Giá vật tư nông nghiệp, đặc biệt là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đang tăng “nóng” từng ngày, “ăn mòn” lợi nhuận của nông dân. Nguy cơ vụ đông xuân 2021-2022, người trồng lúa sẽ không có lãi.
Nông dân “hoảng hồn” vì giá VTNN liên tục lập đỉnh
Trao đổi với PV Lao Động, bà Nguyễn Thúy Nga (ngụ tại xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) không giấu nổi lo lắng khi giá vật tư nông nghiệp (VTNN), đặc biệt là giá phân bón tăng chưa có điểm dừng.
“Mỗi hecta lúa phải bón từ 600-700kg phân các loại. Vụ đông xuân năm ngoái lãi từ trồng lúa của gia đình tôi đã giảm 40% vì giá phân bón tăng. Hiện nay giá tất cả các loại phân bón lại tiếp tục tăng cao thì nguy cơ vụ đông xuân 2021-2022 sắp tới sẽ bị lỗ vốn nếu giá lúa không tăng” - bà Nguyễn Thúy Nga chia sẻ.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp, vụ lúa đông xuân 2021-2022, toàn tỉnh dự kiến xuống giống 190.000ha, cần sử dụng 133.000 tấn phân bón và gần 2.100 tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Thế nhưng, hiện nay nông dân trồng lúa tại ĐồngTháp cũng như các tỉnh ĐBSCL đang “đau đầu” vì giá phân bón liên tiếp lập "đỉnh" mới. Bên cạnh đó, chi phí điện, nước, xăng dầu tăng sẽ “đội” chi phí sản xuất lên cao, nguy cơ người trồng lúa không có lãi là rất lớn.
Mặc dù Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đưa ra thông tin: Trong nửa năm gần đây, giá phân bón tăng rất cao, có những loại phân tăng tới trên 100%, ví như giá phân urea là 16.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ các năm chỉ khoảng 6.700 đồng/kg, tuy nhiên, thực tế giá phân bón trên thị trường tăng cao hơn nhiều. Chủ của nhiều đại lý phân bón cũng "kêu trời" vì nhiều loại phân bón tăng gần gấp đôi khiến việc kinh doanh của họ rất khó khăn bởi nông dân cắt giảm lượng mua.
Bà Nguyễn Thị Bảy - chủ đại lý phân bón tại xã Long Thuận, huyện Bến Cầu (Tây Ninh) chia sẻ: Đến ngày 17.11.2021, giá ure Phú Mỹ là 860.000 đồng/bao, giá kali clorua sản xuất trong nước cũng đã gần 600.000 đồng/bao…
“So với cùng kỳ năm trước, giá các loại phân bón tăng ít nhất từ 80% trở lên, trong đó, trong đó tăng cao nhất là ure - tăng trên 125%, phân DAP tăng 150%” - bà Bảy cho hay.
Ông Nguyễn Văn Em (xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) cũng cho hay, đông xuân là vụ lúa chính của Đồng bằng sông Cửu Long, nên nông dân rất trông chờ ở vụ này. Thế nhưng, từ đầu tháng 4.2021 đến nay giá phân bón liên tục “tăng tốc” và với mức giá hiện nay, dự báo vụ đông xuân 2021-2022 sẽ bị VTNN "ăn" mất lãi.
“Các đại lý liên tục điều chỉnh tăng giá phân bón, trung bình khoảng 15 ngày lại điều chỉnh giá mới, cao hơn giá cũ từ 10.000-30.000 đồng/bao tùy loại. Giá một số loại thuốc BVTV cũng được điều chỉnh tăng từ 30-50% trong khi giá lúa đứng im, thậm chí giảm, thì nông dân không thể có lãi” - ông Nguyễn Văn Em nói.
Khảo sát của PV Lao Động cho thấy, hiện giá phân DAP đã tăng lên mức 980.000 đồng/bao 50kg, Đạm Cà Mau 830.000 đồng/bao, kali 780.000 đồng/bao… bình quân mỗi bao phân 50kg tăng từ 300.000-400.000 đồng; phân NPK Lâm Thao có giá 500.000-530.000 đồng/tạ, tăng 20%; phân urê Hà Bắc: 1.200.000 đồng/tạ, tăng 40%. Giá thuốc BVTV cũng tăng: Giá thuốc trừ cỏ thế hệ mới Newfosinate 150 sl 4.0 chai 800ml đã tăng 30% (117.000 đồng/chai); giá thuốc trừ sâu sinh học Phumai 3.6 chai 90ml tăng 15% (giá 25.000 đồng/chai)…
Không “thả nổi” giá phân bón để đảm bảo an ninh lương thực
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), các vụ lúa ở khu vực phía Nam như vụ đông xuân, vụ hè thu có thể sản xuất ra khoảng 21 triệu tấn lúa gạo, chiếm 50% lượng lúa gạo cả nước. Tuy nhiên, năm nay giá vật tư tăng cao nên rất khó khăn để có giá thành sản xuất thấp. Vì vậy cần có giải pháp cho vấn đề này.
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), cho hay: Chi phí phân bón, thuốc BVTV chiếm khoảng 38% tổng chi phí sản xuất lúa. Trong đó, chi phí phân bón chiếm 22%, chi phí thuốc BVTV chiếm khoảng 16%. Chi phí này còn thay đổi tuỳ vào vụ mùa sản xuất và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai của từng địa phương. Khi giá phân bón, thuốc BVTV tăng cao sẽ làm tăng giá thành sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, cần các giải pháp hỗ trợ để người trồng lúa không bị thua lỗ, có thể chán nản mà bỏ vụ. Mặc dù vấp phải nhiều ý kiến tranh luận, nhưng ông Lê Thanh Tùng vẫn bảo lưu ý kiến, cho rằng nông dân, đặc biệt là nông dân vùng ĐBSCL cần giảm bớt lượng phân bón vì hiện nay, nhiều vùng vẫn bón phân quá lượng cần thiết gây lãng phí.
Để ổn định giá sản xuất cho nông dân trong thực hiện liên kết các cánh đồng mẫu lớn, phục vụ xuất khẩu lúa chất lượng cao, các doanh nghiệp (DN) đã hỗ trợ chi phí VTNN cho nông dân.
Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ Cao Trung An, cho hay: “Với 10.000ha cánh đồng lớn liên kết, công ty hỗ trợ cho nông dân tiền phân bón khoảng 9 tỉ đồng (30% của 50% số lượng phân). Bên cạnh đó, DN cũng mua lúa với giá cao hơn thị trường với tổng mức khoảng 18 tỉ đồng, cộng chung cả vụ là 27 tỉ đồng”.
Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời) - ông Nguyễn Hữu Tho cũng chia sẻ: Ngay từ đầu năm 2021, DN đã cam kết sẽ không tăng giá VTNN trong cả năm 2021 để chung tay cùng người dân sản xuất và tiêu thụ lúa hiệu quả. Đặc biệt, trong vụ đông xuân 2021 - 2022, Lộc Trời mở rộng mô hình bao lợi nhuận tại các tỉnh Ðồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ... với diện tích khoảng 30.000ha. Lộc Trời bao toàn bộ chi phí đầu vào sản xuất cho người dân như thuốc BVTV, phân bón...
Theo đó, ngay từ đầu vụ, người dân sẽ ký thỏa thuận với Tập đoàn mức năng suất và mức lợi nhuận cố định. Nếu sản xuất tốt, năng suất thu được cao hơn mức cam kết thì người dân sẽ được hưởng phần tăng thêm đó.
* Ông Trương Kiến Thọ - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang: Hiện nay, giá vật tư đầu vào, phân bón đang là rào cản lớn đối với lợi nhuận của người nông dân. Do đó, cần có các biện pháp bình ổn giá với các chính sách thích hợp. Sở NNPTNT An Giang kiến nghị có chính sách tạo nguồn vốn cho hợp tác xã để hợp tác xã có thể mua được sản phẩm, VTNN từ nhà máy để nông dân có thể giảm được chi phí trung gian.
* Ông Huỳnh Tất Đạt - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp: Sở đã đề nghị Cục Quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tình hình VTNN trên địa bàn tỉnh nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng tăng giá, bán hàng không đảm bảo chất lượng, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, để cân đối giữa chi phí sản xuất và lợi nhuận thu vào, nông dân phải tự đổi mới, chủ động hơn trong việc sản xuất của mình bằng việc giảm giống gieo sạ, áp dụng “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”… để tự giảm chi phí sản xuất.
* Ông Lê Hữu Toàn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang: Giá phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh đã tăng từ 30-40% so với vụ trước, trong khi giá bán lúa không tăng. Vì vậy, cơ quan chức năng tỉnh đang siết chặt quản lý để giá bán vật tư đầu vào không tăng thêm. Ngay từ đầu vụ, tỉnh đã thanh tra, kiểm tra vật tư đầu vào. Đối với phân bón, đã thanh tra, kiểm tra hơn 700 cơ sở kinh doanh, xử lý 61 cơ sở đã bị xử lý. L.V
Xem thêm: odl.639479-tab-taht-aul-gnort-iougn-oc-yugn-hnam-gnat-peihgn-gnon-ut-tav-aig/et-hnik/nv.gnodoal