Hội thảo chuyên đề 10 trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0 diễn ra vào sáng 18/11 với chủ đề "Phát triển ngân hàng thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Chiến lược đa kênh trong kỷ nguyên ngân hàng tương tác
Tại hội thảo, bà Trần Diễm Chi – Đại diện Backbase tại Việt Nam đánh giá sự khác biệt giữa ngân hàng truyền thống và ngân hàng tương tác hiện nay.
Theo bà, sự nổi lên của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Amazon, Microsoft, Apple và các ngân hàng kĩ thuật số trực tuyến trên toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã mang đến những trải nghiệm hấp dẫn và phù hợp với ngữ cảnh mọi lúc mọi nơi.
Chính điều này, đã tác động trực tiếp vào các ngân hàng truyền thống. Bởi trong mô hình truyền thống thì mọi kênh, phòng ban, nhóm sản phẩm trong ngân hàng đều hoạt động khá rời rạc, trọng tâm là bán sản phẩm, là cải thiện doanh thu, phí, hoa hồng. Chính điều đó, nhóm ngân hàng truyền thống đã bỏ qua những khó khăn của khách hành và điều này sẽ khiến mô hình hoạt động ngân hàng truyền thống sẽ không tồn tại lâu.
Bà Chi cho rằng, các nền tảng tương tác như Netflix, Uber, Grab, Instagram,… đã gây bão nên toàn thế giới. Họ có chức năng cải thiện cuộc sống của hàng tỷ người trên toàn cầu, cung cấp các dịch vụ trải nghiệm tuyệt vời, có sẵn ngay lập tức. Chính điều này khiến cho chúng ta phải xem xét cách mà họ thay đổi ngành bán lẻ, ngành giải trí.
“Lúc này đây, thị trường cho các nhà cung cấp mô hình kinh doanh truyền thống bị thu hẹp khi các nhà khai thác nền tảng này tham gia vào thị trường. Bây giờ, các nền tảng tương tác này đang tham gia vào các dịch vụ tài chính. Các khách hàng thực sự muốn gì, sảm phẩm hay là trải nghiệm?”, bà Chi đặt vấn đề.
Trả lời câu hỏi này, bà Chi cho rằng, khách hàng muốn được cung cấp dịch vụ theo cách mà họ muốn mọi lúc, mọi nơi, mọi thiết bị theo điều kiện của khách hàng. Do đó, ngành ngân hàng phải đi đúng hướng, áp dụng mô hình nền tảng tương tác.
“Đối với nền tảng này, các ngân hàng kiểu mẫu nên thực sự đặt khách hàng vào vị trí trung tâm. Để cạnh tranh với ngân hàng kỹ thuật số sắp tới, các ngân hàng truyền thống cần chuyển đổi từ việc lấy sản phẩm làm trung tâm sang mô hình lấy khách hàng làm trung tâm của mọi hoạt động”, đại diện Backbase Việt Nam nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân cũng cho rằng, dịch vụ ngân hàng tương tác đặt khách hàng trung tâm và nó thay đổi tư duy của ngân hàng trong các hoạt động truyền thống.
Ông cho rằng, việc lấy khách hàng làm trung tâm rất quan trọng khi các ngân hàng bước vào cuộc đua đầu tư cho công nghệ và nhân lực để phát triển hệ sinh thái tiện ích số nhằm đón đầu những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng.
Sử dụng ngân hàng số tại Việt Nam nhanh nhất khu vực
Theo đánh giá của các chuyên gia, ngân hàng được xác định là lĩnh vực có tác động xã hội liên quan đến hoạt động hàng ngày của người dân, thay đổi nhận thức người dân nhanh nhất và cần được ưu tiên chuyển đổi số trước.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng, rà soát quy định pháp lý đáp ứng mô hình ngân hàng số, ứng dụng các thành tựu công nghệ mới bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn trong lĩnh vực thanh toán an toàn…
Thanh toán trên thiết bị di động tăng trưởng mạnh hàng năm, trên 90% về số lượng và 150% về giá trị. Nhiều ngân hàng có trên 90% giao dịch trên kênh số, ngân hàng tại Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với mức độ nhanh nhất trong khu vực.
Hệ sinh thái số, thanh toán số được thiết lập với việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với hầu hết các dịch vụ số khác trong nền kinh tế, mang lại các trải nghiệm liền mạch, tiện ích cho người sử dụng trong không gian số.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng năm 2030 đặt ra nhiều mục tiêu phát triển ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng.
Việc chuyển đổi số, xây dựng mô hình ngân hàng số cần có sự tham gia tích cực của các cơ quan, ban ngành, đơn vị liên quan, không chỉ là ngành ngân hàng. Để thực hiện mục tiêu này, Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới sẽ thực hiện 5 giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, chuyển đổi nhận thức, chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho chuyển đổi số; Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số; Thứ ba, phát triển hạ tầng số, kết nối chia sẻ dữ liệu ngân hàng cho các ngành lĩnh vực khác;
Thứ tư, các mô hình ngân hàng số ưu tiên sử dụng công nghệ 4.0 để cung ứng các sản phẩm dịch vụ, an toàn, tiện lợi với chi phí thấp; Thứ năm, đảm bảo an ninh, an toàn, quyền lợi ích hợp pháp của khách hàng.