Ông Nguyễn Văn Hùng - bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch - được bầu làm chủ tịch Ủy ban Olympic quốc gia Việt Nam khóa VI - Ảnh: QUÝ LƯỢNG
Đại hội đã bầu ra 39 thành viên ban chấp hành, trong đó có 13 thành viên ban thường vụ, 5 phó chủ tịch, 1 tổng thư ký, 1 chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam (VOC) khóa VI nhiệm kỳ 2021-2026.
Chủ tịch VOC khóa VI (2021-2026) là ông Nguyễn Văn Hùng - bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, trúng cử với số phiếu tán thành 100%. Trước đó, chủ tịch VOC khóa V là ông Nguyễn Ngọc Thiện (nguyên bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch).
Các phó chủ tịch VOC khóa VI gồm có: ông Trần Đức Phấn (phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT), ông Lê Văn Kiểm (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh golf Long Thành), ông Trần Minh Hùng (phó tổng giám đốc VOV), ông Nguyễn Quốc Kỳ (chủ tịch HĐQT Vietravel), ông Hoàng Xuân Lương (chủ tịch Liên đoàn Cử tạ - thể hình Việt Nam).
Ông Trần Văn Mạnh - tổng thư ký VOC khóa V - tái đắc cử chức danh tổng thư ký VOC khóa VI.
Tại nhiệm kỳ V, VOC đã phối hợp cùng với Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng cho thể thao Việt Nam.
Trong đó thành tích lớn nhất chính là việc lần đầu tiên trong lịch sử thể thao Việt Nam giành được HCV Olympic do công của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016.
Thành tích của thể thao Việt Nam cũng có nhiều bước tiến vững chắc trong 5 năm qua như: đoàn thể thao Việt Nam giành được 4 HCV tại Asiad 2018; luôn đứng trong tốp 3 SEA Games; đội tuyển U23 Việt Nam giành ngôi á quân châu Á 2018, đội tuyển bóng đá nam quốc gia giành HCV AFF Cup 2018 và giành quyền vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022…
Các đại biểu tham dự Đại hội khóa VI Ủy ban Olympic Việt Nam - Ảnh: QUÝ LƯỢNG
Dù vậy, theo báo cáo của nhiệm kỳ V, VOC cũng có nhiều hạn chế, bất cập, không thể giúp thể thao Việt Nam bứt phá. Cụ thể, dù có đến 81 thành viên trong ban chấp hành nhưng rất nhiều vị hầu như không đi họp, không tham gia vào các hoạt động của VOC.
VOC hoạt động dựa trên nguồn kinh phí của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), Hội đồng Olympic châu Á (OCA) và các doanh nghiệp tài trợ. Nguồn kinh phí đó giúp duy trì bộ máy, hỗ trợ các hoạt động thể thao quần chúng, đỉnh cao của Việt Nam phát triển.
Tuy nhiên theo báo cáo tài chính, suốt 5 năm của nhiệm kỳ V, VOC chỉ thu được tổng cộng 67 tỉ đồng. Trong số đó có 44 tỉ đồng thu từ tiền tài trợ của các doanh nghiệp.
Mục tiêu của VOC nhiệm kỳ VI là giúp thể thao cộng đồng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đưa thể thao Việt Nam giành thành tích cao ở Asiad 2022, Olympic 2024…
TTO - Trong khi nguồn lực nhà nước đầu tư cho thể thao có hạn, Ủy ban Olympic VN (VOC) và hầu hết các liên đoàn thể thao quốc gia lại hoạt động yếu kém.