Thầy Jorge Martinez: "Các bạn sinh viên gửi đến tôi những món quà nho nhỏ, những lời chúc mừng làm tôi cực kỳ xúc động" - Ảnh: NVCC
Phần lớn những giáo viên ngoại quốc này chưa từng trải qua cảm giác có một ngày mà xã hội dành riêng để bày tỏ lòng biết ơn với họ - những người đem tri thức đến với biết bao thế hệ.
* Thầy Jorge Martinez - giảng viên môn tiếng Tây Ban Nha tại Trường ĐH Hoa Sen:
Trải nghiệm quý giá
Hằng năm, trường của tôi dạy đều có những sự kiện kỷ niệm ngày 20-11. Tuy nhiên, thú vị hơn là rất nhiều món quà tinh thần ý nghĩa từ các sinh viên thân yêu của tôi. Nhiều bạn thân tình gửi tôi nhiều tấm thiệp rất dễ thương, nhắn tin chúc mừng. Có bạn còn mua tặng tôi trà sữa nữa.
Thật ra với tôi, được dạy các học sinh Việt Nam đã thật sự là một trải nghiệm quý giá nên tôi cũng không trông đợi sẽ nhận được thêm gì từ các bạn ấy. Tuy nhiên, những tình cảm mà các bạn gửi đến tôi qua những món quà nho nhỏ, những lời chúc mừng làm tôi cực kỳ xúc động.
Ở quê nhà, bà tôi và cha tôi đều là giáo viên. Dù vậy, hồi còn nhỏ tôi không ý thức được tầm quan trọng to lớn của người thầy đối với xã hội. Đúng ra là suốt khoảng thời gian học tập tại Tây Ban Nha, tôi không cảm nhận được vai trò của người giáo viên. Nghĩ lại tôi thấy ngày đó mình cũng hơi vô tâm với thầy cô.
Cho đến khi tôi thực sự bước vào con đường giảng dạy ở Việt Nam, đặc biệt là một ngày tôi bỗng nhiên được nhận hoa từ các học sinh của mình vào Ngày nhà giáo Việt Nam. Thật sự đáng nhớ, một món quà tuyệt vời để lại trong tôi sự ngạc nhiên xen sự cảm kích và niềm xúc động. Lẽ ra, đây cũng là điều mà những người thầy từng dạy tôi khi xưa ở Tây Ban Nha xứng đáng có được: một sự ghi nhận chân thành.
Thầy Nicholas J Raybould - giáo viên Trường mầm non Sakura Montessori - Ảnh: NVCC
* Thầy Nicholas J Raybould - giáo viên Trường mầm non Sakura Montessori:
Cả trường xích lại gần nhau hơn
Ngày nhà giáo ở Việt Nam là một ngày đặc biệt và là điều làm tôi rất ngạc nhiên khi lần đầu tiên chuyển đến Việt Nam cách đây 5 năm. Ở Vương quốc Anh, chúng tôi không có ngày tri ân nhà giáo và đó không phải là điều tôi quá bận tâm. Khi đến Việt Nam, tôi thích Ngày nhà giáo vì tôi nghĩ giáo viên là một phần rất quan trọng của xã hội, họ giúp chúng ta nuôi dưỡng nguồn tri thức, lớp này tiếp nối lớp khác.
Trong các trường tôi đã làm việc tại Việt Nam, Ngày nhà giáo luôn là một ngày rất quan trọng và thường được dành cả một buổi sáng để tổ chức lễ. Ở đó, các giáo viên cũng như học sinh chuẩn bị các tiết mục văn nghệ và hát các bài hát truyền thống. Đây là một sự kiện ý nghĩa thực sự giúp cả trường xích lại gần nhau hơn. Học sinh đôi khi tặng hoa hoặc những món quà khác như một cách để nói lời cảm ơn.
Giờ đây tôi đang công tác tại trường mầm non, vào dịp 20-11 các phụ huynh gửi đến trường những lời chúc, những chậu hoa và những món quà. Điều này cũng là bài học cho các em, giúp các em thấy được cách thể hiện sự tôn trọng và bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã giúp các em học hỏi và phát triển.
* Cô Lucy Alexandra Howson, giáo viên Trường Liên cấp Amanaki:
Không thể nào quên
Ở Mỹ chúng tôi không có ngày này và không có bất kỳ kỷ niệm nào đối với người làm nghề dạy học. Vì vậy mà lần đầu đi dạy ở Việt Nam, tôi rất bất ngờ với ngày 20-11. Tình cảm của các em nhỏ dành cho tôi làm tôi không thể nào quên được. Có những bé nắn nót vẽ tặng tôi những bức tranh thật đáng yêu.
Đến giờ tôi vẫn giữ mãi những bức vẽ nguệch ngoạc ấy vì nhìn lại nó luôn làm tôi thấy hạnh phúc nhiều hơn. Tôi còn nhận được những lời nhắn và những lời chúc đầy ý nghĩa từ các cô cậu học trò nhỏ của mình.
Tôi thấy rằng Ngày nhà giáo Việt Nam là một dịp tuyệt vời để tất cả chúng ta thể hiện sự trân trọng đối với những nỗ lực hằng ngày của các thầy, cô. Tôi tin rằng việc được ghi nhận và được vinh danh sẽ giúp những người đang làm công tác giảng dạy cảm thấy kiên định và đam mê hơn với con đường mà họ theo đuổi.
Cô Veronica Romeo mặc áo dài dịp 20-11 - Ảnh: NVCC
* Cô Veronica Romeo - từng giảng dạy khoa ngữ văn Ý tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM):
Dành sự tôn trọng lớn cho người thầy
20-11 là ngày tôi lần đầu tiên được diện chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam. Tôi còn nhớ hôm ấy bạn bè, đồng nghiệp đã khen tôi mặc áo dài rất đẹp làm tôi vui lắm. Cũng trong ngày này, nhiều bạn sinh viên đã đến tặng tôi một quyển sổ tự làm, trong đó ghi đầy những suy nghĩ của họ về tôi. Một số bạn đã viết: "Không có cô, em đã từ bỏ tiếng Ý từ rất lâu", hay "Cảm ơn vì đã cho tôi đi du lịch Ý thông qua từng lớp học".
Trước khi đến Việt Nam, tôi chỉ có trải nghiệm với các sinh viên phương Tây. Tôi thực sự phải thừa nhận rằng sinh viên Việt Nam dành sự tôn trọng rất lớn cho thầy cô. Tôi nghĩ đó một phần do truyền thống văn hóa của các bạn, rất kính trọng người thầy - những người đã cho họ cuộc sống, tri thức, tình yêu thương.
TTO - Sáng 17-11, ông Phan Nguyễn Như Khuê - trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM - thăm nhà giáo Võ Anh Tuấn, nguyên phó giám đốc Sở Giáo dục Nam Bộ, và GS.TS Ngô Văn Lệ, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM).