Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT), Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 hiện nay được đánh giá là hết sức phù hợp và cấp thiết, nhằm tập trung hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, sớm trở lại trạng thái bình thường mới và không lỡ nhịp xu thế phục hồi và phát triển của thế giới. Dự kiến nguồn lực thực hiện chương trình khoảng 800.000 tỷ đồng (tương đương 35 tỷ USD).
Xoay quanh gói kích thích kinh tế dự kiến này, nhiều chuyên gia cũng đồng thuận rằng, một gói kích thích kinh tế lớn là điều cần phải làm sớm lúc này, bên cạnh đó cũng cần phải ước lượng được liều lượng phù hợp cũng như dự tính trước các tác động.
Chúng tôi xin giới thiệu thêm một góc nhìn về gói kích thích kinh tế của TS. kinh tế Nguyễn Hoàng Nam – Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Đại Nam.
Liều thuốc bắt buộc nếu muốn quay lại chu kỳ tăng trưởng dài hạn
PV: So với những gói kích thích kinh tế trong quá khứ (năm 2009 và năm 2020), theo ông gói hỗ trợ kinh tế dự kiến trị giá 800.000 tỷ trong thời gian tới sẽ có những điểm khác biệt gì?
TS. Nguyễn Hoàng Nam: Trong nhiều thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu và đầu tư công. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài gần 2 năm qua, cả hai yếu tố động lực tăng trưởng phải gánh chịu tác động hết sức tiêu cực khiến cho "sức khỏe" của nền kinh tế đang bị ảnh hưởng mạnh. Chính vì vậy, gói kích thích này là liều thuốc bắt buộc mà Chính phủ Việt Nam không có lựa chọn nào khác hiệu quả hơn.
Trước đây, các gói kích thích kinh tế chỉ mang mục đích kích thích trong ngắn hạn nên quy mô của những gói kích thích này thấp hơn rất nhiều (gói 5,7 tỷ USD năm 2009; gói hơn 10 tỷ USD năm 2020). Gói kích thích năm 2009 đã giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, giảm thất nghiệp, kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, cái giá phải trả cực kỳ đắt, đó là tỷ lệ lạm phát tăng mạnh lên 11,75% trong năm 2010 và đạt đỉnh 18% trong năm 2011. Đáng tiếc lạm phát tăng mạnh chủ yếu do nguyên nhân chủ quan. Gói chính sách năm 2020 đã giúp kinh tế Việt Nam trở thành điểm sáng của kinh tế thế giới, duy trì tốc độ tăng trưởng dương 2,9% trong bối cảnh đại dịch.
Trong khi đó, gói kích thích dự kiến tới đây sẽ hướng đến lợi ích nền kinh tế trong trung, dài hạn. Vì vậy quy mô sẽ lên tới mức cực lớn, dự kiến khoảng 800.000 tỷ đồng (tương đương 34,7 tỷ USD). Mục đích không chỉ là để giải bài toán ngắn hạn mà quan trọng hơn đưa con thuyền kinh tế Việt Nam quay trở lại chu kỳ tăng trưởng mới. Ngoài những tác động ngắn hạn như phân tích ở trên, mục đích chính của gói dự kiến này là xác lập lại động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn. Cụ thể là: cỗ xe kinh tế vẫn phải hoạt động dựa trên đầu tư công, xuất khẩu các ngành hàng ít chịu ảnh hưởng bởi đại dịch và đặc biệt là một phần gánh nặng của xuất khẩu sẽ được san sẻ phần nào bởi tiêu dùng nội địa, đây chính là sự thay đổi lớn trong tác động của gói chính sách lần này. Gói kích thích dự kiến sẽ có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, sâu và tác động đến nhiều mặt đến đời sống kinh tế-xã hội.
Chính phủ có khả năng sẽ tập trung vào hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ
PV: Vậy theo ông, đâu sẽ là trọng tâm của gói kích thích?
Gói kích thích kinh tế này sẽ hướng trọng tâm đến nhiều ngành kinh tế, các doanh nghiệp và các cá nhân ở các mức độ hết sức khác nhau.
Với các ngành kinh tế, dự đoán gói kích thích kinh tế sẽ tập trung chủ yếu vào những ngành có độ nhạy cao và có chỉ số lan tỏa lớn, được thể hiện qua hệ số liên kết xuôi và ngược cao trong ma trận liên ngành nền kinh tế. Trước mắt, Chính phủ có khả năng sẽ tập trung vào những ngành xuất khẩu đang ít chịu ảnh hưởng hơn như thiết bị, dụng cụ, linh kiện; các mặt hàng nông nghiệp chủ lực: cà phê, trà, hạt tiêu, điều,v.v…Và với từng ngành, Chính phủ cũng sẽ có những biện pháp để chọn lọc những doanh nghiệp phù hợp để kịp thời hỗ trợ chứ không hỗ trợ dàn trải.
