Hà Nội xét nghiệm sàng lọc ngoài cộng đồng cho người dân - Ảnh: NAM TRẦN
Theo thống kê của Bộ Y tế, bình quân số ca nhiễm mới ghi nhận trong 7 ngày vừa qua là 9.126 ca/ngày, trong khi tuần liền kề trước đó là 7.821 ca/ngày. Tuần qua có 2 ngày số tử vong vượt 100 ca, cao nhất là ngày 18-11 với 139 ca. Trung bình số tử vong tuần qua là 90 ca/ngày, tuần liền kề trước là 72 ca/ngày.
Tình hình kể trên cho thấy cần sớm có biện pháp đánh giá, can thiệp hiệu quả để giảm số bệnh nhân chuyển nặng và tử vong. Trong số này có tiêm mũi vắc xin bổ sung (mũi booster). Những người tiêm vắc xin đầu tiên tại Việt Nam là từ tháng 3, đến nay đã qua 8 tháng, trong khi các báo cáo trên thế giới cho đến nay đều cho thấy hiệu quả miễn dịch của vắc xin giảm nhiều sau tiêm chủng 4-6 tháng.
Bộ Y tế cũng cho biết đã giao các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur đánh giá hiệu quả miễn dịch trên người đã tiêm vắc xin.
Đã có đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ chi viện nhân lực điều trị thêm cho khu vực Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ, nơi chiếm đa số ca tử vong hằng ngày.
Hiện một số bệnh viện tuyến trung ương vẫn đang hỗ trợ nhân lực ở đây, như đoàn 14 y bác sĩ của Bệnh viện Nội tiết Trung ương chi viện Vĩnh Long, nhưng An Giang, Kiên Giang... đang là địa phương có số bệnh nhân COVID-19 tử vong cao hơn ở khu vực miền Tây.
Người dân quận 12 được nhận hỗ trợ khi đang cách ly tại nhà - Ảnh: DUYÊN PHAN
TP.HCM có số ca mắc mới 1.000 - 1.400 ca/ngày
Sau 2 ngày cho phép mở cửa, ngày 18-11, UBND TP.HCM đã ban hành văn bản chỉ đạo hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, massage, spa, quán bar... tạm thời ngừng kinh doanh đến khi có thông báo mới. Lý do tạm ngừng là vì tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Số ca mắc mới của TP mỗi ngày còn cao, từ 1.000-1.400 ca/ngày. Số ca nhập viện những ngày gần đây luôn cao hơn số xuất viện. Số ca tử vong chưa giảm, thậm chí là có tăng.
Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, để TP.HCM tiếp tục được an toàn trong trạng thái bình thường mới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM khuyến cáo mỗi người dân cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch sau khi đã tiêm đủ liều vắc xin, nhất là biện pháp 5K.
Học sinh khai báo y tế và điền vào phiếu thông tin tiêm chủng tại Cung thể thao Tiên Sơn - Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Có thể sớm có biện pháp ngăn chặn biến chuyển nặng ở người suy giảm miễn dịch mắc COVID-19
Có khoảng 2% dân số toàn cầu được xếp vào nhóm có nguy cơ cao không thể tạo ra phản ứng miễn dịch đầy đủ với vắc xin COVID-19. Họ bao gồm những người bị ung thư máu hoặc các bệnh ung thư khác đang được điều trị bằng hóa trị liệu, bệnh nhân đang lọc máu, những người đang dùng thuốc chống thải ghép sau khi ghép tạng, người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch cho các bệnh như đa xơ cứng và viêm khớp dạng thấp.
Bộ Y tế vừa phát đi thông báo cho hay có cơ hội cứu những bệnh nhân này, khi Hãng dược AstraZeneca vừa thử nghiệm AZD7442 pha III.
Đây là thử nghiệm đầu tiên được thiết kế đánh giá việc sử dụng kháng thể đơn dòng trong dự phòng cho người mắc COVID-19 có triệu chứng. Thử nghiệm này chủ đích thu tuyển những người tham gia thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao và bị suy giảm miễn dịch.
Hơn 75% số người tham gia thử nghiệm có sẵn các bệnh đồng mắc tại thời điểm đánh giá ban đầu khiến họ thuộc nhóm nguy cơ mắc COVID-19 nặng nếu nhiễm bệnh, bao gồm cả những người bị suy giảm miễn dịch và có thể không có đáp ứng miễn dịch đầy đủ sau tiêm ngừa.
Kết quả phân tích sơ bộ lẫn phân tích sau sáu tháng cho thấy không có trường hợp bệnh nặng hoặc tử vong do COVID-19 nào được ghi nhận ở những người được phòng ngừa với AZD7442. Trong khi nhóm sử dụng giả dược, có thêm hai ca mắc COVID-19 nặng tại thời điểm đánh giá sáu tháng, nâng tổng số thành năm ca COVID-19 nặng và hai ca tử vong liên quan đến COVID-19.
Một phân tích thăm dò của thử nghiệm điều trị trên những bệnh nhân mắc COVID-19 từ nhẹ đến trung bình, cho thấy một liều AZD7442 600mg tiêm bắp làm giảm nguy cơ tiến triển thành COVID-19 nặng hoặc tử vong (do bất kỳ nguyên nhân nào) tới 88%, so với giả dược ở những bệnh nhân đã có triệu chứng trong ba ngày hoặc ít hơn tại thời điểm điều trị.
