Trần Hoài Phương (1992), Quản lý đầu tư tại Việt Nam của Quỹ Wavemaker Partners, đã lăn lộn trong ngành Venture Capital (VC) từ năm 2017 khi hệ sinh thái khởi nghiệp mới bắt đầu sôi động với sự hiện diện của các quỹ nội như VinaCapital Ventures và ESP Ventures.
Phương là một trong 3 thành viên khởi đầu của quỹ VinaCapital Ventures với quy mô 100 triệu USD, quỹ lớn nhất thời điểm đó chỉ tập trung vào thị trường Việt Nam. Sau 3 năm làm việc tại VinaCapital Ventures với 4 khoản đầu tư bao gồm Yeah1 - công ty Media Tech đầu tiên lên sàn HOSE, Phương quyết định bơi ra biển lớn bằng cách đầu quân cho quỹ Wavemaker Partners tại Singapore để quản lý thị trường Việt Nam.
Vốn cho startup là ‘Lương khô’ chứ không phải ‘Ẩm thực’, khởi nghiệp không có chỗ cho lãng mạn hay hào nhoáng!
* Học cử nhân ở Mỹ, Thạc sỹ tại Anh, từng làm việc ở Thượng Hải rồi Singapore, vì đâu chị trở về Việt Nam và gắn bó với công việc của một VC?
Trần Hoài Phương cùng với các Founders FoodMap (trái), và Dat Bike (phải).
Trần Hoài Phương: Tôi tìm được niềm đam mê và lẽ sống trong việc giúp phân bổ “lương khô” cho các nhà sáng lập để thực hiện hoài bão của họ. Có lẽ cho tới nay Phương đã được tiếp xúc với khoảng 1.000 nhà sáng lập cả Việt Nam và trong nước. Mỗi người một câu chuyện, một giấc mơ, một khắc khoải để thôi thúc họ theo đuổi một hành trình đầy gian nan và trắc trở.
Vai trò của nhà đầu tư mạo hiểm là chọn được nhà sáng lập và mô hình kinh doanh sẽ thành công. Vì tuy chúng tôi luôn yêu thích một câu chuyện cảm động, nhưng chỉ có sự thành công của startup mới đem lại hiệu quả nhân rộng với kinh tế, với xã hội, và tất nhiên với hầu bao của quỹ.
Tôi tin là nguồn vốn chảy vào các công ty công nghệ sẽ có tác động lớn nhất nếu so sánh thuần túy trên phương diện ảnh hưởng tính trên số tiền bỏ ra. Vì với những ngành truyền thống nặng về sản xuất hay yếu tố con người, sẽ cần rất nhiều vốn và công sức để vận hành và thời gian để phát triển, mở rộng. Nhưng với công nghệ, việc phát triển và nhân rộng có thể được thu ngắn nhiều lần.
Vì vậy, tôi có đam mê rất lớn với việc đầu tư mạo hiểm vào những nhà sáng lập có hoài bão sử dụng công nghệ để giải quyết những vấn đề thực sự nhức nhối cho xã hội. Điều này làm mình cảm giác có ý nghĩa không kém gì việc đi làm thiện nguyện hay từ thiện, mà còn mang lại lợi ích, thay đổi lâu dài, bền bỉ, như theo câu “Hãy dạy người ta cách câu cá chứ không phải mang cho họ con cá”.
* “Lương khô” là từ rất thú vị. Vì sao chị gọi vốn đầu tư mạo hiểm là “lương khô”?
Tôi gọi vốn VC là “Lương khô”, không gọi là “Ẩm thực”, bởi “lương khô” gợi lên tinh thần chiến đấu căn cơ của người chiến sĩ. Và tôi nghĩ hành trình khởi nghiệp không có chỗ cho sự hào nhoáng, lãng mạn, mà là cuộc chiến tranh hàng ngày và phải thực sự rất trần trụi.
* Nhìn vào các startup của Việt Nam trong 5 năm trở lại đây, có startup nào nhẽ có thể đi rất xa nhưng lại đứt "lương khô" giữa đường khiến chị tiếc nuối hay không?