Với đối tượng doanh nghiệp, Chính phủ có lẽ sẽ tập trung vào hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì tỷ lệ áp đảo (96,7%) trong nền kinh tế. Con số thống kê cập nhất nhất cho thấy khu vực này hiện đang thẩm thấu gần 9 triệu lao động, đóng góp khoảng 50% GDP và thu ngân sách khoảng 30%. Hỗ trợ hiệu quả khu vực kinh tế này sẽ giúp sớm ổn định tình hình an sinh xã hội.
Với các cá nhân, Chính phủ có thể sẽ áp dụng những chính sách chưa có tiền lệ như: hỗ trợ tiền theo quý, và/hoặc phát thẻ mua hàng hóa thiết yếu cho đối tượng yếm thế trong xã hội.
PV: Với quy mô cực lớn (chiếm đến 10% GDP của Việt Nam), ông dự đoán gói kích thích này sẽ có tác động như thế nào đến nền kinh tế?
Như tôi đã nói ở trên, tác động của gói kích thích này là rất lớn cả về bề rộng và chiều sâu, cả về lực tổng cung và tổng cầu, từ thị trường hàng hóa dịch vụ, thị trường lao động, thị trường tài chính đến thị trường yếu tố đầu vào.
Tuy nhiên, tác động cụ thể lên mỗi thị trường như thế nào còn phụ thuộc rất lớn vào độ trễ ngoài. Nếu không thực hiện được đồng bộ về mặt chính sách thì hiệu quả sẽ không được như mong muốn. Ví dụ như để đẩy tăng trưởng theo quý của nền kinh tế lên 1% thì đầu tư công phải giải ngân hết 50.000 tỷ đồng. Nếu không làm được như vậy thì kết quả sẽ không như kỳ vọng.
PV: Theo , gói kích thích mới nên được triển khai như thế nào để có thể khắc phục điểm yếu của gói cũ, đồng thời phù hợp với nền kinh tế hiện tại?
Nếu chúng ta khắc phục được những tồn đọng của các gói kích thích trước đây thì gói này sẽ có hiệu quả cao. Nhược điểm của các gói kích thích cũ là:
- Thực hiện không đồng bộ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, ví dụ như giải ngân vốn đầu tư công và hỗ trợ lãi suất không đồng pha nên hiệu quả bị suy giảm đến tất cả các biến số vĩ mô.
- Kiểm soát dòng tiền không tốt nên dẫn đến hiện tượng đầu cơ vào các thị trường như bất động sản, chứng khoán, vàng dẫn đến bong bóng thị trường.
- Đã có hiện tượng trục lợi chính sách trong quá khứ vì vận hành dựa trên cơ chế xin-cho.
- Do quy trình thủ tục hành chính phức tạp nên độ trễ ngoài thường lớn.
Những tác động tới thị trường chứng khoán, bất động sản, lãi suất, giá vàng
PV: Vậy theo ông, gói kích thích này sẽ có tác động như thế nào đến tình hình lạm phát, giá vàng và thị trường chứng khoán của Việt Nam trong thời gian tới?
Thông thường, khi Chính phủ thực hiện chính sách kích cầu sẽ gây áp lực tăng lên lạm phát. Ở đây tôi nhấn mạnh vào lạm phát mà các cá nhân kỳ vọng. Khi mọi người dự đoán lạm phát cao hơn thực tế, tự nhiên họ sẽ có thay đổi trong các hành vi tài chính.
Điều này đã được chứng minh rất rõ ràng trong giai đoạn vừa qua. Khi lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng Việt Nam xuống rất thấp (hơn 6%/năm), thì chỉ trong vòng 10 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam đã mở mới hơn 1 triệu tài khoản chứng khoán, cao hơn tổng số tài khoản đã được nhóm này mở trong cả 4 năm 2017 - 2020 cộng lại. Khi lãi suất thực giảm sâu, các nhà đầu tư đã chuyển kênh đầu tư sang chứng khoán để tìm kiếm khả năng sinh lời cao hơn.
Tại thời điểm hiện tại, VN Index đang lên, nhưng khi lạm phát cá nhân kỳ vọng cao họ sẽ lại một lần nữa thay đổi hành vi sang đầu tư vào những thị trường có lợi tức bền hơn trong dài hạn. Có thể phân khúc đất nền của thị trường bất động sản sẽ ấm lên và vàng sẽ lại lập đỉnh mới trong thời gian ngắn sắp tới.
Cảm ơn những chia sẻ của ông!
Hương Ngọc
Nhịp sống kinh tế