Tối 18/11, sau ba ngày làm việc, phiên xử bà Dương Thị Bạch Diệp (tức Diệp Bạch Dương, Giám đốc công ty bất động sản cùng tên) kết thúc phần tranh luận. Trước khi bước vào phần nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng.
Là người đầu tiên phát biểu, ông Nguyễn Thành Tài (69 tuổi) cho biết, bản thân cảm thấy đau đớn khi phải đứng trước tòa sau quá trình hàng chục năng cống hiến cho thành phố.
Cựu phó chủ tịch thành phố trông tiều tuỵ, gầy hơn nhiều so với lần ra toà hồi tháng 3, do vừa phẫu thuật và đang điều trị bệnh ung thư. Trong hơn 20 phút nói lời sau cùng, ông Tài nhắc đến thời gian làm cách mạng, đứng trong hàng ngũ của Đảng và nhiều lần đối mặt cái chết khi tham gia giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Tuy nhiên, trước khi bị đưa ra xét xử ông đã bị khai trừ khỏi Đảng. Vì vậy, tại phiên tòa này, ông muốn nói về bản thân với tư cách "một người lính".
Ông bị VKS đề nghị mức án 5-6 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Tài không được phân công nhiệm vụ trong việc xử lý tài sản thuộc quản lý của Nhà nước, nhưng khi nghe bà Diệp và Vy Nhật Tảo (Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ) trình bày phương án hoán đổi nhà đất 57 Cao Thắng lấy trụ sở Trung tâm Ca nhạc nhẹ (185 Hai Bà Trưng) đã ủng hộ, ký duyệt chủ trương vì "phương án có lợi cho thành phố".
Ông nói đã có nhiều năm cống hiến cho thành phố và khi về hưu được làm công việc mãn nguyện - là thầy giáo, truyền đạt kinh nghiệm cho thế hệ sau. Tuy nhiên sau 8 năm về hưu ông đã bị bắt và sốc hơn khi bị khai trừ Đảng. "Suốt 3 năm qua bị giam trong bốn bức tường tôi luôn tự hỏi mình là ai. Mình không phải một con người hoàn mỹ, có nhiều sai sót trong quá công tác, nhưng tôi không phải là người cơ hội... gây nguy hiểm cho xã hội", ông nói.
Nghẹn giọng khi nhắc đến người mẹ gần 100 tuổi, ông Tài nhận bản thân chưa làm tròn chữ hiếu. "Mẹ tôi đã đưa 4 người con đi bộ đội, 3 người ngã xuống, giờ mẹ chưa biết tôi đi tù mà vẫn nghĩ đi học", bị cáo nói. "Tôi đã không hoàn thành lời hứa với các đồng đội đã ngã xuống là phải sống cho xứng đáng. Nhưng bản thân đã vượt qua cám dỗ của danh lợi, sống trong sáng không vụ lợi".
Ông Tài xin HĐXX đánh giá một cách công bằng cho mình và cả những bị cáo vốn là cấp dưới cùng vướng vào vụ án. Ông cũng cho biết vừa trải qua phẫu thuật, sức khỏe rất yếu, mong tòa xem xét "để bước qua ngã rẽ cuộc đời".
Là người nói sau cùng, giọng bà Diệp rành rọt khi tiếp tục kêu oan, tha thiết xin HĐXX giúp mình tìm ra sự thật khách quan.
Bà nhiều lần khẳng định không thế chấp nhà đất 57 Cao Thắng cho ngân hàng, hồ sơ trong vụ án là giả mạo. Việc bà hoán đổi tài sản này cho thành phố lấy 185 Hai Bà Trưng "nghĩ là làm phúc nhưng cuối cùng lại là họa" vì bị cáo buộc lừa đảo.
Bà tự hào về bản thân đã gây dựng được khối tài sản lớn và luôn sống chính trực, thẳng thắn. "Việc phải đứng trước tòa hôm nay khiến tôi rất đau đớn. Tôi tin nỗi đau hôm nay là cảnh tỉnh cho mọi người, nhưng tôi tin vào sự phán quyết của tòa", bà Diệp nói.
Đại gia bất động sản cũng đề cập đến nhiều vấn đề không liên quan đến vụ án nên HĐXX phải cắt ngang.
Các bị cáo khác nguyên là lãnh đạo các sở ngành của thành phố thừa nhận sai phạm, song cho rằng không vụ lợi; xin toà xem xét giảm nhẹ hình phạt nhất có thể.
Trong ba ngày diễn ra phiên tòa, bà Diệp liên tục kêu oan, đưa ra các tài liệu chứng cứ mới liên quan đến khoản vay 67.000 lượng vàng tại Agribank và khẳng định nhà đất 57 Cao Thắng không được dùng để thế chấp cho khoản vay này.
Tuy nhiên, VKS giữ nguyên quan điểm cáo buộc bà Diệp giữ vai trò chủ mưu trong vụ hoán đổi nhà đất 57 Cao Thắng lấy trụ sở Trung tâm ca nhạc nhẹ TP HCM, gây thiệt hại cho Nhà nước 186 tỷ đồng. Đánh giá hậu quả vụ án đặc biệt lớn, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bà mức án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ông Vy Nhật Tảo cũng bị đề nghị mức án như ông Tài. Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 3 năm tù treo đến 6 năm tù về cùng hành vi.
16h ngày mai, 19/11, toà tuyên án.
Hải Duyên
Xem thêm: lmth.8577834-ioh-oc-ek-iahp-gnohk-iot-iat-hnaht-neyugn-gno/ten.sserpxenv