90% người tham gia thử nghiệm đều thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ bệnh trở nặng nếu họ bị nhiễm COVID-19, bao gồm những người có bệnh đồng mắc.
Thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nhằm giảm biến chứng nặng, giảm tử vong hiện là sản phẩm thiết yếu cho tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam giai đoạn thích ứng an toàn với dịch như hiện nay. Hiện Việt Nam đã được chia sẻ quyền sản xuất 2 thuốc điều trị COVID-19 nổi bật vừa được các hãng dược lớn của thế giới phát minh.
Nhân viên y tế thăm khám và động viên F0 tại Bệnh viện dã chiến số 7 (TP Thủ Đức) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Hà Nội yêu cầu kiểm tra liên tục giá test xét nghiệm, vật tư, thiết bị chống dịch
Hà Nội vừa có kế hoạch phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong kinh doanh, mua bán trang thiết bị y tế, test xét nghiệm, tiêm chủng...
Theo đó, Hà Nội yêu cầu các cơ quan chức năng theo phân công thường xuyên kiểm tra, rà soát thực hiện công khai minh bạch giá các trang thiết bị y tế, sinh phẩm, vật tư y tế. Yêu cầu các cơ sở xét nghiệm niêm yết giá, giám sát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tham nhũng, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dịch bệnh để găm hàng, tăng giá.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
- Ngày 18-11, Hà Nội ghi nhận số F0 ngoài cộng đồng cao kỷ lục 114/tổng số 277 ca. Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 đến nay là 7.016 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 2.542 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly là 4.474 ca.
- Vĩnh Phúc ngày 18-11 ghi nhận thêm 55 ca mắc, tập trung chủ yếu ở 2 xã Bồ Sao, Lũng Hòa. Các ca mắc mới này đều liên quan đến các ca mắc COVID được ghi nhận ngày 17-11. Đến nay, Vĩnh Phúc đã bao phủ vắc xin đối với người từ 18 tuổi trở lên, đạt 93,9% dân số.
- Từ 18h ngày 17-11 đến 18h ngày 18-11, Phú Thọ ghi nhận thêm 15 ca dương tính; 9 ca cộng đồng. Từ ngày 14-10 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.438 ca COVID-19. Trong ngày 18-11, tỉnh tổ chức tiêm 28.148 liều vắc xin COVID-19; lũy tích toàn tỉnh đã có 896.966 người đủ điều kiện được tiêm ít nhất một mũi, trong đó có 259.330 người đã được tiêm đủ hai mũi.
- Tối 18-11, Bắc Giang phát sinh thêm 49 ca F0. Tính từ ngày 26-10-2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 834 ca COVID-19.
- Đến 16h ngày 17-11, Thanh Hóa nhận thêm hơn 880.000 liều vắc xin COVID-19, nâng số vắc xin được phân bổ đến thời điểm này là hơn 3,4 triệu liều. Đến chiều 18-11, Thanh Hóa đã triển khai tiêm được 1,886 triệu liều vắc xin COVID-19, trong đó 72,39% người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn đã được tiêm ít nhất 1 liều.
- Bà Rịa - Vũng Tàu từ 18h ngày 17-11 đến 18h ngày 18-11, toàn tỉnh ghi nhận 423 ca COVID-19, trong đó có 321 ca trong cộng đồng. Vũng Tàu vẫn là địa phương có số ca nhiễm ghi nhận trong ngày cao nhất toàn tỉnh, với 193 ca, trong đó 146 ca cộng đồng. Từ ngày 28-6 đến nay, tỉnh ghi nhận tổng số 7.816 ca COVID-19.
- Chiều 18-11, Nghệ An trong 12 giờ qua ghi nhận 66 ca mắc mới. Trong đó, có 13 ca cộng đồng. Từ đầu mùa dịch đến nay, tỉnh đã ghi nhận 3.412 ca COVID-19 ở 21 địa phương. Số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện: 2.643, số người tử vong: 25.
- Thừa Thiên Huế vừa ghi nhận thêm 91 ca COVID-19 mới trong ngày, trong số này có 68 ca cộng đồng. Tính đến nay toàn tỉnh có 1.989 ca F0. Hiện đang điều trị 697 ca, đã khỏi 1287 ca và có 5 ca tử vong.
- Khánh Hòa trong đợt dịch thứ 4 tổng số ca mắc trên địa bàn tỉnh là 10.945 ca, trong đó có 9.084 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Ngày 18-11, số ca COVID-19 của Đồng Tháp là 515 ca. Từ đầu tháng 6-2021 đến nay, Đồng Tháp ghi nhận 15.204 ca COVID-19, đã điều trị khỏi bệnh 10.807 ca; tử vong 237 ca. Tính đến ngày 18-11, Đồng Tháp đã tiêm được 1.823.991 liều vắc xin COVID-19. Trong đó, tiêm mũi 1 là 1.105.357 liều, đạt 81,41% dân số và tiêm mũi 2 là 718.634 liều, đạt gần 53% dân số từ 18 tuổi trở lên.
- Sóc Trăng trong ngày 17-11, số ca mắc mới trên địa bàn tỉnh ghi nhận là 399, trong đó có 244 ca cộng đồng. Số ca COVID-19 cộng dồn đến thời điểm hiện tại của Sóc Trăng đã lên trên 10.600 ca; điều trị khỏi bệnh trên 7.200 trường hợp; 67 ca tử vong. Tỉnh đã tiêm vắc xin gần 92% mũi 1 và hơn 65% người trên 18 tuổi được tiêm ngừa mũi 2.