Việc ứng dụng đã được đẩy mạnh trong mọi hoạt động
Thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ cao (CNC) đã được đẩy mạnh trong mọi hoạt động trong nông nghiệp của Tp.Hà Nội, từ sản xuất, chế biến, cho tới bảo quản nông sản.
Từ đó, đem lại những lợi ích nhất định, cho năng suất vượt trội, giá trị cao, đảm bảo an toàn thực phẩm như: Sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao; các trang trại trồng trọt sử dụng giống nuôi cấy mô, giống sạch bệnh, hệ thống tưới tiết kiệm, canh tác cây trồng trong nhà màng, nhà lưới.
Cụ thể, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, năm 2019, thành phố có 129 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, các mô hình chỉ dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ từng phần, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của thành phố.
Thế nhưng, chỉ tới khoảng giữa năm 2021, con số này đã là 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, để thực hiện thành công mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn thành phố đã tập trung ứng dụng cơ khí hóa đồng bộ vào trồng trọt như mạ khay, máy cấy, máy cày bừa, máy gặt đập; sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo công nghệ vi sinh, nuôi trong chuồng kín, có hệ thống xử lý môi trường.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay.
Doanh nghiệp nông nghiệp (DNNN) vẫn còn phải xoay sở
Các DNNN Hà Nội chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Nguồn vốn trong các DN nông nghiệp rất hạn chế. Việc tiếp cận nguồn vay khó khăn do phần lớn các ngân hàng không chấp nhận tài sản thế chấp là các trang thiết bị, cây, con của các cơ sở trồng trọt và chăn nuôi, kể cả các thiết bị CNC.
Một trong những yếu tố khác ảnh hưởng tới quá trình đưa công nghệ vào thực tiễn của DN là Hà Nội “đất chật, người đông”. Do đó, việc tạo quỹ đất lớn để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là hết sức khó khăn. Đây là một trong những "nút thắt" chính khiến nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhưng chưa thể thực hiện.
Mặt khác, yếu tố con người cũng là một loại rào cản. Tỉ lệ lao động nông thôn chưa qua đào tạo vẫn ở mức cao, do đó người lao động còn nhiều bỡ ngỡ với thiết bị CNC, có tư duy nhận thức chưa thực sự tân tiến. Chính vì vậy khả năng tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong doanh nghiệp còn chưa ấn tượng.
Gỡ bỏ nút thắt cần kết hợp nhiều biện pháp
Thứ nhất, cơ cấu lại vốn đầu tư cho kinh tế nông nghiệp. Cần tăng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn.
Thứ hai, cơ cấu lại đất đai trong kinh tế nông nghiệp. Tăng diện tích cây trồng với các giống cây có giá trị kinh tế cao; thực hiện chuyển đổi đất lúa vùng úng trũng sang nuôi trồng thủy sản, vùng cao khó khăn về nước tưới sang rau, màu, hoa, cây cảnh… có giá trị kinh tế cao; tăng nhanh diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thứ ba, đặc biệt quan trọng, cơ cấu lại trình độ kỹ thuật trong nông nghiệp theo hướng tăng cường áp dụng khoa học - công nghệ. Cần tập trung vào cơ cấu lại loại hình công nghệ theo hướng, giảm các loại công nghệ thủ công truyền thống, ưu tiên cho công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ sinh học.
Theo đó, chú trọng áp dụng công nghệ ở tất cả các khâu của quá trình sản xuất. Cụ thể, trong lai tạo giống phù hợp với yêu cầu của thị trường; gia tăng các phương pháp, quy trình kỹ thuật mới trong nuôi, trồng, phòng trừ dịch bệnh, chế biến, bảo quản nông sản nhằm tạo ra sự đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất.
Đồng thời, gia tăng các loại công cụ, phương tiện lao động mới; thực hiện cơ giới hóa đồng bộ, từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch đến khâu chế biến tiêu thụ sản phẩm.
Thứ tư, cơ cấu lại lực lượng lao động trong nông nghiệp. Thực hiện cơ cấu lại lao động nông nghiệp theo hướng, giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp để chuyển sang các ngành nghề phi nông nghiệp; giảm tỷ trọng lao động phổ thông, tăng tỷ trọng lao động qua đào tạo, nhất là lao động có bằng đại học, cao đẳng, lao động khoa học kỹ thuật.
Ths. Đặng Thị Tố Tâm