Giữa tiết trời chuyển đông, gió se lạnh, trên con phố Phan Đình Giót tại quận Hà Đông, Hà Nội bóng dáng người phụ nữ 30 tuổi nhỏ nhắn xếp từng mớ rau bán ế vào túi để dọn hàng. Chị là Lê Thanh Huyền (điều dưỡng của khoa Phụ Sản, Bệnh viện Tuệ Tĩnh thuộc Học viện Y học Cổ Truyền Việt Nam). Công việc bán rau lề đường vào ban đêm gắn bó với chị đã nửa năm qua, từ khi chị cùng 160 nhân viên, cán bộ y tế tại bệnh viện bị nợ 50% lương.
Nhặt từng mớ rau bán ế vì hôm nay trời lạnh, người người hối hả chỉ muốn về thật nhanh với gia đình nhưng 2 vợ chồng chị Huyền vẫn tranh thủ thời gian bán chút rau kiếm thêm thu nhập.
Chị Huyền lắc đầu ngao ngán: "Bần cùng bất đắc dĩ, tôi mới phải làm thế này, với số lương ít ỏi chỉ được 2,3 triệu mỗi tháng như hiện tại, chồng không có việc làm, 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Tiền nhà, tiền điện, tiền sinh hoạt, tiền ăn đều phụ thuộc vào thu nhập từ tôi. Hiện công việc bán rau là nghề chính của gia đình, cũng không biết với tình trạng kéo dài như vậy, gia đình tôi sẽ phải sống như thế nào".
Phụ chồng xếp nốt số hàng còn ế vào chiếc xe đẩy vừa được bạn tặng vài hôm, chị Huyền ngồi kể, từ tháng 5/2021 đến nay khi tình hình dịch bệnh khó khăn, 128 cán bộ, công nhân viên cơ hữu, 30 lao động hợp đồng bị bệnh viện thông báo nợ 50% lương. Thậm chí, lương tháng 11 thông thường sẽ được nhận vào ngày 10, nhưng đã quá 10 ngày chị và mọi người vẫn chưa được nhận.
Trước khi có tình trạng này xảy ra, lương của chị Hiền đã chỉ được 4,7 triệu đồng chưa kể phụ cấp. Tuy nhiên 6 tháng qua chị chỉ nhận được một nửa số tiền đó, khó khăn chồng chất khó khăn, buộc chị phải bán rau mưu sinh. Ảnh: SC.
"Trước khi có dịch COVID-19, từ năm 2019 sau khi bệnh viện xin cơ chế tự chủ, chúng tôi bị cắt hết thưởng chỉ để lại mỗi lương, là chúng tôi đã thấy khốn đốn lắm rồi. Nhưng hiện tại, dịch bệnh khiến chúng tôi càng lâm vào bần cùng hơn. Nhiều người còn phải chạy grab và ship hàng, cứ thế long đong, lận đận 6 tháng qua", chị Huyền nói.
Hằng ngày cứ sau 17h chiều tan ca làm tại bệnh viện, chị Huyền sẽ ra chỗ bán để ngồi bán rau. Hàng hóa thì được chồng chị về quê tại Chương Mỹ từ sáng sớm, lấy của gia đình và một phần của anh em, người thân chở lên. Hàng hóa bao gồm rau, bưởi, trứng, nem chua, giò... Sau đó, chồng chị sẽ về lo cơm nước và dạy 2 con học bài, khoảng 19-20h thì lại ngược 4km lên với chị và giúp chị dọn hàng.
Ngồi nhẩm tính số tiền phải chi cho một tháng, chị cho biết, mỗi tháng tiền nhà và điện nước đã hết gần 4 triệu, tiền ăn xăng xe và điện thoại cũng rơi vào tầm 6 triệu/tháng. Trong khi đó, còn chưa kể tiền học cho 2 con nhỏ,… Nghĩ đến số tiền ấy, chị Huyền lại thở dài.
"Đầu tháng 10 vừa qua, vì không thể xoay sở, vay mượn của ai thêm nữa, tôi đã phải vay ngân hàng 50 triệu để chi trả cho việc sinh hoạt của 4 người trong gia đình. Sợ rằng hết số tiền này, 2 vợ chồng không biết sẽ tính kế gì tiếp. Bởi tiền lương cùng tiền lãi bán rau chỉ đủ cho tiền nhà và tiền xăng xe, các khoản còn lại không còn cách nào, phải đi vay để chi trả thêm", chị Huyền nói. Ảnh: SC.
Với số tiền ít ỏi nhận được, hỏi chị có bao giờ nghĩ đến việc chuyển việc, chị Huyền luyến tiếc: "Tôi về đây được trong 10 năm, gắn bó với bệnh viện, yêu nghề nên cứ cố bám trụ, thế nhưng nếu cứ kéo dài như vậy tôi sợ sẽ phải bỏ nghề chứ không phải chuyện đùa". Ảnh: SC.
Chị Huyền cũng cho biết, chị cùng mọi người đã nhiều lần làm đơn lên ban lãnh đạo cùng Bộ Y tế về việc xin quay lại cơ chế nhà nước thay vì cơ chế tự chủ, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết. Cán bộ, nhân viên y tế vẫn phải chấp nhận việc thu nhập không đúng như hợp đồng đã ký. Như vậy không công bằng cho mọi người. Chị Huyền mong rằng, thời gian tới tình trạng của chị và mọi người tại bệnh viện Tuệ Tĩnh sẽ được giải quyết nhanh chóng, để mọi người được trở về cuộc sống bình thường như trước kia. Ảnh: SC.
Theo Lê Liên
Doanh nghiệp và Tiếp thị