Tôi là người theo chủ nghĩa thực tế, và tôi không thấy có case nào đứt gánh giữa đường một cách đáng tiếc. Theo tôi, có 2 trường hợp xảy ra khi startup không thể đi tiếp vì thiếu vốn:
1- Do giải pháp của startup thực sự không phù hợp với thị trường, và đó là sự chọn lọc tự nhiên sau khi thị trường lên tiếng. Các nhà đầu tư cũng nhận ra điều đó và không bỏ vốn nữa.
2- Mô hình có thể tốt nhưng startup không gọi vốn kịp thời, có thể do người sáng lập không giỏi gọi vốn, hoặc không có kế hoạch tài chính rõ ràng.
Một người sáng lập giỏi là người phải sử dụng vốn rất cẩn thận, và là người gọi vốn giỏi, phải có sự điều tiết hài hòa giữa tính thực tế của doanh nghiệp nhưng cũng phải là người vẽ được “cái bánh” tiềm năng và cơ hội cho nhà đầu tư thực sự tin vào mơ ước của mình. Nhà sáng lập chỉ giỏi triển khai mà không giỏi gọi vốn thì đó cũng là sự chọn lọc của thị trường.
Tôi nghĩ một startup đứt gánh giữa đường là lẽ thường thôi. Cơ hội sẽ dành cho người xứng đáng hơn!
Tiêu chí chọn Founder: Ý chí con nhà nghèo cùng hoài bão Unicorn
* Là người theo chủ nghĩa thực tế, chị lựa chọn nhà sáng lập thế nào?
Yếu tố con người luôn là quan trọng nhất, vì ở Wavemaker chúng tôi tin vào câu nói, người sáng lập là người chiến sĩ trong võ đài, và nhà đầu tư chỉ có thể giúp những việc hậu cần như tiếp nước, động viên, mang đồ ăn, chứ việc chiến đấu chính vẫn là của nhà sáng lập.
Trần Hoài Phương cùng các nhà sáng lập tại Facebook Wall.
Có những điểm tôi tìm ở nhà sáng lập như sau:
- Kinh nghiệm và việc hiểu ngành: Tôi tin nhà sáng lập đã lăn lộn trong ngành hoặc có những trải nghiệm cá nhân liên quan tới vấn đề của ngành mà họ đang muốn giải quyết sẽ phù hợp hơn một người tay mơ
- Là người dễ làm việc với, chịu lắng nghe để phát triển tích cực: Khởi nghiệp là một chặng đường dài đầy trắc trở, vì vậy người founder cần là người sẵn sàng mở mang đầu óc và lắng nghe để uyển chuyển và trở nên tốt hơn trong hành trình.
- Ngay thẳng và thật thà: Niềm tin giữa nhà đầu tư và nhà sáng lập là một trong những yếu tốt quan trọng nhất để hai bên bắt tay nhau suốt hành trình
- Ý chí của con nhà nghèo và giấc mơ trở thành Unicorn: Tôi tin vào việc nhà sáng lập sử dụng vốn một cách căn cơ, có nghĩa không phải không dám chi và đốt khi cần thiết, nhưng đốt một cách thông minh. Khi người founder - kim chỉ nam của công ty - có ý chí tiết kiệm vượt khó và hướng tới ước mơ unicorn, tôi nghĩ cả đội ngũ của anh ta cũng sẽ hướng theo.
* Theo chị, các startup có nhất thiết phải gọi vốn mới đi được đến thành công? Và VC đóng vai trò gì trong hành trình của các startup?
Chúng tôi tin vào việc những nhà sáng lập mà sẽ thành công dù không có chúng tôi, nhưng với sự đồng hành của chúng tôi thì sẽ thành công rực rỡ hơn đáng kể. Vì vậy, tôi sẽ luôn mong muốn được giúp founders với những việc tôi có thể làm như tìm người tài, giới thiệu nhà đầu tư, giới thiệu đối tác trong và ngoài nước, và giúp các việc liên quan tới tài chính như xây financial model, pitch deck.
