, cách ly hàng ngàn người, và xét nghiệm cho hàng triệu người.
Và Trung Quốc là nền kinh tế đầu tiên trên thế giới quay trở lại với đà tăng trưởng mạnh, cuộc sống cũng phần nào tiệm cận bình thường.
Tiếp tục không khoan nhượng với Covid-19
Dịch Covid-19 vẫn tồn tại trên toàn cầu và các đợt bùng phát cục bộ đã xảy ra trên lãnh thổ Trung Quốc, làm tổn hại đến mục tiêu của Trung Quốc về xóa bỏ dịch bệnh này bên trong lãnh thổ của họ.
Và hiện nay (tháng 11/2021), trong bối cảnh đa phần thế giới bắt đầu tái mở cửa và học cách chung sống với Covid-19, riêng Trung Quốc vẫn tìm cách tự cách ly trước đại dịch này.
Có thể thấy rõ xu hướng hướng nội này của Trung Quốc qua hành trình của nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc – Chủ tịch Tập Cận Bình . Ông Tập vẫn chưa rời khỏi lãnh thổ Trung Quốc trong 22 tháng qua.
Bên cạnh đó, cũng có sự suy giảm đang kể mức độ giao lưu nhân dân giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Dòng du khách, các chuyến công tác học thuật và kinh doanh vào Trung Quốc đều giảm mạnh.
Với tâm lý ngày càng tự hào về văn hóa truyền thống và sức mạnh quốc gia đang gia tăng, nhiều người dân Trung Quốc trở nên ngày càng nghi ngờ, có thái độ phê phán, thậm chí thù địch đối với phương Tây.
Hiện này chính cách zero-Covid của Bắc Kinh đang giành được sự ủng hộ áp đảo từ công chúng nước này, ngay cả khi không có dấu hiệu họ sẽ sớm mở cửa trở lại. Giới phân tích đặt câu hỏi: Liệu Trung Quốc sẽ duy trì trạng thái cách ly này với thế giới được bao lâu nữa.
Đóng khung trong biên giới
Trong gần 2 năm, hầu hết người dân Trung Quốc không thể ra nước ngoài do các giới hạn nghiêm ngặt ở biên giới: Các chuyến bay quốc tế bị hạn chế, kiểm dịch khi nhập cảnh rất ngặt nghèo và kéo dài, và giới Trung Quốc ngừng cấp hoặc gia hạn các hộ chiếu, ngoại trừ các trường hợp thiết yếu.
Các vị khách nước ngoài, từ du khách đến sinh viên, phần lớn bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc. Những đối tượng được phép nhập cảnh cũng như các công dân Trung Quốc hồi hương đều phải trải qua quá trình cách ly tập trung nghiêm ngặt trong ít nhất 14 ngày. Và thời gian cách ly đó có thể được giới chức nâng lên thành 28 ngày, kế đó là một thời kỳ theo dõi kéo dài nữa tại nhà.
Chính phủ Trung Quốc đã lệnh cho giới chức địa phương xây dựng các cơ sở cách ly lâu dài cho những người nhập cảnh, theo cách của đại thành phố Quảng Châu ở phương Nam – thành phố này đã dựng nên một trung tâm cách ly gồm tới 5.000 phòng trên diện tích tương đương với kích thước của 46 sân bóng đá.
Theo thông tin có được thì cả Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường, và 5 ủy viên thường vụ Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đều chưa có chuyến xuất ngoại nào trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19.
Chuyến công tác nước ngoài cuối cùng cho đến nay của ông Tập Cận Bình là vào tháng 1/2020, khi ông thăm Myanmar trong 2 ngày để thúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) – một đại dự án hạ tầng và thương mại đã bị Covid-19 làm suy yếu rất nhiều.
Việc khép kín này của Trung Quốc cũng phù hợp với chủ trương của ông Tập về việc thúc đẩy truyền thống Trung Quốc, lấy đó làm tấm lá chắn ý thức hệ trước các giá trị ngoại quốc, đặc biệt là phương Tây.
Hồi tháng 8/2021, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Trung Quốc đã bị quy kết là “kẻ phản bội” với lý do người này “mù quáng tôn sùng các tư tưởng phương Tây” khi gợi ý rằng Trung Quốc nên học cách chung sống với Covid-19. Một số người ở đại lục thậm chí còn tố ông này đã câu kết với các thế lực nước ngoài để phá hoại nỗ lực chống dịch của Trung Quốc.
Theo Victor Shih – một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học California, hầu hết các học giả và nhân viên phi lợi nhuận đã ngừng tới Trung Quốc do các lệnh hạn chế nhập cảnh và các đòi hỏi về cách ly.
Công chúng Trung Quốc ủng hộ zero Covid
Hiện tại giới chức Trung Quốc đang gia tăng quyết tâm xóa bỏ virus SARS-CoV-2, sử dụng đến các biện pháp ngày càng cứng rắn để ngăn chặn các đợt bùng phát Covid-19 ở địa phương.
Đồng thời người dân Trung Quốc cũng ủng hộ cao độ cách tiếp cận này của chính phủ. Nỗi sợ virus vẫn rất cao ở Trung Quốc, đặc biệt là trước biến thể Delta có sức lây lan rất mạnh. Hoạt động tuyên truyền của truyền thông Trung Quốc về sự tàn phá kinh hoàng của Covid-19 ở nước ngoài đã củng cố thêm tâm lý đó trong người dân Trung Quốc.
Bắc Kinh đã liên tục đổ lỗi về các đợt bùng phát Covid-19 ở địa phương cho các ca Covid-19 nhập cảnh, có thể qua đường hàng không, thực phẩm đông lạnh, hoặc các loại hàng hóa khác. Trên mạng xã hội xuất hiện các lời kêu gọi giới chức hãy mở rộng thời gian cách ly đối với người từ nước ngoài đến.
Lucas Li – một kỹ sư phần mềm đến từ tỉnh Quảng Đông cho biết, tâm lý chung là người Trung Quốc thực sự e sợ bệnh dịch này, họ cho rằng một khi đã nhiễm, nếu không chết ngay thì cũng sẽ phải hứng chịu những tổn thương sức khỏe suốt đời.
Li tin rằng dư luận chủ lưu tại Trung Quốc vẫn lựa chọn tiếp tục đóng cửa biên giới./.
Trung Hiếu
VOV