Ngoài ra có 2 thứ khác mà tôi tin cũng giúp ích cho nhà sáng lập dù nó có vẻ là việc không tên, đó là : Hỏi những câu hỏi với sự khách quan và trong trẻo của một bên không liên quan; và Làm một người bạn để nhà sáng lập có thể tâm sự và truyện trò. Vì tôi nghĩ nhà sáng lập thường rất cô đơn và áp lực trong hành trình họ đi.
‘The next Unicorn của Việt Nam sẽ là MoMo và Tiki’
* Chị có lạc quan vào tình hình startup Việt Nam hiện tại? Theo chị, “the next Unicorn” của Việt Nam sẽ nằm trong ngành nào?
Tôi rất lạc quan về tình hình của startup tại Việt Nam, với dân số đông và trẻ, tỷ lệ dùng smartphone nhiều, chính trị ổn định. Khi Trung Quốc có những động thái nghiêm khắc hơn với các doanh nghiệp công nghệ thì nguồn vốn bắt đầu rút và trở về Đông Nam Á. Hiện Singapore và Indonesia định giá startup đã khá đắt, chỉ còn có Việt Nam mà thôi.
Các nhà sáng lập Việt Nam có tinh thần chiến sĩ, tôi nghĩ chúng ta còn có thể tiến xa. Ngay cả trong khu vực, số unicorn của Việt Nam hiện là 3, chỉ xếp sau Indonesia và Singapore.
Tôi nghĩ 2 unicorn tới đây chắc chắn có Tiki trong mảng Ecommerce (Thương mại điện tử) và MoMo trong ngành Tài chính. Tiếp sau nữa chưa thể nói trước, nhưng hy vọng là Giao hàng Nhanh, KiotViet, hoặc các công ty khác hỗ trợ trong mảng Ecommerce.
* Kế hoạch tiếp theo của chị và Wavemaker tại Việt Nam sẽ thế nào?
Wavemaker rất kỳ vọng vào Việt Nam vì chúng tôi rất ấn tượng với ý chí kiên cường của người Việt và độ phát triển của kinh tế, ổn định chính trị, dân số trẻ và sẵn sàng tiếp thu cái mới. Tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm và đồng hành với các nhà sáng lập để giải quyết các vấn đề nhức nhối cho xã hội.
Điều tôi mong mỏi là giúp được thêm những nhà sáng lập đã đang đồng hành với tôi vì thời gian tôi hơi bận nên bị phân tán nguồn lực giữa nhiều việc khác nhau: tìm deal mới, tham gia các sự kiện, báo cáo quỹ. Tôi mong hiểu được thêm về ngành của họ, biết thêm nhiều người tài, để có thể giúp mang lại thêm các giá trị cho các startup này, để sau này, một hay nhiều trong số những công ty tôi đã chọn sẽ trở thành unicorn tiếp theo của Việt Nam.
Unicorn không chỉ là một cái danh, mà nó có rất nhiều sự kéo theo như việc đưa Việt Nam lớn thêm trên bản đồ công nghệ thế giới; kéo thêm vốn về và tạo nên sân chơi cho các lớp nhà sáng lập tiếp theo. Khi đó, tôi sẽ rất vui và cảm thấy tự hào vì mình được góp một phần nhỏ nhoi trong mắt xích để đem lại được những giá trị đó cho xã hội.
* Xin cảm ơn chị!
Theo thống kê cá nhân, tính đến ngày 11/11/2021, Trần Hoài Phương đã giúp các quỹ giải ngân tổng cộng 30 triệu USD, trong đó có 20 triệu USD ở Việt Nam. Các khoản đầu tư Phương đã thực hiện cho Wavemaker trong 1,5 năm vừa qua đã tăng giá trị tổng cộng 4x.
Wavemaker nhìn nhận Việt Nam có những vấn đề rất lớn và đáng giải quyết trong các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, hay bảo hiểm. Một số startup Việt Nam tiêu biểu Wavemaker đang đồng hành gồm Foodmap (Ecommerce trong lĩnh vực nông nghiệp), MindX (EduTech), Dat Bike (xe điện), Medici (MedTech)…
Bảo Bảo
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị